Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn: Cổ đông mua cổ phần được trả bằng đất?

Bài và ảnh: Phạm Hoàng| 29/06/2020 17:46

(TN&MT) - Ngày 28/6, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã có bài: "Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn (Hải Dương): Đất trụ sở “biến” thành Công ty, nhà ở", phản ánh việc xây dựng các công trình trái phép tràn lan, sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang cổ phần hóa của Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, vậy “ do đâu, các cổ đông của Công ty “nghiễm nhiên” xây dựng được cả nhà xưởng Công ty, quán Karaoke hoạt động hoành tráng nhiều năm như vậy?

Lập quy hoạch để xây dựng trụ sở - văn phòng, khi chưa được UBND tỉnh Hải Dương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty cá giống Kinh Môn đã ra Quyết định giao đất cho các cổ đông sử dụng và chuyển nhượng luôn khu văn phòng, nhà ở tập thể Công ty. Chính vì vậy, các cổ đông đã tự ý xây dựng nhà ở, hàng quán và lập lên Công ty sử dụng đất sai phạm nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Diện tích quy hoạch trụ sở - văn phòng Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn "mọc" lên nhà hàng quán bia 

Mặc dù mới được UBND huyện Kinh Môn phê duyệt chi tiết khu trụ sở - văn phòng (năm 2010) khi chưa được UBND tỉnh Hải Dương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn đã tiến hành san lấp hàng chục nghìn m2 đất và giao đất thu tiền các cổ đông, chuyển nhượng tài sản trụ sở văn phòng, nhà tập thể và diện tích đất đã được quy hoạch.

Phiếu thu tiền của Công ty Cổ phần cá giống KInh Môn với cổ đông là ông Trần Đức Khu 

Ông Trần Đức Khu là người lao động của Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, khẳng định: “Các cổ đông của Công ty khi mua cổ phần đều được trả bằng diện tích đất đã được san lấp quy hoạch xây dựng trụ sở - văn phòng. Đây chính là hình thức Công ty bán đất cho cổ đông để sử dụng, bằng nhiều hình thức như: Giấy chuyển nhượng tài sản, Quyết định giao đất… chính vì vậy nên các cổ đông  đã “biến tướng” xây nhà, làm hàng quán và xây dựng Công ty.”

Ông Khu cho chúng tôi xem Giấy chuyển nhượng của Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn cho gia đình ông vào năm 2011, với diện tích 2.800m2. Trong đó, Giấy chuyển nhượng tài sản, ghi: “… Xét đề nghị của ông Trần Đức Khu, là người lao động của Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, Hải Dương. Cổ đông có cổ phần là 106 cổ phần, chiếm tỷ lệ 6,8%, Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, Hải Dương bán tài sản thuộc sở hữu của Công ty cho ông Trần Đức Khu, sở hữu sử dụng riêng vào việc kinh doanh dịch vụ tổng hợp.

Mặt bằng để tiếp tục xây dựng: Diện tích mặt bằng 2.800m2. Diện tích mặt bằng lưu không đường 900m2 (tiếp giáp tỉnh lộ 389B). Diện tích mặt bằng xây dựng 1.900m2. Giá bán: Số tiền 630.000.000 đồng (sáu trăm ba mươi triệu đồng). Giá trị sử dụng đất, số tiền: 450.000.000 đồng (bốn trăm năm mươi triệu đồng). Tổng giá bán tài sản và tiển sử dụng đất đến tháng 7/2039

Bên mua phải sử dụng đúng mục đích sử dụng đất của Công ty và xây dựng đúng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Kinh doanh đúng pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi đất. Trong thời gian sử dụng đất, nếu bị thu hồi đất theo Điều 38 Bộ luật đất đai năm 2003. Về tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật, về tiền sử dụng đất Công ty sẽ trả lại tính theo thời gian còn lại chưa sử dụng.”

 

Hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa Công ty Cổ phần cá giông KInh Môn với ông Phạm Mạnh Vũ 

Trong khi xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để quy hoạch xây dựng khu trụ sở - văn phòng, Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn lại làm Hợp đồng chuyển nhượng tài sản khu văn phòng, nhà tập thể của công ty cho ông Phạm Mạnh Vũ, cổ đông của Công ty. Nội dung Hợp đồng chuyển nhượng tài sản, như sau: “Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn chuyển nhượng tài sản là khu văn phòng, nhà tập thể cũ của Công ty cho cổ đông là ông Phạm Mạnh Vũ. Tài sản gồm: 180m2 nhà mái bằng, 300m2 nhà cấp 4 mái ngói, 150m2 công trình phụ, nhà vệ sinh, 500m2 sân… nằm trên diện tích 1.800m2 khu Văn phòng, nhà tập thể cũ của Công ty.

Cổ đông là ông Phạm Mạnh Vũ được sử dụng đất theo quy chế quản lý đất của Công ty, thời hạn sử dụng đến hết tháng 10 năm 2039. Ông Phạm Mạnh Vũ được phép sửa chữa, quy hoạch, sử dụng nhà cũ trên theo mục đích kinh doanh của Công ty. Ông Phạm Mạnh Vũ phải làm thủ tục pháp lý với Nhà nước về sử dụng đất và kinh doanh, nếu không phù hợp với mục đích sử dụng đất của Công ty và không phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Công ty, cổ đông vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước Công ty và pháp luật. Cổ đông Phạm Mạnh Vũ phải trả cho Công ty số tiền là 600.000.000 đồng (sáu trăm triệu đồng). Hình thức thanh toán bằng tiền mặt, ngay sau khi ký Hợp đồng.”

Sau  khi ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản khu văn phòng, nhà tập thế với Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, ông Phạm Mạnh Vũ không đủ điều kiện đầu tư, nên đã chuyển nhượng cho ông Hứa Văn Minh (cổ đông của Công ty). Sau đó, ông Hứa Văn Hải (bố đẻ Hứa Văn Minh  có 3.000 cổ phần tại Công ty cá giống Kinh Môn) đã làm Đơn đề nghị xin sửa chữa khu văn phòng, nhà tập thể Công ty để làm xưởng gia công may mặc, giày da. Đơn đề nghị của ông Hứa Văn Hải đã được lãnh đạo Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn và UBND xã Hiệp Hòa xác nhận cho phép sửa chữa và sử dụng vào mục đích làm xưởng may mặc, giày da.

Ông Hứa Văn Hải cũng đã khẳng định, số tiền gia đình ông bỏ ra nhận chuyển nhượng đây là tiền mua diện tích đất được tính theo cổ phần của công ty và đều có Quyết định giao đất thu tiền, như các hộ gia đình khác.

Vậy việc, Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, giao đất thu tiền của các cổ đông trên đất đã quy hoạch khu trụ sở - văn phòng khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Các cổ đông phản ánh việc mua cổ phần dưới hình thức bán đất và bán tài sản, đồng ý cho các cổ đông lập xưởng sản xuất có đúng hay không? Việc sai phạm về đất đai tại Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn, có phải bắt nguồn từ đây, hay còn việc buông lỏng quản lý, tiếp tay của chính quyền?

Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn: Cổ đông mua cổ phần được trả bằng đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO