Phản ánh tới báo TN&MT, người dân sinh sống cạnh khu đất giáp mương Thụy Khuê (giáp ngõ 10, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê) cho biết, những năm qua khu đất này thường xuyên bị bỏ hoang, không có đơn vị nào sử dụng. Chính vì thế mà nơi đây bị biến thành điểm tập kết phế thải, rác thải của người dân quanh khu vực khiến môi trường bị ô nhiễm, cảnh quan bị phá hủy và nguy cơ phát tán, lây lan bệnh dịch luôn tiềm ẩn.
Trao đổi với những người dân sống gần khu đất, họ rất bức xúc trước sự lãng phí đất đai của đơn vị quản lý cũng như tình trạng đổ rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Bác Thanh, một người dân gần đó chia sẻ: “Bao năm qua chúng tôi có thấy người ta sử dụng khu đất này vào việc gì đâu? Đất đai để hoang hóa, không ai quản lý, trông nom nên người dân thi nhau đổ phế thải, rác thải vào đó. Ngày qua ngày, rác thải, phế thải chất thành từng đống cao nhưng chúng tôi cũng không thấy có ai đến kiểm tra, xử lý. Mỗi khi trời nắng to hoặc mưa lớn, đủ các loại mùi hôi thối từ rác thải, phế thải xộc thẳng vào nhà làm ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của chúng tôi”.
Tìm hiểu của PV báo TN&MT được biết, khu đất này do công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội quản lý, sử dụng. Ngoài khu đất nêu trên, công ty này còn quản lý, sử dụng 4 khu đất khác gồm: Khu đất tại 19 Thụy Khuê (giáp trường mầm non Chu Văn An, có diện tích khoảng 2000 m2); khu đất tại 19 Thụy Khuê (giáp dốc La Pho và trụ sở công an phường Thụy Khuê), có diện tích khoảng hơn 2000 m2); khu đất tại 19 Thụy Khuê (giáp dốc La Pho và trạm nước sạch, có diện tích khoảng 400 m2); khu đất tại 17 Thụy Khuê (giáp trường cấp 2 Chu Văn An, có diện tích khoảng 500 m2).
Ghi nhận của PV tại khu đất 19 Thụy Khuê (giáp dốc La Pho và trụ sở công an phường Thụy Khuê) thấy rằng, bên cạnh việc sử dụng khu đất làm nhà xưởng sản xuất cọc chống, giàn chữ trang trí, thiết bị phụ trợ công tác cắt sửa trang trí trồng cây thì công ty còn dựng xưởng sữa chữa xe máy (rộng chừng 70 m2). Giữa khu đất xuất hiện một bãi phế liệu, vật liệu xây dựng (rộng chừng 400 m2) gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường. Tại khu đất 17 Thụy Khuê (giáp trường cấp 2 Chu Văn An), công ty này còn dựng một nhà xưởng rộng chừng 60 m2 để làm dịch vụ rửa xe.
Nhằm làm rõ những phản ánh trên, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Tại buổi làm việc, ông Mạnh thừa nhận có tình trạng đổ phế thải, rác thải tại một số khu đất mà công ty quản lý nhưng khẳng định, công ty đã cho người dọn dẹp sạch sẽ.
Cụ thể, ông Mạnh cho biết: “Sau khi nhận được thông tin từ cơ quan báo, chúng tôi đã phối hợp với UBND phường Thụy Khuê dọn dẹp sạch sẽ phế thải, rác thải tập kết tại các khu đất thuộc quyền quản lý của chúng tôi. Chúng tôi cũng cho quây tôn khu đất gần ngõ 10 đường Hoàng Hoa Thám và thời gian tới sẽ tiến hành trồng hoa, đặt chậu cây ở đó. Phần đất giáp dốc La Pho và Trạm nước sạch có phần đuôi không phải diện tích chúng tôi quản lý nên trách nhiệm xử lý rác thải, phế thải thuộc về đơn vị khác. Riêng về hoạt động sửa chữa và rửa xe thì đây chỉ là hoạt động phục vụ nhân viên công ty. Hơn nữa, những hoạt động này nằm trong ngành nghề đã được đăng ký kinh doanh của công ty”.
Trong khi đó, trao đổi với PV báo TN&MT, ông Nguyễn Đức Toản, cán bộ Quản lý đô thị phường Thụy Khuê cho biết: “Hiện nay, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội không thừa nhận phần đất giáp dốc La Pho và Trạm nước sạch, đồng thời cho rằng đó là đất do đơn vị khác quản lý (cụ thể là Xí nghiệp nước sạch Ba Đình). Tuy nhiên UBND phường cũng đã làm việc với lãnh đạo Xí nghiệp nước sạch Ba Đình và tiến hành đối chiếu các văn bản cũng như hồ sơ địa chính. Qua quá trình xác minh, chúng tôi khẳng định phần diện tích đất giáp dốc La Pho và Trạm nước sạch do Công ty Công viên cây xanh Hà Nội quản lý, sử dụng. Họ phải có trách nhiệm dọn dẹp rác thải, phế thải và dựng hàng rào để bảo vệ đất của mình. Từ năm 2018 đến nay, UBND phường đã có văn bản gửi công ty để nhắc nhở về việc trên”.
Điều ngạc nhiên ở chỗ, tại sao một vị trí “đất vàng” như trên lại không có đơn vị nào chịu nhận?. Và trách nhiệm kiểm tra, xử lý phần rác thải, phế thải ở phần đất nêu trên sẽ thuộc về ai? Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đúng mục đích, Báo TN&MT đề nghị UBND quận Tây Hồ khẩn trương có biện pháp kiểm tra, xử lý thông tin nêu trên và trả lời công luận.