Chuyên gia khí tượng Hoa Kỳ: Dự báo cường độ bão không hề dễ

27/02/2018 15:38

(TN&MT) - Trao đổi với phóng viên báo chí bên lề Hội thảo “Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới của dự báo bão” ngày 26/2 do Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đăng cai tổ chức, ông Raymond Tanabe - Trưởng nhóm Tư vấn của Uỷ ban Bão quốc tế - Giám đốc một trung tâm dự báo KTTV của Hoa Kỳ nhận định: không riêng gì ở Việt Nam mà cả chuyên gia khí tượng của Hoa Kỳ cũng khó khăn khi dự báo về cường độ của bão. Trong tương lai, vấn đề này tiếp tục được đưa ra nghiên cứu để có được những thông tin về cường độ các cơn bão tin cậy hơn.  

CHuyên gia KTTV Hoa Kỳ
Ông Raymond Tanabe - Trưởng nhóm Tư vấn của Uỷ ban Bão quốc tế - Giám đốc một trung tâm dự báo KTTV của Hoa Kỳ

PV: Thưa ông, ở thời điểm này, công nghệ dự báo bão quốc tế hiện ra sao và các quốc gia đã có sự tương tác với nhau trong khâu dự báo bão như thế nào?

Ông Raymond Tanabe: Hiện nay công nghệ dự báo được chia làm 3 bước: Bước đầu tiên chúng tôi dựa vào số liệu quan trắc từ số liệu vệ tinh, số liệu ra đa và những số liệu bề mặt, số liệu tự động nữa – đó là những số liệu cơ bản đầu tiên để chúng tôi đưa vào hệ thống tính toán.

Các số liệu nói trên sẽ được đưa vào các mô hình tính toán. Mô hình tính toán của chúng tôi sẽ giúp cho những người dự báo viên dự báo các cơn bão tốt hơn. Đặc biệt, chúng tôi không chỉ sử dụng mô hình riêng này, chúng tôi còn sử dụng các mô hình tổng hợp và theo dõi tham khảo các mô hình dự báo của các quốc gia khác nữa.

Bên cạnh đó, kết quả những bản tin dự báo bão là rất quan trọng, nhưng mà quan trọng hơn nữa là khâu kết nối thông tin. Thông tin ở đây đóng một vai trò rất quan trọng, đó là các phương tiện truyền thông, phương tiện truyền thông giúp truyền tải thông tin của chúng tôi đến với người dân được nhiều, chính xác và đầy đủ hơn. Dựa trên những thông tin này thì các Bộ, ngành, cơ quan sẽ có biện pháp phối hợp để ứng phó.

PV: Vậy trong thời gian tới, công tác dự báo bão sẽ gặp những thuận lợi hay khó khăn như thế nào, thưa ông?

Ông Raymond Tanabe: Trong thời gian vừa qua các cơ quan khí tượng chúng tôi đã cải tiến công nghệ rất nhiều để nâng cao bài toán dự báo, từ khâu quan trắc để cải tiến số liệu đầu vào, chúng tôi còn tăng cường số liệu quan trắc bằng máy bay. Hiện nay do có số liệu đầy đủ hơn nên công tác dự báo cũng được tốt hơn và còn có sự kết hợp không biên giới giữa các quốc gia, chúng ta có thể chia sẻ số liệu cho nhau, từ đó thông tin dự báo được đến với người dân đầy đủ và chính xác hơn rất nhiều.

Cái khó khăn nhất trong bài toán dự báo là dự báo cường độ bão, hiện này tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Nhiều năm qua chúng tôi mới đạt được kết quả dự báo tốt ở về vị trí đổ bộ của bão, thời gian tác động của bão, nhưng dự báo về cường độ bão hầu như không có tiến triển gì nhiều. Trong thời gian tới, đây vẫn là bài toán thách thức của các nhà khí tượng và chúng tôi sẽ cần phải giải quyết vấn đề này.

2702 Tọa đoàn
Tọa đàm "Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong phát triển bền vững" diễn ra chiều 27/2 tại Trung tâm KTTV Quốc gia


PV:Như ông nói ở trên thì khâu kết nối thông tin khi có các bản tin về dự báo bão là rất quan trọng, vậy các ông đã triển khai công việc này như nào?

Ông Raymond Tanabe: Ở đất nước chúng tôi đang dùng Facebook để truyền thông tin thiên tai nguy hiểm đến người dân rất nhiều. Ví dụ như người dân không ở nhà, không xem tivi nhưng họ truy cập mạng, sử dụng Facebook thì họ vẫn có được thông tin cập nhật nhanh nhất. Chúng tôi còn thông qua Facebook và các mạng xã hội để nhận những thông tin từ các đơn vị cơ quan khác về dự báo bão để đưa ra các bản tin dự bão nhanh nhất. Trong tương lai chúng tôi vẫn sử dụng kênh này để truyền thông tin tới người dân.

PV: Lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam chia sẻ với tôi rằng, công tác dự báo của họ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu các trạm quan trắc, các trạm này ở các địa phương còn ít và thưa. Vậy ông cho biết, khoảng cách tiêu chuẩn giữa các trạm quan trắc là bao nhiêu và vai trò của các trạm quan trắc này như nào đối với các bản tin dự báo?

Ông Raymond Tanabe: Khoảng cách giữa các trạm quan trắc ở mỗi quốc gia khác nhau, phụ thuộc vào địa hình. Ví dụ quốc gia nào nhiều núi thì số lượng trạm quan trắc sẽ nhiều hơn vì thời tiết ở đỉnh núi và chân núi khác nhau; còn các quốc gia có địa hình bằng phẳng số lượng trạm quan trắc sẽ ít hơn.

Ở các quốc gia ở khu vực châu Á thì các cơn bão thường đổ bộ vào đất liền từ biển, nhưng chúng ta lại không đặt được trạm quan trắc, mà chỉ có thể đặt trên đất liền hoặc các đảo. Khi xuất hiện bão, chúng ta thường dùng các máy bay nhỏ để đưa các thiết bị quan sát hoặc sử dụng các vệ tinh để có thể lấy được thông tin từ cơn bão đó. Các trạm quan trắc có vai trò rất quan trọng, trạm quan trắc tốt sẽ cho số liệu đầu vào tốt, từ đó số liệu này sẽ được gửi đi đến bộ phận xử lý để đưa ra các bản tin tốt....

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia khí tượng Hoa Kỳ: Dự báo cường độ bão không hề dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO