Công tác ứng phó bão số 2 được triển khai quyết liệt, kịp thời

Thanh Tùng| 11/08/2022 11:07

(TN&MT) - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai tại cuộc họp triển khai chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới suy giảm từ bão số 2 diễn ra sáng 11/8.

img_4668.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Bão Mulan suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, sáng sớm nay (11/8), bão Mulan đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ở Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, Cô Tô (Quảng Ninh) và Phù Liễn (Hải Phòng) có gió giật cấp 6.

Đêm qua (10/8), ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to, một số nơi có lượng mưa lớn như: Phú Đức (Thái Bình) 176.6mm, Cô Tô (Quảng Ninh) 170.3mm, Ân Thi (Hưng Yên) 158mm, Ba Sao (Hà Nam) 158mm, Hương Sơn (Hà Nội) 155mm, Hải Triều (Hưng Yên) 150mm, …

Hồi 7 giờ ngày 11/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 6 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) gồm: phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 108,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động hoạt động khác trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

1.gif
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTDb KTTV QG

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: sáng 11/8, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động. Trên đất liền, sáng 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh-Ninh Bình khả năng có gió giật cấp 6-7.

Từ ngày 11/8 đến ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Khu vực Hà Nội ngày và đêm 11/8, có mưa to kèm gió giật mạnh với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 120mm.

Đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân trên các lồng bè

Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, đến 11h00 ngày 10/8, đã kiểm đếm, hướng dẫn 52.249 tàu/228.960 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão, ATNĐ để chủ động phòng tránh. Đến 22h ngày 10/8 không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Tàu cá thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã vào bờ. Đã tổ chức bắn pháo hiệu 2 đợt tại 10 điểm từ Quảng Ninh đến Nam Định.

Đến 21h ngày 10/8 các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã hoàn thành sơ tán người trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản vào bờ.

do-son.jpg
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó tại Đồ Sơn, Hải Phòng chiều 10/8

Đối với tình hình khách du lịch tại Quảng Ninh và Hải Phòng, hiện có tổng số 13.465 khách du lịch (Quảng Ninh 8.736; Hải Phòng 4.729); trong đó có 4.333 khách du lịch trên các đảo. Đến 21h ngày 10/8, tỉnh Quảng Ninh đã di chuyển 28/204 khách du lịch từ Cô Tô, Vân Đồn vào bờ; 176 khách trên đảo được bố trí nơi ở an toàn. Thành phố Hải Phòng đã di chuyển 1.147/4.129 khách du lịch từ Cát Bà vào bờ; 2.982 khách trên đảo được bố trí nơi ở an toàn.

Đối với lũ quét, sạt lở đất, báo cáo cho biết, số dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An là 114.895 người. Các tỉnh đã sẵn sàng phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế mưa, lũ.

Đến nay, 22/22 tỉnh/thành phố ven biển và miền núi phía Bắc đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão và mưa do bão; tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo Ban Chỉ huy kiểm tra trực tiếp tại các huyện trọng điểm. Trong ngày 10/8, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã chủ động cấm biển.

Chú ý ứng phó mưa lớn do hoàn lưu sau áp thấp nhiệt đới

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các cơ quan liên quan,  kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, bão số 2 là cơn bão có cường độ và hướng di chuyển khá phức tạp, bất thường, nhiều thời điểm đi nhanh hơn so với dự báo. Tuy nhiên, các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai ứng phó với bão số 2 kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại xảy ra.

img_4678.jpg
Ông Nguyễn Văn Tiến phát biểu kết luận cuộc họp

Ông Nguyễn Văn Tiến đánh giá cao việc các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các văn bản và công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai; công tác thông tin kịp thời, đồng bộ, thường xuyên; việc kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão rất cụ thể, cương quyết và hiệu quả; phương án hướng dẫn du khách thoát khỏi vùng nguy hiểm rất cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế; công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh, trât tự an toàn xã hội được giữ vững; việc duy trì liên lạc giữa các cơ quan Trung ương và địa phương rất thông suốt, kịp thời, tạo thuận lợi cho công tác ứng phó hiệu quả.

Về các công việc tiếp theo, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to. Do vậy, đối với tuyến biển, cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn.

Đối với vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, tiếp tục kiểm tra hệ thống thoát nước, tổ chức tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Triển khai phương án di dân khu vực không đảm bảo an toàn ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở. Triền khai vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất khi đã đảm bảo an toàn.

Đối với miền núi phía Bắc, cần chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối, kiểm tra rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và canh gác, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông an toàn tại các trọng điểm xung yếu. Rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.

Đồng thời, triển khai phương án bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố giao thông. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất và khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo độ tin cậy, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác ứng phó bão số 2 được triển khai quyết liệt, kịp thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO