Đại tướng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, song ông mãi mãi là người hùng thời đại Hồ Chí Minh của thế kỷ XX và sống mãi trong lòng quân và dân cả nước.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh tác giả chụp lại từ ảnh TL |
Cơm là mồ hôi khó nhọc của dân
Trung tá Phạm Hào hiện ngụ tại ấp Tân Lễ A, xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không giấu nổi nước mắt khi nói chuyện với chúng tôi về những lần được gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mắt ông rưng rưng khi gọi hai tiếng tướng Giáp, ông bảo: “Tôi may mắn được gặp Đại tướng ba lần. Mỗi lần gặp ở ông toát lên sự quan tâm đặc biệt đối với bộ đội. Chỉ một cử chỉ nhỏ của ông đã trở thành huấn thị cho chúng tôi chiến đấu và vững tâm vào trận địa”, ông Hào tự hào.
Trung tá Phạm Hào còn nhớ như in trong tâm trí lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Tây Bắc đách địch ở chiến trường Nghĩa Lộ. Đó là tháng 8 năm 1952. Trong một trận hành quân vượt rừng chiều tối, có bốn chiến sĩ vai đeo ba lô, vai vác đạn đã làm rơi cơm nắm dọc đường nhưng không dừng lại nhặt mà mải miết hành quân. Lúc đó, Đại tướng đi sau đã nhặt từng nắm cơm và nhẹ nhàng hỏi một chiến sĩ: “Sao các chú bỏ lại những nắm cơm này?”. Người chiến sĩ trả lời: “Thưa đồng chí, chúng tôi giờ không thiết ăn, chỉ thiết đánh giặc”. Đại tướng vỗ vai dặn: “Các đồng chí cố gắng giữ cơm cẩn thận, chưa giải quyết được đói, chịu thế nào được giặc”. Nghe xong, chiến sĩ nọ đã quay lại nhặt cơm bỏ vào ba lô và hành quân tiếp. Khi đến vị trí tập kết, đại đội phát lệnh dừng chân dùng cơm trưa. Chiến sĩ nọ lấy nắm cơm ra ăn cùng với muối vừng. Đại tướng đến vỗ vai nhẹ nhàng, nói: “Cơm gạo là mồ hôi khó nhọc của dân, phải biết quí trọng. No bụng mới đánh giặc thắng lợi được”. Người lính nọ nhìn Đại tướng xúc động rơi nước mắt.
Nữ cựu chiến binh Đặng Thuỷ Trường khóc bên bàn thờ, ngày Đại tướng vào cõi vĩnh hằng, ảnh Mai Thắng |
Quà nào cũng ý nghĩa, thời gian là vàng bạc của dân
Đại tá Hoàng Xuân Hiến (ngụ tại số 641/8 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) năm 2006 từng cùng đoàn Cựu chiến binh thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu – TP Hà Nội. Tại đây, ông Hiến đã gửi tặng Đại tướng 1 đôi gậy bằng gỗ do các cựu chiến binh Côn Đảo tự tay làm. Đại tướng đón nhận món quà với một ánh mắt đầy xúc động. Đại tướng nói: “Đây là món quà nhiều ý nghĩa đối với tôi. Quà nào cũng quí. Mỗi khi dùng đến, tôi sẽ nhớ về Côn Đảo”.
Đôi gậy gỗ mà ông Hiến kính tặng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng tại nhà riêng và trở thành kỷ vật của gia đình. Trong những ngày Đại tướng dưỡng bệnh tại Bệnh viện 108 Hà Nội, ông vẫn nhắc đến món quà mà cựu chiến binh Côn Đảo tặng.
Ông Hà Đức Thịnh, nguyên Chánh Văn phòng OSC Việt Nam từng được gặp Đại tướng khi Đại tướng thăm và làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến Vũng Tàu, Đại tướng thường ở tại biệt thự tại số 7 Hoàng Diệu hoặc số 1 Phan Đình Phùng. Từ năm 1993 đến 1999, Đại tướng vào Vũng Tàu 4 lần. Có lần Đại tướng ở lại gần 1 tháng để hoàn thành cuốn “Những chặng đường lịch sử” và viết tiếp cuốn “Đường tới Điện Biên Phủ”.
Ông Hà Đức Thịnh nhớ lại: “Đại tướng luôn ân cần hỏi thăm, căn dặn từng cán bộ, nhân viên của công ty về công việc, cuộc sống. Đại tướng cũng rất tinh tế. Mỗi lần gặp, không cần đợi chúng tôi xin chụp hình lưu niệm thì Đại tướng đã mở lời: Các cháu chụp với bác tấm hình nhé”…
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất chuẩn mực về thời gian. Trong thao tài chiến lược, ông là người nghiêm khắc, kỹ càng về thời gian tác chiến. Bởi thời gian là yếu tố tác chiến của mỗi trận đánh quyết định đến sinh mạng của chiến sĩ và thành bại của trận chiến đấu. Trong giao tiếp tiếp khách, Đại tướng rất chú trọng đến trang phục mặc. Vì đó là nét văn hóa, thể hiện sự tôn trọng với người đối diện. Mỗi lần hẹn khách, bao giờ Đại tướng cũng đến trước 20-30 phút đợi khách, không bao giờ để khách đợi. Vì Đại tướng cho rằng, thời gian là vàng bạc của nhân dân.