Công nghiệp gỗ Việt Nam đã thành “con gà đẻ trứng vàng”

Tuyết Chinh| 21/02/2020 12:46

(TN&MT) - Theo Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam (Vifores) Ngô Sỹ Hoài, chúng ta đã cán mốc xuất khẩu 11,2 tỷ USD, con số không chỉ ấn tượng trong nước mà còn với cả quốc tế.

Những năm 70 của thế kỷ trước, gần 40 nước châu Phi đã đặt giấc mơ xuất khẩu gỗ, nhưng cho đến nay, 50 năm trôi qua, họ phải cay đắng chấp nhận sự thật là chưa bằng Việt Nam.

Theo ông Hoài, năm ngoái, năm kia, chúng ta xuất khẩu gần 3 triệu tấn viên nén sinh khối, tận dụng mùn cưa, cành cây thải loại. Nói vậy để thấy rằng nếu không có công nghệ chế biến, thì giấc mơ xóa nghèo không thể làm được.

Việt Nam đã xuất khẩu cả không gian kiến trúc từ gỗ. Ảnh minh họa

Có thể nói, công nghiệp gỗ đã thành con gà đẻ trứng vàng. Từ chỗ làm thuê cho nước ngoài, chế biến thô, chúng ta đã đi đến mức làm hàng công nghệ cao. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm những lô hàng giá trị hàng chục triệu USD cho khách hàng Mỹ, Trung Đông. Như vậy, chúng ta đã xuất khẩu cả không gian kiến trúc từ gỗ.

“Những năm 90, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố cấm xuất khẩu gỗ tròn, đóng cửa rừng tự nhiên, chỉ xuất khẩu thành phẩm gỗ. Chúng ta đã hoàn toàn bác bỏ việc tiếp tay cho khai thác lậu gỗ. Chúng tôi sẵn sàng trao thưởng lớn cho ai phát hiện ra doanh nghiệp tiếp tay cho lâm tặc khai thác rừng tự nhiên”, ông Hoài nhấn mạnh.

Tuy nhiên, con đường mà doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thênh thang. Vifores tập trung vào mục tiêu chinh phục con số xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Làm sao để Việt Nam trở thành trung tâm nội thất đồ gỗ của thế giới vào năm 2025.

Trước hết là vấn đề nguyên liệu đầu vào, để giải quyết tình trạng bà con nông dân chặt cây khi mới trồng được 4-5 năm, theo ông Hoài, cần có cơ chế về tích tụ đất đai, phải có hội nghị riêng về vấn đề này. Chúng ta cũng cần có khu công nghiệp chế biến tập trung.

Hiện nay nguyên liệu, nhân công giá rẻ tập trung ở miền Bắc, miền Trung, còn công nghệ chế biến lại ở miền Nam. Nếu mức thuê đất là 40-50 USD/m2 thì doanh nghiệp trong nam sẽ không thể ra bắc. Do vậy, chính phủ cần có cơ chế hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Mặt khác, các hội chợ đồ gỗ nay đều dịch chuyển từ Malaysia, Singapore về Việt Nam, hiện chúng ta chỉ còn thua Trung Quốc. Thiết nghĩ, chúng ta nên có những trung tâm hội chợ đồ gỗ để tiếp thị với quy mô quốc gia. Cùng với đó, chính phủ dành kinh phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển nhân lực, công nghệ.

Tiêu thụ gỗ Mỹ ở Việt Nam đang rất mạnh, hiện là 300 triệu USD/năm, dự kiến sắp tới là 50%. “Chúng ta cũng là nước đứng thứ hai trên thế giới về nhập nguyên liệu từ Mỹ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gỗ từ Mỹ sang Trung Quốc lại đang khó khăn, đây có thể là cơ hội cho chúng ta”, ông Hoài khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp gỗ Việt Nam đã thành “con gà đẻ trứng vàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO