Chuyện lão ngư tìm nước ngọt nơi đầu sóng

19/06/2015 00:00

(TN&MT) - Ở  nơi đầu sóng ngọn gió, giữa bốn bề là biển cả mênh mông nhiều người nghĩ sẽ không bao giờ tìm được nguồn nước ngọt, ấy vậy mà lão ngư Bùi Xuân Quang ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hóa) đã làm được kỳ tích ấy sau nhiều năm bị coi là gàn dở vì đã bỏ cả trăm triệu khoan nước ngọt giữa biển cả.

Theo chân anh Bùi Văn Dũng ở xã Ngư Lộc, chúng tôi thẳng tiến ra phía đảo Nẹ - nơi có hàng trăm hộ dân Hậu Lộc đang nuôi ngao biển. Con thuyền nhỏ chòng chành, xuyên ngang cánh rừng phòng hộ xã Đa Lộc vượt hơn hai hải lý để về với “thủ phủ ngao”. Từ trên chiếc chòi cao hơn mặt nước chừng 4 m anh Quang đon đả khi có người đến chơi thăm và những tháng năm vất vả cũng như hành trình tìm nước ngọt đáy biển dần hiện ra.

  Những chiếc chòi chênh vênh, tạm bợ của ngư dân Hậu Lộc, Nga Sơn nơi đầu sóng
Những chiếc chòi chênh vênh, tạm bợ của ngư dân Hậu Lộc, Nga Sơn nơi đầu sóng

Khi mới vừa đôi mươi, cuộc sống tha phương cũng chẳng thể giúp chàng ngư dân Bùi Xuân Quang đỡ phần khó nhọc. Sau nhiều năm lăn lộn, anh trở về tiếp bước ông cha bám biển sản xuất. Tiết kiệm được một số vốn, vợ chồng anh vay mượn thêm mua lại cánh đồng ngao rộng hơn 6 ha ở vùng giáp ranh giữa hai huyện Nga Sơn và Hậu Lộc, hàng ngày anh còn thả thêm lồng bát quái bắt con cua, con cá kiếm thêm thu nhập nuôi ba con ăn học. Một trong những trở ngại lớn nhất của các hộ dân nuôi ngao là nước ngọt phục vụ sinh hoạt, bởi chòi canh ngao thường cách đất liền rất xa, dễ đến vài cây số. Nhiều năm trước, ngư dân phải dùng thuyền chở từng can, từng xô nước ngọt từ đất liền ra rồi tằn tiện dùng cho ít nhất một tuần. Chưa kể mùa nắng hạn nước ngọt trong đất liền còn chẳng đủ dùng huống chi mơ có được nước ngọt giữa biển khơi. và rồi giấc mơ đó đã được lão ngư “khùng” Bùi Xuân Quang biến thành hiện thực.

Nói về hành trình săn tìm nguồn nước ngọt trên biển, anh Quang tự hào cho biết mình là một trong những người đầu tiên tìm ra nguồn nước ngọt ở vùng biển Hậu Lộc. Anh tâm sự: Khi nhận đồng ngao, điều làm anh khổ sở nhất là phải mang nước ngọt từ đất liền ra bởi có vô vàn khó khăn và mất thời gian, đặc biệt là vào những ngày thủy triều xuống cạn.

Cách đây hơn một năm, nghe bên Kim Sơn (Ninh Bình) có người khoan 70 m được nước ngọt giữa biển anh đánh thuyền một mạch sang tìm hiểu nhưng đành thất vọng vì đó chỉ là nước lợ không thể phục vụ sinh hoạt được. Một ý nghĩ lóe lên, biết đâu khoan sâu hơn sẽ có nước ngọt. Thế là sau chuyến đi, chàng ngư dân quyết định tìm thợ khoan nước ngọt ở biển quê hương. Thế nhưng, tốp thợ nào khi nghe khoan giếng ngoài biển thì đều từ chối, thậm chí cười nhạo. Sau nhiều lần thuyết phục cũng có một tốp thợ đồng ý đưa máy ra chòi canh cách đất liền hơn hai hải lý khoan giếng. Cứ thủy triều rút khỏi bãi ngao là đưa máy ra khoan với thời gian ít ỏi 3 tiếng/ngày. Anh và tốp thợ cần mẫn, hăng say làm việc trước những ánh mắt nghi ngại kèm những lời gièm pha của mọi người. “Trời chẳng phụ lòng người, sau nhiều ngày, mũi khoan chạm đến độ sâu hơn trăm mét, một dòng nước trong vắt phụt lên, vốc tay nếm thử ngụm nước từ đáy biển thấy ngọt lừ tôi sung sướng đến trào nước mắt”, anh Quang tâm sự. Để yên tâm hơn, anh và gia đình còn lấy tất cả vật dụng trong chòi từ nồi niêu đến xô chậu ra đựng nước rồi quên ăn quên ngủ chờ đợi, theo dõi. Sau nhiều ngày đựng trong các vật dụng, nước vẫn trong vắt, không đóng váng, không đổi màu đỏ sắt và không có mùi lạ, lúc đó ai cũng vui mừng. Khi đun nước, nấu cơm còn cho cảm giác ngon hơn nước trong đất liền mà anh phải rất vất vả mới mang ra được.

 Giếng nước ngọt của ngư dân Bùi Xuân Quang được ví như “mỏ vàng” giữa trùng khơi
Giếng nước ngọt của ngư dân Bùi Xuân Quang được ví như “mỏ vàng” giữa trùng khơi

Niềm vui và nụ cười trên môi anh như kéo dài bất tận khi nói về giếng nước ngọt sâu 120 m của gia đình. Để khoan một chiếc giếng như thế phải mất cả tuần trời mới xong vì vừa khoan vừa dò mạch nước, cùng với phụ thuộc vào thủy triều trong một thời gian ngắn nên mọi công việc phải hết sức khẩn trương và chuẩn xác. Trước kia khi chưa khoan được nước ngọt, khoảng một tuần anh lại phải vào bờ chở nước ra để phục vụ sinh hoạt nên phải dùng cực kỳ tiết kiệm. Mỗi lần vào bờ là lỉnh kỉnh chai lọ, xô chậu, đủ các loại can, thùng đựng nước ngọt mang ra chòi ngao chủ yếu là dùng để nấu ăn, còn tắm giặt đành “để dành” vào bờ mới tắm, mỗi lần như vậy mất 8 – 10 lít dầu máy vừa tốn kém, lại vất vả.

Từ ngày nguồn nước ngọt dưới đáy biển được anh Quang và một số chủ đồng ngao tìm ra thì việc sinh hoạt của các gia đình đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, nỗi lo vận chuyển nước ngọt, quay cuồng thiếu nước ngọt nơi đầu sóng đã không còn. Đây cũng là một động lực để họ bám biển mưu sinh.

Bài và ảnh: Anh Tú - Thu Thủy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện lão ngư tìm nước ngọt nơi đầu sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO