Đó là công trình“Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của nhóm tác giả PGS Trịnh Văn Tuyên, TS Nguyễn Thế Đồng và KSC Mai Trọng Chính.Công trình này đã đề xuất được các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước.
Từ nhiều hướng nghiên cứu, nhóm đã chọn ra các công nghệ gồm: đốt chất thải rắn độc hại; lọc sinh học nhỏ giọt thông khí tự nhiên; chế tạo Vật liệu mang vi sinh vật dùng để xử lý nước thải; chế tạo vật liệu hấp thu trong xử lý khí thải để chế tạo các thiết bị xử lý chất thải nguy hại.
Ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta từ trước đến nay là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường.
Được biết, trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất nguy hại công nghiệp và y tế, tập thể tác giả đã có nhiều công trình khoa học liên quan được công bố, trong đó có ba bằng độc quyền sáng chế: Bằng độc quyền sáng chế số 4271theo quyết định số A1734/QĐ-ĐK ngày 27/4/2004 của Cục Sở hữu trí tuệ cho “Lò đốt chất thải rắn độc hại”; Bằng độc quyền sáng chế số 11841 theo Quyết định số 54205/QĐ-SHTT ngày 30-9-2013 của Cục Sở hữu trí tuệ cho “Tháp lọc sinh học nhỏ giọt thông khí tự nhiên, hệ thống và phương pháp xử lý nước thải nhờ sử dụng tháp lọc này”; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1580 theo QĐ số 68990/QĐ-SHTT ngày 3/10/2017 “Vật liệu mang vi sinh vật dùng để xử lý nước thải”.
Ngoài ra, giải thưởng Trần Đại Nghĩa cũng trao cho 3 công trình xuất sắc khác gồm: công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” của nhóm tác giả: GS Lê Trần Bình, PGS Đinh Duy Kháng, TS Trần Xuân Hạnh; công trình "Nghiên cứu chọn tạo thành công hàng chục giống lúa chịu măn, năng suất chất lượng cao phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long" của GS Nguyễn Thị Lang; và "Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm" của các tác giả: TS Nguyễn Văn Thao, PGS Đoàn Đình Phương và TS Lê Văn Thụ.
Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được tổ chức 3 năm 1 lần nhằm khuyến khích giới khoa học nỗ lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đất nước.