Trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 - Chuyên đề Nông nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 5/6, nhiều câu hỏi được đặt ra như tại sao nông sản Việt Nam lại mất vị thế ngay trên sân nhà và khó xuất khẩu dù có nhiều cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Cùng một sản phẩm trên thị trường quốc tế, sản phẩm nguồn gốc nước ngoài được bán với giá đắt hơn nhiều.
Chia sẻ góc nhìn từ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định vị thế của nông sản, giúp hàng Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới.
"Chất lượng sản phẩm không chỉ hàm ý về độ ngon hay hàm lượng dinh dưỡng, mà yếu tố quan trọng là độ an toàn của sản phẩm theo những tiêu chí của thị trường khắt khe. Vào được thị trường khó sẽ là tấm giấy thông hành, phương thức tiếp thị tốt nhất cho thương hiệu nông sản Việt Nam", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh.
Trước câu hỏi làm thế nào để hàng Việt Nam đạt chuẩn chất lượng của những thị trường khó tính nhất, vị đại diện ngân hàng cho hay, chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ sẽ mở nút thắt cho bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
"Chính phủ đã ban hành QĐ 176 phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, nhưng theo tôi, đó là chưa đủ vì chiến lược này chủ yếu hỗ trợ người sản xuất, chưa quan tâm đến 2 đối tượng quan trọng là cơ quan quản lý, giám sát và người tiêu dùng", đại diện ngân hàng nói.
Từ những kiến nghị được các diễn giả khác đưa ra trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 - Chuyên đề Nông nghiệp, Agribank cũng đưa ra đề xuất về chính sách đột phá cho nền nông nghiệp.
Theo đó, cơ quan quản lý cần sử dụng công nghệ để duy trì môi trường an toàn cho vùng nông nghiệp; kiểm soát quy trình sản xuất của doanh nghiệp, kiểm định chất lượng hàng hoá; tạo sự công bằng, minh bạch đối với những nhà sản xuất nghiêm túc, áp dụng chế tài xử lý đủ nặng đối với các vi phạm.
Nhà sản xuất cần ứng dụng công nghệ để duy trì quy trình an toàn, quy mô lớn, chất lượng đồng đều, ổn định, và cung cấp bằng chứng khi có yêu cầu của đối tác.
Với người tiêu dùng, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp kiểm định chất lượng sản phẩm như dư lượng thuốc trừ sâu, phân hoá học...; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thương mại điện tử sẽ kết nối người sản xuất với người tiêu dùng.
"Trình độ ứng dụng công nghệ càng cao và rộng rãi sẽ tác động đến người sản xuất, nâng cao hiệu lực của công tác quản lý và tác động tâm lý người tiêu dùng. Sản phẩm an toàn trước hết sẽ phục vụ thị trường 100 triệu dân trong nước sau đó vươn ra thị trường quốc tế", đại diện Agribank nói.
Là ngân hàng kiên định với chính sách tam nông, lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong mọi giai đoạn phát triển, Agribank luôn dành trên 70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này. Tại thời điểm 31/12/2017, tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Agribank 73,6% trên tổng dư nợ, chiếm 51% thị phần tín dụng của ngành ngân hàng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Theo công bố của đại diện Agribank, đến ngày 30/4/2018, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank 665.361 tỷ đồng, tăng 19.994 tỷ đồng so với cuối năm 2017, chiếm 73,8% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Trong diễn đàn Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 - Chuyên đề Nông nghiệp, nhiều chuyên gia cũng bàn thảo nhiều giải pháp nhằm "mở lối" cho thị trường nông sản Việt Nam.
Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp - Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt là sự kiện mở màn chuỗi chuyên đề trải dài từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 12, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF). Trong thời gian tới, ViEF 2018 tiếp tục bàn thảo về vốn và tài chính; du lịch; kinh tế số; logistic và nguồn nhân lực. Phiên toàn thể sẽ diễn ra vào tháng 12/2018.