Theo đánh giá của nhiều địa phương, thời gian qua, thực hiện thi hành Luật Đất đai 2013, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã luôn được quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện công khai, dân chủ; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Sau khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp. Việc tổ chức lấy ý kiến được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, công tác này được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được người dân đồng thuận nên việc thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thuận lợi, do đó việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người dân đã giảm đáng kể.
Nhờ đó, thời gian qua, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trên các địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.
Đơn cử như tại tỉnh Lai Châu, từ khi thi hành Luật Đất đai 2013 đến nay, tỉnh đã phê duyệt, điều chỉnh 562 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong đó: cấp tỉnh phê duyệt 29 phương án, cấp huyện phê duyệt 533 phương án.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai các dự án trên địa bàn các huyện, thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Việc thực hiện các dự án với sự tập trung, thống nhất cao về chủ trương và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả; các cấp, các ngành đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Nhờ đó, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh đều cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, theo phản ánh của nhiều địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cho người dân có đất bị thu hồi còn phát sinh vướng mắc như về chính sách hỗ trợ cho người dân để xác định, lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp, việc tổ chức đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất là rất khó; trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi.
Trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều địa bàn còn rất hạn chế trong việc tiếp nhận, tuyển dụng lao động của địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, số người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất phần lớn là lao động phổ thông, trình độ kỹ thuật thấp, không đáp ứng được nhu cầu lao động trong môi trường công nghiệp hoặc lao động kỹ thuật cao.
Một vấn đề nữa là giá đất cụ thể để áp dụng trong bồi thường. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được xác định trên cơ sở “giá đất phổ biến trên thị trường”, tuy nhiên, để xác định một cách đầy đủ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là việc rất khó khăn khi thị trường bất động sản chưa thực sự hoạt động công khai minh bạch; các cơ quan quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong thực hiện việc theo dõi, giám sát và tổng hợp được đầy đủ chính xác và kịp thời các thông tin giao dịch về quyền sử dụng đất trên từng địa bàn, nhất là đối với đất ở.