Cởi nút thắt trong tích tụ ruộng đất: Những mô hình hay

Thúy Nhi| 26/10/2021 10:57

(TN&MT) - Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng… là những địa phương đã thực hiện thí điểm chủ trương tích tụ ruộng đất trong những năm qua. Một số mô hình có hiệu quả là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương khi nhân rộng chủ trương này.

Hà Nam: Nông dân cho thuê đất, doanh nghiệp tích tụ sản xuất lớn

Hình thức nông dân cho thuê đất, doanh nghiệp tích tụ sản xuất lớn ở Hà Nam nhằm hình thành mô hình tích tụ, liên kết sản xuất nông sản sạch, hàng hóa.

Để thực hiện mô hình này, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã đứng ra ký kết hợp đồng thuê đất của các hộ dân, sau đó UBND tỉnh ủy quyền cho Sở TN&MT ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất của hộ dân theo đúng giá thuê của các hộ dân, thời gian thuê đất là 20 năm.

Hoặc các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng thuê đất với các hộ dân, chính quyền cấp huyện, cấp xã đứng ra bảo hộ hợp đồng cho cả 2 bên. Hay một cách làm khác là Nhà nước đứng ra thu hồi đất sau đó cho doanh nghiệp thuê lại trong thời gian 49 năm, doanh nghiệp chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Mô hình “cánh đồng lớn” tạo nên vùng sản xuất tập trung liền thửa.

UBND tỉnh đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 666,87ha; trong đó diện tích đã tích tụ, tập trung đất đai được 226,41/666,87ha đất đã quy hoạch, đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất là 206,44/226,41ha.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 68/83 xã đã tổ chức tích tụ, tập trung đất đai được 1.857ha, đạt 122,8% kế hoạch, với 5.618 hộ, xây dựng được 161 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch. Trong đó, có 53 mô hình rau, củ quả, hoa và cây dược liệu, 13 mô hình cây ăn quả, 95 mô hình lúa hàng hóa chất lượng cao. Các sản phẩm rau, củ quả sạch sản xuất ra được ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp, các hệ thống siêu thị, cửa hàng rau sạch Vinmart, Bác Tôm, Greenfood, Fivimart...

Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng cao: trong nhà kính đạt từ 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm, khu ngoài trời đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm... Các hợp tác xã (HTX) tham gia tích tụ đất đai để sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn lợi nhuận thu được tăng từ 20 - 30% so với trước đây.

An Giang: “Cánh đồng lớn” - lợi nhuận cao

An Giang là một trong những tỉnh đi đầu và là tỉnh thành công nhất trong xây dựng và phát triển mô hình “Cánh đồng lớn”. Đây là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Theo đó, những người nông dân nhỏ lẻ tập trung sản xuất thành những cánh đồng lớn trên cơ sở tự nguyện, cùng áp dụng một loại giống, quy trình sản xuất, thực hiện các dịch vụ chung thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung ứng và hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc thiết bị cơ giới, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phục vụ sau thu hoạch (vận chuyển, bảo quản), bao tiêu sản phẩm đầu ra theo giá thỏa thuận và hai bên cùng có lợi. 

Tham gia mô hình “Cánh đồng lớn”, trong năm 2020, đã có 42 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân thông qua HTX, tổ hợp tác hoặc ký hợp đồng với từng hộ dân trên diện tích 40.802 ha, đạt 6,65% diện tích gieo trồng lúa cả tỉnh. Mô hình “Cánh đồng lớn” tạo điều kiện cho việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất, nhờ đó, lợi nhuận thu được từ mô hình cánh đồng mẫu lớn cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.

Mô hình “Cánh đồng lớn” tạo nên vùng sản xuất tập trung liền thửa, các hộ nông dân không bị mất đất mà còn được làm việc trên chính mảnh đất của họ nên dễ vận động người dân tham gia mô hình.

Doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu ổn định với sản phẩm đúng theo nhu cầu và chất lượng được kiểm soát. “Cánh đồng lớn” đã giúp nông dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm.

Lâm Đồng: Thu hút đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao

Là một thành phố phát triển năng động, Lâm Đồng ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Quyết định số 1528/QĐ - TTg ngày 3/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, có nội dung ưu đãi đối với nhà đầu tư tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố. Một trong những cơ chế quan trọng là UBND tỉnh Lâm Đồng được thực hiện việc thu hồi đất đối với dự án nông nghiệp công nghệ cao tập trung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật về đất đai. Đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Đất Đai 2013, chỉ riêng Lâm Đồng có cơ chế này.

Theo đó, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định 1127/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Danh mục dự án thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với các dự án thu hồi đất để thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đó là khu nông nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Lạc Dương và huyện Đức Trọng, cùng với 7 dự án nông nghiệp công nghệ cao (khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao) trên các địa bàn huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà và Đức Trọng với tổng diện tích lên tới 1.918ha.

Và sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp huyện tổ chức công bố quy hoạch, khuyến khích người dân có đất trong khu quy hoạch sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào dự án. Hiện nay, có 3 khu quy hoạch đã đi vào hoạt động (Ấp Lát, Đa Đeum II và Vinaco với diện tích 695ha tại huyện Lạc Dương).

Nghệ An: Làm mới mô hình hợp tác xã

Các HTX vốn là mô hình sản xuất đã có từ lâu đời, nay tại Nghệ An, các mô hình này được “khoác áo mới” để thực hiện sản xuất quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, nâng giá trị sản phẩm.

Phần lớn các HTX nông nghiệp tham gia cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho sản xuất nông nghiệp; một số HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp theo hợp đồng; một số HTX kiểu mới tham gia cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đây là nhân tố quyết định tới tính bền vững, hiệu quả của các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất của người dân.

 Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình như tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, 27 hộ nông dân đã liên kết với nhau thành lập HTX nông nghiệp Cây ăn quả 1/5.

Nhiều hộ dân và một số doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhờ đó giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao có giá trị sản xuất lớn như: Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt bình quân 250 - 300 triệu đồng/ha; sản xuất cam ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động đạt bình quân từ 600 - 700 triệu đồng/ha; sản xuất chè theo hướng VietGAP tại huyện Anh Sơn với quy mô 300 ha, nâng cao giá trị gia tăng của cây chè lên hơn 1,2 lần, thu nhập tăng thêm hơn 20 - 30%...

Đặc biệt, giá trị canh tác một số vùng thuộc huyện Nghĩa Đàn trước đây chỉ đạt khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha, nhưng sau khi Tập đoàn TH đầu tư canh tác cao lương, ngô chất lượng cao đã tăng lên hơn 15 lần (từ 500 - 1,5 tỷ đồng/ha)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cởi nút thắt trong tích tụ ruộng đất: Những mô hình hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO