Xã hội

Con đường “sản xuất xanh” góp phần xóa đói giảm nghèo

Đức Cảnh 17/05/2023 - 10:55

Ấp ủ với sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, qua bào chế thảo dược, tận dụng nguyên liệu sẵn có tại quê hương, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, ở thôn Thanh Hòa, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã biến cây dược liệu sẵn có thành sản phẩm hữu ích đưa ra thị trường, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Các sản phẩm hữu ích được bào chế từ các loài cây thảo dược sẵn có tại quê hương do chị Nguyễn Thị Thùy Dung làm đạt giải cao trong cuộc thi Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp. Để có thành công đó là cả một chặng đường dài mày mò nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất ra dòng sản phẩm an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.

Tâm huyết với từng sản phẩm

Sản phẩm thảo dược được Nguyễn Thị Thùy Dung làm từ tự nhiên 100%. Các sản phẩm như: tinh dầu các loại, trà, xịt tóc tinh dầu bưởi, gói tắm trẻ em, gói xông dành cho phụ nữ đều đảm bảo các quy chuẩn chất lượng của Cục an toàn thực phẩm - Bộ Y tế, được người tiêu dùng đón nhận và tin dùng.

Đáng chú ý, nguồn nguyên liệu được tận dụng sẵn có tại quê hương. Để có nguồn cung ổn định, chị Dung liên kết, khuyến khích, hướng dẫn các hộ dân trồng dược liệu tại vườn nhà. Tất cả nhằm đảm bảo cho ra những sản phẩm an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.

anh-1.-chi-dung.jpg
Cơ sở thu mua nguyên liệu từ người dân trồng được (Ảnh : Anh Đức)

Tâm huyết với từng sản phẩm, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, cho biết: “Được bà nội dạy cho làm một số sản phẩm thiên nhiên dùng cho bà mẹ mang thai và trẻ em. Từ đó, chị bắt đầu học hỏi kinh nghiệm dân gian từ bà, từ các cụ cao niên, sách báo và lên mạng tìm hiểu công thức để bắt tay vào làm các sản phẩm từ thảo dược.

Cùng với sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình nên chị cũng đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mua sắm máy móc, nguyên liệu để sản xuất. Có được kết quả ưng ý, chị Dung đưa các sản phẩm của mình giới thiệu lên mạng xã hội và các kênh thông tin khác với thương hiệu “Thảo mộc Dung Nguyễn”.

anh-2-chi-dung.jpg
Tạo công ăn việc làm cho lao động tại cơ sở chế biến (Ảnh : Anh Đức)

Với sự kiên trì, chịu khó, dần dần, đơn hàng của chị ngày một tăng lên, sản phẩm nhiều lúc không đủ cung cấp cho khách hàng nên chị tiếp tục mua sắm thêm máy móc, thiết bị sản xuất. Đến nay, chị Dung đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng rộng hơn 400m2 và mua sắm máy móc phục vụ cho việc chế biến thảo dược như: máy sấy lạnh, máy chưng cất tinh dầu, máy hút chân không…

Bằng niềm tin và sự đam mê, đến nay, sản phẩm từ thảo dược của chị Dung đã có mặt tại nhiều vùng miền trên cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa. Trung bình, mỗi tháng cơ sở đạt doanh thu trên 150 triệu đồng.

Từ những thành công bước đầu, hiện các sản phẩm sản xuất từ thảo dược của chị Dung đã có chỗ đứng trên thị trường. Ý tưởng khởi nghiệp của chị Dung đã giành giải nhất trong cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN Hà Tĩnh chứng nhận.

Góp phần xóa đói giảm nghèo

Những thành công bước đầu của Nguyễn Thị Thùy Dung cũng là lúc người dân có được việc làm ổn định. Do đó, nhiều hộ dân ở xã Kỳ Thư và các xã lân cận, ngoài làm ruộng, đã có thu nhập thêm từ việc cải tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng dược liệu cung cấp cho cơ sở sản xuất sản phẩm thảo dược.

anh-3.-chi-dung.jpg
Sản phẩm thảo dược của chị Dung đã có mặt trên thị trường (Ảnh : Anh Đức)

Chị Nguyễn Thị Lam - Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Châu cho biết: Từ khi cơ sở sản xuất của chị Dung nhận bao tiêu các loại thảo dược, chị em phụ nữ trên địa bàn tích cực cải tạo vườn hoang, vườn tạp để trồng cây dược liệu. Nhờ vậy, chị em có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Được biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Dung thu mua từ 500kg - 1 tấn sả, 300 - 400kg ngải cứu, 400 - 500 quả bưởi… nhằm phục vụ cho công việc chế biến các loại tinh dầu, trà, ngũ cốc… Hiện cơ sở sản xuất của chị Dung đang tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Hoài, thôn Thanh Hòa, xã Kỹ Thư, huyện Kỹ Anh (Hà Tĩnh), cho biết: “Cơ sở của chị Dung không những tạo việc làm cho người lao động làm công ăn lương mà chính người dân như chúng tôi cũng có được việc làm từ việc tham gia trồng cây nguyên liệu. Nếu như trước đây đất để hoang thì nay được trồng nhiều loại cây, vừa có việc làm vừa có thu nhập ngay tại nơi mình ở nên không cần phải đi tìm kiếm công việc đâu xa”.

anh-4.jpg
Chị Dung đã giành giải nhất trong cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN Hà Tĩnh chứng nhận

Nói về những dự định sắp tới của mình, chị Dung bộc bạch: "Để có thêm các kiến thức về thảo dược, phục vụ tốt hơn cho công việc, tôi đang học thêm ngành Y sỹ y học cổ truyền tại trường Trung cấp Y khoa miền Trung (Nghệ An). Thời gian tới, tôi sẽ tăng thêm sản lượng sản xuất, phát triển thêm vùng nguyên liệu, đặc biệt là hoàn tất các công đoạn để đưa 2 sản phẩm: Trà mầm ngũ cốc Dung Nguyễn và Tinh dầu lá xông tham gia Chương trình OCOP sắp tới. Đồng thời, để sản phẩm được đến gần hơn với khách hàng, tôi sẽ tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử”.

Hội LHPN huyện Kỳ Anh cho biết, đang phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ cơ sở xây dựng sản phẩm OCOP, cũng như định hướng xây dựng cơ sở tiến tới thành lập hợp tác xã, tạo vùng nguyên liệu để thu mua dược liệu cho bà con, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, nhất là chị em phụ nữ trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường “sản xuất xanh” góp phần xóa đói giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO