Còn đâu nghề muối Xứ Thanh

13/01/2017 00:00

(TN&MT) - Đã 15 năm qua nghề làm muối truyền thống ở xã Hải Bình (Tĩnh Gia– Thanh Hóa) đã bị xóa sổ. Hàng ngàn người dân mất nghề tay trắng phải đi tha phương cầu thực. Nhưng điều xót xa nhất của diêm dân là hàng trăm héc-ta đồng muối, ô chạt, dụng cụ làm muối gắn bó với họ từ bao đời nay đang trơ trọi vì không lấy nước vào sản xuất được. 

Năm 2001 nhà nước đầu tư, thu hồi đất xây dựng Khu tái định cư Hải Hà tại xã Hải Bình khiến cho trên 20ha của 700 hộ dân không lấy được nước sản xuất. Sang năm 2011 có 3 công ty là Long Hải, Ngọc Sơn, Sông Việt về lấy đất, xây dựng nhà máy chế biến bột cá ngay sát ruộng muối của dân làng khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đã 15 năm qua nghề sản xuất muối bị xóa sổ, những diêm dân ở xã Hải Bình mất nghề tay trắng, phải loay hoay tìm nghề khác.

Những cánh đồng muối ở xã Hải Bình đã bỏ hoang 15 năm nay.
Những cánh đồng muối ở xã Hải Bình đã bỏ hoang 15 năm nay.

Bà Lê Thị Hoa – một diêm dân ở thôn Tiền Phong nhớ lại: Những năm nghề muối còn phát đạt, hàng năm gia đình nhà tôi thu nhập ít nhất cũng được hàng chục tấn muối biển, bán ra thị trường cũng có vài chục triệu mỗi năm. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Sản xuất muối là nghề truyền thống từ bao đời nay, nhưng từ năm 2001 nhà nước thu hồi đất để làm Khu tái định cư Hải Hà là đồng muối không có đường dẫn nước vào. Năm 2011, ba công ty là Long Hải, Ngọc Sơn, Sông Việt về lấy đất, xây dựng nhà máy chế biến bột cá ngay sát ruộng muối của người dân. Nước thải từ nhà máy càng khiến đồng muối bị ô nhiễm không thể cải tạo được.

Câu chuyện buồn của những diêm dân xã Hải Bình cứ thể nối tiếp nhau suốt 15 năm qua. Hơn 700 hộ dân mất nghề, không được chuyển đổi nghề phải lao đao vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Người tha phương cầu thực, người làm thuê cho các tàu đánh bắt cá. Nhưng nghề nghiệp không ổn định khiến cuộc sống của họ rất khó khăn.

Những kho muối từ lâu đã không còn hoạt động.
Những kho muối từ lâu đã không còn hoạt động.

Lúc đầu tình trạng trên chỉ diễn ra ở thôn Tiền Phong. Sau đó do ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước lần lượt diêm dân ở các thôn Tân Hải, Đoan Hùng, Tân Vinh cũng không thể sản xuất nên buộc phải bỏ ruộng muối.

Diêm dân Trần Văn Hai, thôn Tân Hải - buồn bã chia sẻ: “ Nghề sản xuất muối là nghề truyền thống cha ông để lại. Dù thu nhập không cao nhưng ổn định, giờ cả cánh đồng muối bỏ hoang, chúng tôi có nghề mà không có tư liệu để sản xuất. Dân làng người đi phụ hồ, đánh bắt thuê, xe ôm, người tha phương cầu thực. Chỉ mong nhà nước thu hồi hết đất, đền bù cho người dân để người dân có tiền chuyển đổi nghề khác.

Bể chứa nước đã bị cây dại phủ kín.
Bể chứa nước đã bị cây dại phủ kín.

Ông Trần Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bình, cho biết: Từ khi đồng muối bỏ hoang, người dân mất nghề. Hàng năm, UBND tỉnh đã hỗ trợ cả năm cho các hộ sản xuất muối, mỗi hộ được hỗ trợ 5000 đồng/m2 ruộng muối, tổng cộng là 2,1 tỷ cho 700 hộ với hơn 20 ha/năm. UBND tỉnh sẽ hỗ trợ liên tục khi chưa có phương án giải quyết. Thế nhưng, cũng không thấm thoát vào đâu, người dân vẫn phải lăn lộn tìm nghề mưu sinh đó chỉ là phương án tạm thời. Xã cũng như người dân mong muốn nhà nước kêu gọi đầu tư, để các doanh nghiệp vào đền bù, người dân có tiền để chuyển đổi nghề khác”.

Nguyện vọng chung của các diêm dân xã Hải Bình là: Mong muốn nhà nước thu hồi đất, đền bù để các hộ dân nhanh chóng chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Mỗi năm nhà nước có hỗ trợ vài triệu cũng không đủ ăn. Người dân vẫn loay hoay tìm nghề để mưu sinh.

Chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống có những diêm dân ở xã Hải Bình vẫn là một bài toán khó đối với các ngành chức năng?

Bài và ảnh:  Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn đâu nghề muối Xứ Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO