Công trình nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam đã được Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) trao tặng Giải thưởng lớn "Tài năng trẻ" tại một buổi lễ tổ chức ngày 23/1 tại trụ sở Trường Viễn Đông Bác Cổ tại Paris.
Đây là đề tài luận án tiến sỹ chuyên ngành khảo cổ học do nghiên cứu viên Béatrice Wisniewski, thuộc trường Đại học Paris-Sorbonne tiến hành dưới sự hướng dẫn của ông Pierre-Yves Manguin, Giám đốc nghiên cứu tại Trường Viễn đông Bác cổ (EFEO).
Tại lễ trao giải, ông Patrice Cosaert, thành viên của Hội hữu nghị Pháp-Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng lớn "Tài năng trẻ," đã đánh giá cao chất lượng công trình nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam, cho rằng công trình đã góp phần nâng cao hiểu biết về Việt Nam đồng thời quảng bá về sự phát triển của văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ.
Ông cũng cho biết thêm là Hội đồng giám khảo đã phải rất vất vả để tìm được người trao giải vì có quá nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam có chất lượng cao như "Hà Nội qua ảnh và tranh," nghiên cứu về ca trù, sự chuyển giao văn hóa dưới thời Pháp thuộc, nghiên cứu về du lịch dưới góc độ địa lý…
Tác giả công trình nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam được đại diện Hội hữu nghị Pháp-Việt trao tặng Giải thưởng ''Tài năng trẻ." (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Phát biểu tại lễ trao giải, chị Béatrice Wisniewski bày tỏ niềm vinh dự được nhận giải thưởng cao quý, và tự hào được góp phần giới thiệu rộng rãi các công trình mang tính sáng tạo của Việt Nam tới công chúng.
Chị cho biết đã đến Việt Nam 4 lần, mỗi lần kéo dài từ 2 đến 8 tháng. Chị đã xuống tận địa điểm khai quật ở Đương Xá (Bắc Ninh) để tiến hành các nghiên cứu khảo cổ. Để hoàn thành luận án tiến sỹ, chị đã phải làm việc 7 năm, nếu kể cả 2 năm làm thạc sỹ cũng về đề tài này thì chị đã dành 9 năm để nghiên cứu về gốm cổ của Việt Nam.
Trong luận án "Gốm cổ Việt Nam trong 1000 năm đầu tiên của thời đại chúng ta," chị Béatrice Wisniewski đã nghiên cứu nét đặc trưng của truyền thống đồ gốm Việt Nam, từ thời kỳ đầu chịu ảnh hưởng của kỹ thuật Trung Quốc, cho đến khi xuất hiện những lò nung nhiệt độ cao, quá trình tiếp thu và đổi mới kỹ thuật của các nghệ nhân Việt Nam để cho ra những sản phẩm mang những đặc tính mới, phản ánh những tiên tiến của nghề thủ công nghiệp Việt Nam như kỹ thuật "đổ gốm men trong."
Theo chị Béatrice Wisniewski, sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Việt Nam, kết hợp với các cải tiến về phương pháp sản xuất đã tạo ra nền móng cho sự phát triển phong phú kỹ nghệ đồ gốm sau này. Loại hình nghệ thuật dân gian sâu sắc này, gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân, xuất hiện trong các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn… đã đưa đến sự phát triển cực thịnh của ngành gốm sứ Việt Nam dưới các triều đại Lý, Trần (thế kỷ XI-XIV).
Giải thưởng lớn "Tài năng trẻ" của Hội hữu nghị Pháp-Việt được dành để trao cho các công trình nghiên cứu khoa học, nghệ thuật hoặc các lĩnh vực khác có liên quan đến Việt Nam. Giải thưởng được trao kèm với số tiền thưởng là 3.000 euro.
Theo Vietnam+