Chuyên gia nói gì khi Hà Nội cứ mưa là ngập?

25/07/2018 11:42

Dù Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2030 nhưng tốc độ phát triển đã nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch không đi theo đúng lộ trình đã đề ra, dẫn đến tình trạng "Hà Nội cứ mưa là ngập".

Trận mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua khiến nhiều khu vực của thủ đô rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài. Điệp khúc “Hà Nội cứ mưa là ngập” khiến người dân thủ đô ngán ngẩm. Ngập sâu trong nước, giao thông ách tắc, các phương tiện tham gia giao thông di chuyển hết sức khó khăn, nhiều xe bị chết máy giữa đường. Thậm chí, tại một số nơi, người dân phải sinh hoạt cùng nước bẩn trong suốt nhiều ngày sau mưa lớn.

Phá vỡ quy hoạch khung

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng cứ mưa là ngập, KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, chúng ta đã nói nhiều đến nguyên nhân nhưng chưa có giải pháp. Hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo, tuy nhiên còn chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh. Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bị bêtông hóa cao.

Do vậy đôi khi hệ thống thoát nước bị quá tải. Mặt khác, việc sinh hoạt, tổ chức sản xuất, kinh doanh làm tăng nhu cầu nước thải xả ra các cống. Hiện tượng xả rác của người dân còn chưa được ngăn chặn triệt để. Nhiều người dân có thói quen xả rác, quét lá cây khiến cống bị tắc, khi có mưa thì rác nổi lềnh phềnh.

mưa là ngập
Người dân phải dùng thuyền di chuyển (Ảnh: Hà Phương)

KTS Nguyễn Thế Khải - chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cũng cho rằng, chúng ta đã có  quy hoạch tổng thế đến năm 2030 nhưng lại không làm theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng “mạnh ai người nấy làm”, phát triển nóng nhưng không có trọng tâm và “lệch” so với hệ thống khung của toàn thành phố.

“Quy hoạch không thành pháp lệnh  và mọi người thực hiện theo ý của mình”, KTS Thế Khải nói.

Ông khẳng định để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc TP. Hà Nội. Hà Nội đã có những đơn vị quản lý với mục đích giám sát, đảm bảo việc thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra, nhưng lại để các đơn vị đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch được đề ra đến năm 2030.

Giải pháp tổng thể

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, biện pháp trước mắt là ngành giao thông thoát nước cần phải có những phương tiện cơ động để giải quyết úng ngập cục bộ, khi mà hệ thống thoát nước của chúng ta chưa thể sửa trong ngày một ngày hai.

Về lâu dài, Hà Nội cần xem xét điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán. Xây dựng một dự án điều chỉnh, trong dự án này cần chú trọng đến một số vấn đề: thứ nhất, gia tăng các trạm cuối nguồn như trạm bơm Yên Sở, Liên Mạc,…

Thứ 2, hiện nay, bên cạnh tập trung vào hệ thống thoát nước khung của thành phố thì cần chú trọng kết nối với các khu dân cư và hệ thống thoát nước nhỏ. Đồng thời phải xem xét lại hệ thống giải quyết nước thải sinh hoạt tránh gây ra ách tắc cho hệ thống cống nguồn.

Bên cạnh giải quyết hệ thống thoát nước thì cần phải chú trọng đến việc điều hòa nước. Hiện nay, Hà Nội có hơn 100 hồ trong nội thành nhưng diện tích thoát nước bị lấp đi rất nhiều. Quan trọng hơn là thường xuyên được nạo vét, làm sạch hồ để nâng cao hiệu quả thẩm thấu và điều hòa.

Đặc biệt KTS cho rằng, TP Hà Nội, cũng như Bộ xây dựng cần phải có quy định, cũng như bàn thảo với các chủ đầu tư khi xây dựng, nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống thoát nước của các dự án phải khớp với hệ thống khung của thành phố. Tránh tình trạng, giải quyết được điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nói gì khi Hà Nội cứ mưa là ngập?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO