Công nghệ Viễn thám trong kỷ nguyên số: Sẽ chia sẻ ảnh viễn thám cho mọi lĩnh vực

Nguyễn Thủy (thực hiện)| 14/10/2021 10:10

(TN&MT) - Để thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Cục Viễn thám quốc gia đã xây dựng Dự thảo Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” hiện đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Đây là Đề án quan trọng, là cơ sở, tiền đề góp phần đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hữu dụng phục vụ công tác quản lý, giám sát đa ngành, đa lĩnh vực.

Xung quanh các mục tiêu đặt ra tại Dự thảo Đề án này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc xây dựng Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” trong thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng, viễn thám đã và đang được ứng dụng có hiệu quả và là công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu thông tin, dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám không ngừng gia tăng và ngày càng có xu hướng tích hợp các chủng loại khác nhau, bao gồm cả dữ liệu ảnh viễn thám thu thập từ các vệ tinh quan trắc trái đất, ảnh hàng không, ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái và các dữ liệu đo đạc, quan trắc trên mặt đất.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Đặc biệt, với sự tiến bộ trong chế tạo các bộ cảm biến và công nghệ máy tính, thông tin, dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám ngày càng trở nên phổ biến và được khai thác, sử dụng rộng rãi. Hiện tại, hơn 1.000 vệ tinh viễn thám đã được phóng lên quỹ đạo và dữ liệu thu được tại trạm thu ảnh vệ tinh được tích lũy với tốc độ Terabyte mỗi ngày.

Với sự cải tiến liên tục về chất lượng và độ chính xác của dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám đã cung cấp thông tin hữu ích đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các nhà quản lý, khoa học, người dân góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, quốc phòng, an ninh.

Trong tương lai, các sản phẩm giá trị gia tăng từ thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám ngày càng đa dạng với nhiều loại thông tin, dữ liệu có độ phân giải cao và thời gian truyền dữ liệu đạt thời gian cận thực. Điều này cho phép công nghệ viễn thám có thể ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực mà các phương pháp viễn thám truyền thống trước đây còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về độ chính xác thông tin thu nhận. Những ứng dụng mới có thể cung cấp tần suất liên tục hơn, ở quy mô rộng như các vùng sâu, xa, ngoài biên giới, khu vực đặc biệt nguy hiểm với độ chính xác cao.

Như vậy, có thể thấy các sản phẩm từ công nghệ viễn thám phục vụ tất cả các ngành, lĩnh vực là nhu cầu tất yếu của một xã hội hiện đại, giải phóng sức lao động của con người. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một đề án nào có tính bao quát đầy đủ, chưa có sự phối hợp trong triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám giữa các Bộ, ngành, địa phương. Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ TN&MT đã đề xuất triển khai xây dựng Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là đề án quan trọng, là cơ sở, tiền đề góp phần ứng dụng viễn thám hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.

Đồng thời, Đề án đặt mục tiêu nhằm đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hữu dụng phục vụ công tác quản lý, giám sát đa ngành, đa lĩnh vực. Thông qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia chia sẻ cho các Bộ, ngành, địa phương; Cung cấp các thông tin cập nhật về hiện trạng, diễn biến, quá trình hình thành và sử dụng, khai thác của một đối tượng góp phần quản lý và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” có những điểm mới nổi bật gì giúp giải quyết được những vấn đề cơ bản trong lĩnh vực viễn thám hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Như đã nói ở trên, đây là nhiệm vụ liên ngành, liên vùng nhằm tạo lập được hệ thống cho phép kịp thời cập nhật các thông tin, dữ liệu giám sát bằng viễn thám, góp phần chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu không gian thuận tiện, giữa các Bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận gần hơn với các thông tin, dữ liệu, góp phần đảm bảo sinh kế và phát triển bền vững.

Theo đó, Đề án tập trung xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia chia sẻ, dùng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên ứng dụng hiệu quả viễn thám đối với các hoạt động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; ứng dụng viễn thám về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển theo quy hoạch (quy hoạch đô thị; dự báo và thiết kế quy hoạch; đánh giá quá trình đô thị hóa tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cải tạo môi trường đô thị…); ứng dụng viễn thám về giao thông vận tải; ứng dụng viễn thám về công thương (đánh giá tiềm năng điện gió/ năng lượng mặt trời) và các hoạt động khác.

PV: Vậy, xin ông cho biết, để liên kết được các Bộ, ngành, địa phương, Đề án đã cụ thể hóa sự phân công thực hiện nhiệm vụ như thế nào, gắn trách nhiệm ra sao để đảm bảo có được sự thành công?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Để đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án, Đề án cũng đề cao trách nhiệm, tính chủ động, tích cực, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, địa phương ngay từ khâu lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện đến hoạt động nghiệm thu và đánh giá kết quả thực hiện; tổ chức tốt công tác điều phối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, khai thác, tận dụng tối đa năng lực, kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án.

Dữ liệu ảnh viễn thám thu thập từ các vệ tinh quan trắc trái đất.

Theo đó, Bộ TN&MT là cơ quan quản lý thống nhất Đề án tổng thể, điều phối để đảm bảo tránh trùng lặp các nhiệm vụ trong Đề án. Tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Đề án đã được phê duyệt, tổ chức đánh giá việc thực hiện Đề án khi kết thúc thực hiện hoặc trước khi điều chỉnh Đề án và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan.

Bộ Quốc phòng hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương chủ trì thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trên biển, hải đảo trong quá trình điều tra, khảo sát trên biển, đặc biệt là các vùng biển có tình hình an ninh phức tạp.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Công thương; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các địa phương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Đề án; sử dụng các sản phẩm của Đề án phục vụ trong công tác chỉ đạo, điều hành trong phạm vi quản lý.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ Viễn thám trong kỷ nguyên số: Sẽ chia sẻ ảnh viễn thám cho mọi lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO