Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn: Nguyên nhân dẫn đến sai phạm nghiêm trọng đất đai?

Bài và ảnh: Phạm Hoàng| 17/07/2020 15:59

(TN&MT) - Ngày 28 – 29 và 30/6, Báo Tài nguyên & Môi trường đã có 3 bài viết về sai phạm nghiêm trọng trong sử dụng đất tại Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn. Vậy nguyên nhân do đâu, các cổ đông của Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn lại sử dụng đất không đúng mục đích; Xây dựng các công trình trái phép, mua bán, chuyển nhượng… tràn lan như vậy?

Qua Kết luận thanh tra sổ 06/KL – STNMT, ngày 16/9/2019 của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, về việc: Chấp hành pháp luật đất đai đối với Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn đã chỉ rõ: “... Từ năm 2013 – 2018 có 61 cổ đông, cá nhân được Công ty giao từ 80m2 – 1.800m2 đất để xây dựng, sản xuất kinh doanh đến năm 2039, dưới các hình thức “Quyết định giao đất”, “Biên bản giao đất”, “Hợp đồng giao khoán tư liệu sản xuất là ao, ruộng cho cổ đông, nhóm cổ đông, người lao động”. Tại thời điểm thanh tra, theo hồ sơ Công ty cung cấp, ở vị trí giáp đường tỉnh 389B và đường liên xã Hiệp Hòa – Lạc Long đang có 51 hộ gia đình, cá nhân là cổ đông, người lao động được Công ty giao đất với diện tích 12.050m2, 1 cổ đông được Công ty cho thuê 400m2 tài sản trên đất để kinh doanh phi nông nghiệp; hiện trạng có 32 trường hợp tự xây nhà cấp 4 và công trình khác với tổng diện tích khoảng 7.204,5m2 để, bán hàng… diện tích còn lại một phần đã san lấp, một phần vẫn là đất nông nghiệp (ao, ruộng, vườn).

Kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương đã chỉ rõ sai phạm nghiêm trọng đất đai ở Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn 

Công ty giao đất, nhiều người phải nộp thêm tiền (Theo Công ty giải trình là tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước, tiền chi phí san lấp mặt bằng, tài sản trên đất, lợi thế vị trí...) với giá trị lớn hơn nhiều lần tiền thuê đất Công ty phải nộp theo Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường… Như các trường hợp bà Vũ Thị Nhâm được giao 100m2 theo Quyết định số 17 – QĐ/CT ngày 20/11/2013 phải nộp 15.400 đồng/m2/năm (tổng là 40 triệu đồng). Ông Phạm Văn Hòa sử dụng 400m2 đất theo các Quyết định số 09,88 – QĐ/CT ngày 20/11/2013 phải nộp 110 triệu đồng và bà Nguyễn Thị Sen được giao 100m2 theo Quyết định số 08 – QĐ/CT ngày 20/5/2014 phải nộp số tiền 55 triệu đồng… Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương đã thu thập được 32 phiếu thu cổ đông, tổng số tiền 1.590.000.00 đồng là số tiền cổ đông đóng góp, nộp cho Công ty khi được giao 8.710m2 đất.

Khi được Công ty giao đất, các cổ đông không những sử dụng đất sai mục đích, mà còn tự ý cho thuê, sang nhượng kiếm lời với số tiền lớn hơn nhiều số tiền nộp cho Công ty, như: Ông Phạm Mạnh Vũ được Công ty giao 1.800m2 đất sau đó đã phân chia cho 4 người (gồm ông, bà: Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Phương) sử dụng 957.5m2. Vợ chống ông bà Phạm Tiến Công và Nguyễn Thị Miền được Công ty giao 3 lô đất, với diện tích 300m2 (trong đó có 1 lô diện tích 100m2 khi giao ông Công, bà Miền phải nộp cho Công ty 20 triệu đồng).

Vợ chồng ông Công, bà Miền xây dựng công trình và chuyển nhượng cho ông Lê Văn Bằng với số tiền 350 triệu đồng. Vợ chồng ông Nguyễn Danh Tiến, bà Đào Thị Sánh được Công ty giao 400m2 không thu tiền sau đó chuyển nhượng 100m2 cho ông Nguyễn Văn Bình, với số tiền 120 triệu đồng…

Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn có Quyết định chấp thuận cho các cổ đông: Trần Đức Khu, Phạm Mạnh Vũ, Hứa Văn Hải, Hứa Văn Minh được rút khỏi cổ đông Công ty và được quyền sử dụng 7.175m2 đất và yêu cầu nhóm cổ đông này “sử dụng đất đúng quy hoạch cho đến khi làm thủ tục thuê lại đất với Nhà nước”. Sau đó, nhóm cổ đông không làm thủ tục thuê đất với Nhà nước mà thành lập Công ty Cổ phần Minh Thắng Lợi, xây dựng nhà xưởng hoạt động sản xuất gia công giày da.

Kết luận thanh tra sổ 06/KL – STNMT, ngày 16/9/2019 của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sai phạm: “… Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn khi được giao khoán đất không có biện pháp quản lý đất, những người được giao đất (đối với phần diện tích quy hoạch làm trụ sở - văn phòng và 2 vị trí tiếp giáp đường liên xã Hiệp Hòa – Lạc Long) tự chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (để ở, bán hàng, sản xuất kinh doanh…) một số người có dấu hiệu chuyển nhượng, cho thuê đất trái pháp luật, nhưng Công ty không có biện pháp ngăn chặn, báo cáo Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Hải Dương.

Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa ký xác nhận để các cổ đông sửa chữa khu tập thể văn phòng thành nhà xưởng sản xuất, gia công giày da 

UBND xã Hiệp Hòa đã buông lỏng công tác quản lý để vi phạm đất đai ở Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn diễn ra trong thời gian dài, nhưng không kịp thời báo cáo, không có biện pháp kiên quyết xử lý, một số trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng sau đó không ban hành quyết định xử phạt, không xử lý công trình vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai, xây dựng.

Thậm chí ngày 25/3/2015, ông Phạm Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa còn xác nhận đồng ý với Đơn xin đầu tư sửa chữa Khu văn phòng, nhà tập thể Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, để kinh doanh gia công hàng may mặc, giày da của ông Hứa Văn Hải trái với mục đích sử dụng đất của Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn là sản xuất nông nghiệp (cá, lúa).”

Việc sử dụng đất, xây dựng tràn lan các công trình sai phạm ở Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, nguyên nhân chính là do UBND huyện Kinh Môn chưa xem xét thấu đáo khi phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu trụ sở - văn phòng của Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn (năm 2010) dẫn đến trong quy hoạch được phê duyệt có 28 lô đất hộ nhận khoán và thu mua sản phẩm không phù hợp thực tế, không đúng mục đích sử dụng đất của Công ty (đất của Công ty được thuê không có mục đích làm nơi ở, sinh hoạt của các hộ nhận khoán). Chính vì điều này, là kẽ hở tạo điều kiện lợi dụng giao khoán đất các cổ đông, người lao động và người được giao đất xây dựng các công trình trái phép.

Năm 2012, UBND huyện Kinh Môn đã chủ động kiểm tra, có Kết luận số 01/KL – UBND ngày 3/6/2012 về việc quản lý và sử dụng đất của Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, nhưng sau đó chậm chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Kết luận, để một số tổ chức, cá nhân tiếp tục vi phạm (tính đến thời điểm 6/2019 có 17 trường hợp xây nhà ở và một số công trình xây dựng khác với tổng diện tích khoảng 3.535 m2 giáp đường 389B, có 15 trường hợp đã xây nhà ở và một số công trình xây dựng  khác tổng diện tích 3.669,5m2 giáp đường liên xã).

Vào các năm 2014, 2018, UBND huyện Kinh Môn lại tiếp tục kiểm tra tại Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, nhưng không hiểu sao chỉ mới dừng lại lập biên bản kiểm tra, ghi nhận và yêu cầu dừng việc xây dựng, chưa có biện pháp xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ các công trình vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sai phạm nghiêm trọng đất đai, diễn biến phức tạp ở Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, nguyên nhân chính có phải do các cấp chính quyền cần được làm rõ, xử lý nghiêm minh?

Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn: Nguyên nhân dẫn đến sai phạm nghiêm trọng đất đai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO