Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, đến nay tài liệu dự thảo Chương trình Nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris (PAWP) đã được cải thiện đáng kể và rõ ràng hơn. Đây là kết quả làm việc liên tục của tất cả các Bên suốt 3 năm qua kể từ sau COP21 năm 2015. Đoàn Việt Nam với sự chỉ đạo sát sao của Trưởng Ban công tác Đàm phán về biến đổi khí hậu đã có những đóng góp cụ thể vào nội dung PAWP. Kết quả hiện tại là tương đối cân bằng, thể hiện được ưu tiên của các Bên.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần phải trình lên cấp cao xem xét, tiếp tục thảo luận tại tuần thứ hai của Hội nghị. Đó là vấn đề liên quan đến thích ứng, giảm nhẹ, nội dung báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), minh bạch trong ứng phó và hỗ trợ ứng phó. Ngoài ra còn có vấn đề mới nảy sinh liên quan đến tài chính khí hậu. Các tài liệu hiện có xu hướng làm mờ đi trách nhiệm của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển bằng cách sáng tạo ra các cụm từ mới. Ví dụ như người cung cấp tài chính (Financial provider) thay cho cụm từ nguồn tài chính từ các nước phát triển cung cấp cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu. Phía các nước đang phát triển yêu cầu phải đưa ra những cam kết cụ thể về tài chính, cần triển khai đánh giá nhu cầu hỗ trợ tài chính, hỗ trợ một cách đầy đủ cho các nước đang phát triển. Những vấn đề này chưa thống nhất được sẽ trình lên cấp cao để quyết định.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tuần vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia các thảo luận văn kiện bên lề liên quan đến các nhiệm vụ được giao. Nội dung đầu tư, tài chính không có nhiều điểm mới nhưng có nhiều thông tin về sự trì hoãn của các nước phát triển.
Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, nội dung liên quan đến vấn đề năng lượng có điểm khác các COP trước đây. Năm nay, các ý kiến chỉ thông qua các hoạt động bên lề, tại các cuộc họp chính, không tạo sức ép cho các nước đang phát triển trong việc dịch chuyển sang năng lượng tái tạo vì để thực hiện việc này cần có quá trình. Trong khi đó những nắm trước đây đề cập nhiều về năng lượng của các nước phát triển, có cảnh báo mạnh mẽ.
Ông Chu Văn Chuông, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khung hợp tác Kronivia về nông nghiệp đã đánh giá về những việc đã thực hiện trong thời gian vừa qua, chia sẻ kinh nghiệm từ các Ủy ban COP, đề nghị các cơ quan thuộc COP, các thể chế tài chính phối hợp và tham dự các phiên nông nghiệp để khuyến cáo và xây dựng những cơ chế tài trợ cho thích ứng nông nghiệp sau này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ tuyên bố về rừng do Ba Lan khởi xướng.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Bộ Giao thông vận tải cho biết, từ ngày 1/1/2019, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) sẽ tổ chức đo đạc khí thải trong hàng không quốc tế và xây dựng đường cơ sở, thu thập số liệu để tổng hợp báo cáo cho ICAO. Tổ chức hàng hải quốc tế IMO cũng đang nghiên cứu về các nhiên liệu sử dụng cho tàu biển, và đề nghị các nước xây dựng kế hoạch ứng phó tại cảng biển.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Khung công nghệ năm nay thảo luận tương đối rõ, đẩy vai trò của Uỷ ban công nghệ và Trung tâm mạng lưới công nghệ khí hậu có trọng trách cao hơn trong việc triển khai khung công nghệ.
Sau ý kiến của đại diện các Bộ tham dự COP 24, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các thành viên trong Đoàn tiếp tục bám sát các nội dung được phân công và diễn biến Hội nghị để tham gia; đảm bảo quyền và lợi ích của Việt Nam, đồng thời cũng cần tranh thủ tham gia trao đổi với các đối tác quốc tế về nỗ lực của Việt Nam, kêu gọi các Bên cùng hợp tác với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành căn cứ những thông tin, diễn biến mới nhất tại Hội nghị phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có kiến nghị phù hợp với Chính phủ triển khai nghĩa vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam từ năm 2021 trở đi và các nghĩa vụ khác do Thoả thuận Paris quy định.
Trong ngày đầu tiên đoàn cấp cao tham dự COP 24, Trưởng đoàn Việt Nam - Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã tham dự phiên họp tham vấn ý kiến trưởng đoàn các nước. Cuộc họp nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong khuôn khổ Chương trình Nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (PAWP) và thảo luận cách thức tiến hành tham vấn các Bên để có thể đạt thoả thuận có thể chấp nhận được bởi tất cả các Bên. Bên lề phiên họp Thứ trưởng Lê Công Thành đã gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch G77&Trung Quốc, ngài Wael Aboulmagd, để trao đổi những nội dung cốt lõi Việt Nam muốn văn bản cuối cuối cùng về PAWP cần thể hiện được. Thứ trưởng đã đề nghị Ngài Wael Aboulmagd, với vị trí quan trọng của mình trong việc điều phối những ưu tiên của 131 quốc gia đang phát triển, lồng ghép những nội dung ưu tiên của Việt Nam vào nội dung chính thức của cả Nhóm G77&Trung Quốc. |