Môi trường

Con đường đến đích xanh - những góc nhìn đa chiều

Việt Hải - Khánh Ly (lược ghi) 27/06/2024 18:52

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII - 2024 do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 27/6, phiên Toạ đàm “Con đường đến đích xanh” đã diễn ra với nội dung xoay quanh động lực của doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh, cùng sự tiếp sức và đồng hành của nhà quản lý, nhà báo.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ - Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Báo Chí Phát triển Xanh – Green Media Hub; ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS); ông Nguyễn Phước Minh, Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy Ford Việt Nam.

dsc-422820240627104134.jpg
Các diễn giả tham gia Tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh

Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu tới bạn đọc ý kiến của các diễn giả tại tọa đàm tới bạn đọc:

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Rừng là trụ cột xanh trong bốn trụ cột phát triển xanh

ts-le-xuan-nghia.jpg

Kinh tế xanh và chính sách thực thi để Việt Nam xử lý các vấn đề về kinh tế xanh đến nay đã không còn là tự nguyện, không chỉ là hoạt động từ thiện hay trồng cây… mà nó là những quy định khắt khe bắt buộc tuân thủ, và nếu chúng ta không tuân thủ thì có thể khiến sụp đổ cả nền kinh tế một cách đột ngột chứ không phải là sụp đổ từ từ. Đấy là điều các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý.

Như chúng ta đã biết, bắt đầu từ năm 2026, tất cả hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu đều phải áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đặc biệt quan trọng nhất là báo cáo về phát thải khí nhà kính và báo cáo đó phải được công ty của châu Âu có trách nhiệm thẩm định.

Chỉ số của các váo cáo sẽ quyết định việc cơ quan có trách nhiệm của châu Âu có chấp nhận hàng của chúng ta vào hay không. Tuy nhiên, nếu vào được mà các chuẩn mực về phát thải khí nhà kính của Việt Nam cao hơn của họ thì họ đánh thuế carbon. Ở giai đoạn đầu tiên, mức thuế có thể khá nhẹ nhàng, và áp dụng vào từng phần, tuy nhiên, về lâu dài, việc áp thuế CBAM sẽ áp dụng với mức độ khắt khe hơn, và vô hình dung sẽ tạo ra những rào cản đáng lo ngại cho hàng hóa của chúng ta nếu phát thải cao. Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy lo ngại hơn đó là chúng ta không làm nổi báo cáo - điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa thể mở được cánh cửa đầu tiên để đặt chân vào thị trường xuất khẩu châu Âu.

Thực tế qua hai năm từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 06, là người trực tiếp thực hiện khảo sát năng lực doanh nghiệp, các khảo sát cho thấy hiện mới có khoảng trên 100 doanh nghiệp có được kỳ vọng phát thải khí nhà kính nhưng chưa được kiểm toán, kiểm kê.

Điểm qua những thực trạng khó khăn đó để thấy chúng ta cần phải xác định rõ ràng cho mình một con đường mà trên con đường chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, Việt Nam nói chung và trực tiếp là các doanh nghiệp của Việt Nam nói riêng cần phải xác định các trụ cột chính để tất cả mọi tư duy và hành động đều phải xoay quanh các trụ cột này.

toan-canh.jpg
Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024. Ảnh: Quốc Khánh

Trụ cột thứ nhất đó là chuyển đổi năng lượng, chúng ta, đặc biệt là doanh nghiệp - người cầm trịch “cuộc chơi” này phải xác định tăng cường sử dụng điện gió, điện mặt trời là yêu cầu bắt buộc thay cho các năng lượng không tái tạo như than, khí tự nhiên; Thứ hai, đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất, việc doanh nghiệp tăng cường sử dụng nguyên liệu trong chuỗi kinh tế tuần hoàn và áp dụng công nghệ sản xuất mới để giảm phát thải khí nhà kính là điều không thể tránh khỏi.

Trụ cột thứ ba là rừng. Rừng là nguồn tài nguyên trong tương lai rất gần. Từ câu chuyện của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia bán tín chỉ cácbon cho thấy rừng đang trở thành tay vịn vững chắc trong từng bước chuyển dịch của nền kinh tế xanh. Nhưng chúng ta phải nuôi rừng để không chỉ tham gia vào cuộc chơi thị trường tín chỉ cácbon mà có rừng là có nước, giữ được rừng cũng là giữ được nguồn nước. Rừng là nơi hấp thụ phát thải lớn nhất và đồng thời cũng là nơi sản sinh, duy trì nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhất. Hôm nay chúng ta dựa vào rừng để tự tin đặt những bước đi thận trọng trên hành trình phát triển xanh. Nhưng nếu biết nhân rộng màu xanh của những cánh rừng thì trong tương lai, chúng ta còn có thể cho các doanh nghiệp trên thế giới vay màu xanh từ những cánh rừng của chúng ta để làm hành trang cho phát triển của họ. Như vậy, chúng ta có một trụ cột vô cùng giàu có và vững chắc mà theo tôi chúng ta nên giữ gìn và phát triển.

Trụ cột thứ tư, theo tôi, đó là cần phải xác định một tư duy tự cường và sống bền vững cho tương lai. Nếu chỉ có Chính phủ cố gắng, các doanh nghiệp cố gắng kiềm chế phát thải đề phát triển xanh nhưng nhu cầu của từng cá nhân lại quá lớn và mỗi tổ chức, cá nhân đều giữ tư tưởng doanh nghiệp phải là chủ thể chính trong hành trình phát triển xanh thì e rằng, chúng ta đang kéo lùi bước đi chung của chính chúng ta.

TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Việt Nam đang đi đúng hướng kinh tế xanh

z5578220383307_55d78a345ca353ad2bcec866b66c60c2.jpg

Thuật ngữ “nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh” có nguồn gốc từ nhu cầu ngày càng tăng về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, vốn đã trở thành chủ đề nóng từ cuối Thế kỷ XX. Khái niệm này phát triển dựa trên cơ sở của khái niệm “phát triển bền vững”, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong giải quyết các vấn đề suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, cũng những hạn chế của các mô hình kinh tế truyền thống vốn ưu tiên tăng trưởng mà không xem xét các tác động môi trường.

Một số cột mốc quan trọng góp phần vào sự phát triển và phổ biến của thuật ngữ này như Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh Trái đất) được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil năm 2012; Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, còn được gọi là Rio+20 năm 1992... Qua nhiều cuộc thảo luận, sáng kiến dần trở thành khái niệm toàn cầu.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP, nền kinh tế xanh là một hệ thống các công cụ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững mà không làm suy thoái môi trường. Trong đó bao gồm các hoạt động kinh tế, chính sách và đầu tư nhằm giảm lượng khí thải carbon, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên, đồng thời ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Các nguyên tắc và trụ cột chính của nền kinh tế xanh bao gồm: Nền kinh tế các-bon thấp, Sử dụng hiệu quả tài nguyên, công bằng xã hội, bảo tồn vốn tự nhiên, việc làm xanh.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bao gồm việc tích hợp các trụ cột này vào các lĩnh vực khác nhau. Trong thực tiễn, từ khi 5 trụ cột nêu trên được giới thiệu và các quốc gia trên thế giới áp dụng, có thể khẳng định rằng cách tiếp cận của Việt Nam không có khác biệt. Tuy nhiên, tùy thời điểm, Việt Nam cũng như mỗi quốc gia sẽ tập trung vào một hoặc một vài trụ cột, tùy thuộc vào điều kiện và năng lực nội tại của mình.

Nhìn ra nước láng giềng Trung Quốc, nước này đã và đang có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển nền kinh tế xanh. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) và Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) nhấn mạnh phát triển xanh, đặt mục tiêu giảm cường độ carbon, cải thiện chất lượng không khí và nước cũng như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Trung Quốc cũng nâng cấp lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy đổi mới và bền vững, tập trung vào các công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường do công ty Trung Quốc tự sản xuất.

Trong khu vực, Indonesia đang nỗ lực phối hợp để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, giải quyết các thách thức môi trường đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Giống như Việt Nam, Indonesia đã ban hành Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính và lộ trình kinh tế tuần hoàn. Nước này cũng tích cực tham gia vào chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), nhằm mục đích bảo vệ rừng, tăng cường trữ lượng carbon và hỗ trợ sử dụng đất bền vững. Đồng thời, thúc đẩy các dự án tái chế, biến rác thải thành năng lượng và giảm rác thải nhựa. Nước này đã cam kết giảm 70% rác thải nhựa ra biển vào năm 2025.

Đối với Việt Nam, hành lang pháp lý liên quan đến kinh tế xanh đang ngày càng hoàn thiện. Hiện nay, Nghị định 06 quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn cùng với Nghị định số 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đang được sửa đổi. Sắp tới, Quốc hội chuẩn bị thông qua hoạt động giám sát công tác bảo vệ môi trường trên cả nước. Qua đó, chắc chắn các văn bản sửa đổi sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế, làm tiền đề cho sản xuất để có thể xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường kể cả khó tính và không khó tính.

Ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS): Thách thức cũng là cơ hội để tiến xa trong chuyển dịch năng lượng

z5577915687529_ddbf0e2517db60db947aeba45f21f746(1).jpg

Chuyển dịch năng lượng (CDNL) với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vị toàn cầu. Với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong vấn đề chuyển dịch các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hoạt động trong lĩnh vực năng lượng với chức năng chính phát triển ngành công nghiệp khí không tránh khỏi “guồng quay” của CDNL với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, PV GAS cũng xem đây là các cơ hội để ngày càng hoàn thiện và phát triển bền vững, tiến xa trong trương lại.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ chiếm gần 25% tổng công suất nguồn điện. Triển khai định hướng của Chính phủ, trước mắt và trung hạn PVGAS sẽ tiếp tục tập trung cho LNG. Đến thời điểm hiện tại, PVGAS đã nhập 5 tàu LNG để cung cấp cho điện và các cụm công nghiệp. Trên cơ sở xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế xanh, PV GAS đang nghiên cứu các sản phẩm mới phục vụ cho hóa dầu, hydro xanh, ammonia xanh. PV GAS đang triển khai hợp tác cùng các đối tác với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành ít nhất một dự án thử nghiệm sử dụng Hydro/Ammonia xanh. PV GAS cũng đang nghiên cứu đưa Hydro vào đường ống để sau này cung cấp cho các hộ tiêu thụ điện hoặc các khu công nghiệp.

Việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh cần có lộ trình từng bước. Trước mắt, LNG là nguồn năng lượng hóa thạch có mức độ phát thải thấp. Nhà nước cần xem xét giải pháp điều chỉnh lộ trình chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy điện từ khí trong nước và LNG sang hydro với tiến độ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và đủ thời gian thu hồi vốn cho đầu tư phát triển các dự án khí trong nước cũng như các dự án LNG. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý, cơ chế chính sách mới cho phát triển các loại năng lượng mới như Hydro xanh, Ammonia xanh…

Về đầu tư LNG, PVGAS mong Chính phủ và các Bộ, ban ngành quan tâm trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực quốc gia, ủng hộ quan điểm phát triển, xây dựng hạ tầng kỹ thuật quốc gia về điện khí LNG theo mô hình các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub). Mục đích giảm giá thành sản xuất điện từ nguồn LNG nhập khẩu. Ngoài ra, mô hình Kho Cảng LNG trung tâm còn giúp tận dụng tối ưu tài nguyên diện tích cảng biển và mặt nước cho các mục đích khai thác và phát triển kinh tế khác.

Về nhập khẩu, PVGAS mong các cơ quan sẽ ủng hộ chuyển ngang giá, phí và bao tiêu sản lượng điện dài hạn và giao PVN/PV GAS xây dựng quy trình nhập khẩu, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Giai đoạn từ nay đến 2030 giao PVN/PV GAS là đầu mối để tập trung và tạo lợi thế đàm phán với các nhà cung cấp LNG.

Ông Nguyễn Phước Minh, Trưởng phòng kỹ thuật Nhà máy Ford Việt Nam: Tuần hoàn và loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi toàn bộ quá trình sản xuất

nguyen-phuoc-minh.jpg

Trong suốt hơn 120 năm hình thành và phát triển, mục tiêu của tập đoàn Ford Motor nói chung và Ford Việt Nam nói riêng không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những sản phẩm xe hơi ưu việt mà còn muốn song hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội của những Quốc gia, địa phương mà Ford có mặt.

Trong nhiều thập kỷ qua, Ford đã phát triển những chiến lược toàn cầu về phát triển bền vững cho các cơ sở sản xuất của mình, trong đó có nhà máy Ford Hải Dương. Mục tiêu tới năm 2035, tất cả các cơ sở sản xuất đều sử dụng nguồn điện không có Carbon. Cùng với đó là cam kết đạt được Mức độ trung hòa Carbon vào năm 2050. Trong Chiến lược về nước của Ford, nước sạch chỉ dành riêng cho hoạt động và nhu cầu của con người. Tỷ lệ tái chế nước cũng ngày được tăng cường tại nhà máy Ford Hải Dương nhờ hệ thống màng lọc Membrane Bioreactor. Trong năm 2025 tới đây, Ford Motor đặt mục tiêu giảm 15% lượng nước ngọt sạch trong sản xuất so với năm cơ sở 2019.

Tại Việt Nam, nhà máy Ford Hải Dương tự hào khi đã và đang là cơ sở sản xuất không chôn lấp chất thải. Thay vào đó tất cả chất thải từ quá trình sản xuất được Ford và các đối tác thu gom, xử lý chuyên nghiệp. Ford Việt Nam tập trung vào việc đạt được tính tuần hoàn và loại bỏ nhựa sử dụng một lần ra khỏi toàn bộ quá trình sản xuất. Một ví dụ khác là quy trình xử lý và lọc không khí từ khác buồng sơn tại nhà máy Ford Hải Dương. Xưởng sơn tại đây được trang bị công nghệ lọc không khí Dry-X của tập đoàn Durr – CHLB Đức giúp gom và toàn bộ sơn thừa và xử lý Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) giảm thiểu phát thải vào môi trường.

Những nỗ lực bền vững thúc đẩy hoạt động kinh doanh Ford và giúp Ford hoạch định hướng đi cho tương lai.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là đáp ứng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 cho các loại ôtô do Chính phủ đề ra. Theo đó, các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) từ ngày 1/1/2022.

Để đáp ứng quy định này, Ford và hệ thống đại lý đã chia sẻ thông tin trên các nền tảng website, mạng xã hội chính thức, sổ bảo hành và dán tem trực tiếp trên nắp nhiên liệu để tư vấn và khuyến cáo khách hàng sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn Euro 5.

Tuy chính sách Nhà nước và nỗ lực từ Ford là không hề nhỏ, nhưng vấn đề hiện nay nằm ở sự thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu đạt chuẩn gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là các vùng xa. Thậm chí theo thống kê gần đây của Petrolimex thì gần đây thì lượng trạm xăng dầu trên cả nước có bán dầu Diesel 0,001S- Euro 5 chỉ chiếm khoảng 7%. Thực trạng trên khiến người tiêu dùng lo ngại về việc sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng đến động cơ và các vấn đề bảo hành của xe.

Phương tiện tiên tiến kết hợp với nhiên liệu sạch sẽ đem lại môi trường trong sạch hơn cho tất cả mọi người. Các nhà sản xuất ô tô đã đưa ra thị trường những phương tiện và công nghệ tiên tiến, vì vậy sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các Bộ, ban, ngành liên quan để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu đạt chuẩn, nhằm tiến tới mục tiêu chung về Net Zero.

Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ báo chí Phát triển Xanh – Green Media Hub: Đề tài hay từ những doanh nghiệp vươn lên khỏi khó khăn, thách thức

ong-le-xuan-trung.jpg

Chưa bao giờ chúng ta nói nhiều về chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn như hiện nay. Sở dĩ như vậy, là vì chủ trương chính sách của nhà nước và dự án của doanh nghiệp đều hướng tới các vấn đề này. Vai trò quan trọng nhất của báo chí trong công cuộc chuyển đổi xanh, theo tôi, đó là báo chí đã và đang “đời thường hóa” những gì Chính phủ và doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện. Báo chí “tiêu hóa” và “chế biến” những thông tin vĩ mô, khô khan, nhiều thuật ngữ chuyên ngành về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… thành những câu chuyện, bài báo sinh động, dễ hiểu, dễ cảm cho bạn đọc.

Qua những bài báo như vậy, báo chí không chỉ truyền tải thông tin về chuyển đổi xanh từ Chính phủ và các doanh nghiệp mà còn truyền thông điệp rất rõ ràng về xu thế chuyển đổi xanh để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững. Đồng thời, truyền cảm hứng cho người dân, cộng đồng để họ chung tay với các hoạt động, các chương trình, dự án chuyển đổi xanh. Khi cả cộng đồng tham gia thì những chủ trương, chính sách lớn và những hoạt động của doanh nghiệp mới có thể thành công được.

Đã có nhiều ý kiến nói về rào cản chính sách cũng như điểm yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nói chung, không riêng trong xu thế phát triển xanh. Ở đây, tôi muốn trao đổi với góc nhìn tích cực hơn, những doanh nghiệp đã vượt qua rào cản và vươn lên từ khó khăn, thách thức. Từ việc phát hiện những điểm sáng như vậy, báo chí theo đuổi xu hướng “báo chí giải pháp” và góp phần đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.

Báo chí phải tham gia với tư cách người trong cuộc, thậm chí phải đủ sức hình thành các dòng thời sự chủ lưu về chuyển đổi xanh bằng những nội dung chuyên sâu chứ không chỉ những nội dung thời sự. Nghĩa là báo chí không chỉ truyền tải thông tin về chủ đề thời sự và thời đại này mà phải truyền được thông điệp thuyết phục và truyền được cảm hứng tích cực để công chúng hiểu rõ, cảm nhận được và cùng hành động.

Để tập hợp các nhà báo trong lĩnh vực này, CLB cùng với Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Văn hóa báo chí đang phát động Giải thưởng Báo chí phát triển xanh để tôn vinh, khen thưởng cho các tác phẩm báo chí xứng đáng về chuyển đổi xanh. Hay Báo Tuổi Trẻ cùng với Liên minh tái chế bao bì VN (PRO Việt Nam) tổ chức cuộc thi “Tái tạo xanh” dành cho bạn đọc, công chúng rộng rãi tham gia để chia sẻ, lan tỏa những câu chuyện đời thường về lối sống xanh, thân thiện với môi trường, góp phần tái tạo cuộc sống xanh.

Chúng ta phải xem đó là những chiến dịch truyền thông lớn để tạo sự đột phá trong nhận thức và hành động của cộng đồng, từ những việc nhỏ ở từng địa phương cho đến những việc lớn ở tầm quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường đến đích xanh - những góc nhìn đa chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO