Ngày 25/12 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo công bố Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Họp báo do ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và ông Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì.
Phát biểu tại họp báo, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn việc ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam sẽ là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.
"Để thực hiện được mục tiêu này, các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí phải nhanh chóng khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai các quy định của Quy tắc tới từng nhà báo - hội viên, người làm báo trong cả nước, đồng thời tích cực đăng tải, phát sóng tuyên truyền các nội dung của Quy tắc tới công chúng và bạn đọc một cách nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả" - ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều nhà báo đã đánh giá cao về những nội dung đã được đưa ra trong Quy định với nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 5 của Quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Đây là một vấn đề đang được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Bởi lẽ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của mạng xã hội và phổ biến là Facebook, ở diễn đàn tự do của hàng triệu con người, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo-hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Trước các hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo khi tham gia mạng xã hội, và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo từ đầu năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực và khẩn trương xây dựng Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam với những quy định cụ thể về những nguyên tắc, chuẩn mực, những việc/điều cần làm và những việc/điều không được làm trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Trước đó, vào tháng 7/2018, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Nhà báo và Mạng xã hội tại 3 khu vực Bắc – Trung – Nam. Tọa đàm ở các khu vực phía Bắc tại Quảng Ninh; phía Nam tại Cần Thơ; miền Trung Tây Nguyên tại Quảng Ngãi đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội nói chung và nhà báo – hội viên nói riêng. Tọa đàm ở 3 khu vực trên đã thu hút sự có mặt của hơn 500 đại biểu gồm đại diện các cơ quan quản lý báo chí (Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin & Truyền thông), lãnh đạo Báo, Đài, của các tỉnh, thành phố khu vực, đại diện các cơ quan báo chí phóng viên các cơ quan thường trú tại các khu vực và đông đảo phóng viên tới dự và đưa tin.
Sau quá trình soạn thảo công phu, cẩn trọng với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đồng thời tiếp thu một cách nghiêm túc, khoa học các ý kiến góp ý, thẩm định của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà báo, các nhà quản lý báo chí và tập thể Ban Thường vụ, Ban chấp hành hành Hội Nhà báo Việt Nam, hôm nay Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam bao gồm 03 Chương và 07 Điều đã được Hội Nhà báo Việt Nam chính thức công bố và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2019.