Công ty giấy An Hòa "bức tử" sông Lô chây ì trách nhiệm

13/03/2015 00:00

Toàn bộ khu vực cửa xả thải của Công ty CP giấy An Hòa bốc mùi hôi thối, bọt sủi trắng xóa, cao hơn một mét đang dần "bức tử" dòng sông Lô hiền hòa, thơ mộng.

 

Trước những thông tin phản ánh của người dân tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), trong nhiều ngày qua, PV Báo Giao thông đã mục sở thị nơi Công ty CP giấy An Hòa (Công ty An Hòa) xả nước thải sản xuất nồng nặc mùi ra dòng sông Lô, gây ô nhiễm nghiêm trọng. 

Ngộp thở nơi cống thải

Nhóm PV Báo Giao thông đã được chính người dân địa phương sử dụng thuyền dân sinh chở đến ngay trước cửa miệng đường ống nước xả thải của Công ty An Hòa và tận thấy dòng nước xả đen ngòm đang dội thẳng xuống lòng sông Lô với mùi hôi thối rợn người. Chỉ tay về khu vực nước thải xả, ông Phạm Văn H. (người lái thuyền) bức xúc: “Công ty An Hòa xả thải trực tiếp ra sông Lô đã từ lâu. Năm ngoái, có một chiếc thuyền bị đắm tại hạ lưu khu vực cống nước xả thải, sau khi tôi lặn xuống trục vớt thuyền lên thì toàn thân bị tróc da, ngứa rát…từ đấy trở đi không còn dám bơi ở chỗ này nữa”.

Chạy dọc theo bờ sông Lô, PV quan sát thấy ngay ở phía thượng lưu là trạm bơm nước của Công ty An Hòa với những đường ống dẫn chằng chịt, vươn dài phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, Công ty An Hòa lại đặt miệng cống xả nước thải về phía hạ lưu cách đó đến 300m, hệ thống cống xả được thiết kế dạng tràn xả lũ và “kín đáo” khi nằm ẩn sau những tảng đá lớn. Bịt mũi, nín thở phía trên miệng cống, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến dòng nước đen ngòm bị ngăn lại trước tràn xả. Trong khi đó nếu nhìn từ phía dưới lên chỉ thấy nước có màu vàng được xả xuống lòng sông Lô. Toàn bộ khu vực cửa xả bốc mùi hôi thối, bọt sủi trắng xóa đóng cục cao hơn một mét và lớp váng phủ kín cả một đoạn sông đang trôi dạt về phía hạ lưu khu dân cư. Sau năm phút tiếp cận sát miệng cống xả, PV đã bị mùi nước thải nồng nặc gây khó thở, buồn nôn và chóng mặt.

Công ty “đá bóng”, chây ỳ trách nhiệm

Trao đổi với PV chiều 9/3, ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc hành chính Công ty CP giấy An Hòa cho biết, công ty đi vào hoạt động từ năm 2011, là dự án của Tập đoàn Geleximco (Công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội) với công suất thiết kế 500 nghìn tấn bột giấy mỗi năm. Trước phản ánh của PV, ông Sơn cho rằng: “Trên thực tế, các nhà máy sản xuất giấy, đường, gang thép đều nằm sát và xả thải xuống sông, Công ty An Hòa cũng không ngoại lệ, mùi hôi thối là đặc trưng của ngành sản xuất bột giấy, còn hiện tại, công ty đang cho ngừng máy một tháng để bảo dưỡng, nước đang thải ra ngoài chỉ là nước mạt rửa máy, bãi bến”.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tham quan trực tiếp hệ thống xử lý nước thải thì ông này từ chối với lý do nhà máy đang bừa bộn và người nắm rõ chuyên môn về môi trường đang đi vắng. “Tôi chỉ quản lý ở góc độ chung, chi tiết thì không biết. Hiện tại chị Trang (Trưởng phòng Môi trường Công ty An Hòa-PV) đang đi vắng, nếu anh đi hỏi Tổng công ty chủ quản là Geleximco thì họ cũng không nắm được gì cả vì công ty chúng tôi hoạt động độc lập”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, qua điện thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, ông Nông Văn Hiền khẳng định, việc Công ty An Hòa xả nước thải ra sông đã nhiều lần bị Bộ TN&MT, UBND tỉnh, Sở TN&MT kiểm tra, xử phạt và yêu cầu xử lý an toàn trước khi thải ra ngoài nhưng đến nay công ty vẫn chưa khắc phục.

Tại buổi làm việc với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang (người phụ trách trực tiếp xử lý vấn đề xả thải của Công ty An Hòa) khẳng định: “Tôi theo dõi nhà máy từ khi hoạt động. Nhà máy được Bộ TN&MT thẩm định, mỗi quý Sở đều tiến hành quan trắc một lần về tình hình nước và các yếu tố khác. Qua đó cho thấy, hệ thống xử lý nước thải của Công ty An Hòa chưa đạt các chỉ tiêu quan trọng như BOD, COD và màu sắc lớn hơn tiêu chuẩn môi trường cho phép. Hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chỉ còn Công ty An Hòa giấy là vi phạm về các chỉ tiêu xả thải”.

Đã phạt gần 1 tỷ

Theo Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang Phạm Văn Lương, hiện Công ty An Hoà đang báo cáo Sở về việc dừng nhà máy để bảo dưỡng. Trong khi đó, cảnh sát môi trường đã kiểm tra nhiều lần, chỉ riêng năm 2014, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã xử phạt công ty này 500 triệu, cảnh sát môi trường cũng phạt đến 400 triệu và Sở phạt 50 triệu. Hiện Công ty An Hoà đang có hợp đồng với đối tác phía Malaysia để xử lý vấn đề môi trường, tới đây Sở sẽ tăng cường kiểm tra, mỗi tháng từ 1- 2 lần, nếu trong một thời hạn nhất định, việc khắc phục không được triệt để, Sở sẽ kiến nghị biện pháp xử lý cứng rắn đối với Công ty An Hòa.

 

 

Theo Báo Giao thông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty giấy An Hòa "bức tử" sông Lô chây ì trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO