Biến đổi khí hậu

Chuyên gia địa chất khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn sau mưa bão

Mai Đan 09/09/2024 - 18:45

(TN&MT) - Bão số 3 (bão Yagi) với cường độ rất mạnh sau khi đổ bộ và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, đến rạng sáng 8/9, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền khu vực Tây Bắc Bộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, hàng loạt tỉnh thành miền Bắc mưa lớn, lũ dâng cao, nhiều nơi thuộc diện cảnh báo màu tím - nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở mức rất cao.

Trong khoảng thời gian từ 20h ngày 7/9 đến 8/9, nhiều tỉnh Bắc Bộ ghi nhận lượng mưa rất lớn, vượt 400 mm tại một số nơi như Pú Dảnh 417 mm (Sơn La); Vạn Mai 343 mm (Hòa Bình); Nậm Xây 2 - 383 mm (Lào Cai); Tà Si Láng 425 mm (Yên Bái)... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực đã gần đạt trạng thái bão hòa (trên 85%), không thể "giữ" thêm nước, trong khi mưa vẫn kéo dài những ngày tới.

z5813197946407_719e5a5160f97b584f73ab29378f21e3(1).jpg
Yên Bái tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 gây ra. Ảnh: Thanh Ngà

Trong chiều tối 8-9/9 nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Yên Bái (Yên Bái) đã bị ngập, có nơi ngập sâu đến 4m. Trong sáng 9/9 nước sông Hồng đoạn qua Yên Bái tiếp tục lên. Nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều tuyến đường ở TP Yên Bái chìm trong biển nước, từ chiều 8/9.

Theo thông tin của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn phường Hồng Hà, mực nước sông Hồng tại Yên Bái ghi nhận lúc 22h ngày 8/9 là 33,16m (trên báo động 3 là 1,16m). Thành phố Yên Bái đã phân công lực lượng cảnh giới tại các khu vực ngập úng, sạt lở, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phân luồng giao thông tại các khu vực ngập úng, sạt lở.

Còn tại Thái Nguyên, từ tối 8/9, mực nước ở sông Cầu dâng cao rất nhanh. Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Thái Nguyên, mực nước tại Trạm thủy văn Gia Bẩy lúc 0h ngày 9/9 là 2.756cm, cao hơn báo động 3 là 56cm. Người dân sinh sống 2 bên bờ sông Cầu cho biết, kể từ sau trận lũ lịch sử vào năm 2001 đến nay, chưa bao giờ mực nước sông Cầu dâng cao như hiện tại.

Tại Lào Cai, từ khoảng 23h ngày 8/9 mực nước lũ trên sông Hồng lên rất nhanh. Vào lúc 13h ngày 9/9, Đài Khí tượng thuỷ văn Lào Cai đã quan trắc được mực nước sông Hồng tại Lào Cai là 85,84 m, cao hơn mực nước lên so lúc 12h là 0,3m, lũ đang ở mức trên báo động 3 là 2,34 m; trên sông Hồng tại Bảo Hà là 60,73m, trên báo động 3 là 3,73m. Do nước lũ lên cao đã tràn bờ kè và tràn vào các hộ dân sinh sống dọc 2 bên bờ sông Hồng. UBND thành phố Lào Cai đã ra văn bản khẩn trương di dời hơn một nghìn hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt.

sat-lo-2(1).jpg
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai mưa lũ gây ngập lụt và sạt lở

Do ảnh hưởng của bão số 3, phần lớn địa bàn huyện Sơn Động và Lục Ngạn (Bắc Giang) bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Tại địa bàn huyện Lục Ngạn, các ao, hồ, sông, suối, ngầm, kè tràn nước lên nhanh, nhiều khu vực bị chia cắt cục bộ. Tính đến trưa 9/9, có 10 xã của huyện Lục Ngạn bị cô lập; trong đó có 6 xã bị chia cắt cục bộ như: Giáp Sơn, Đèo Gia, Phong Minh, Sa Lý, Cấm Sơn, Hộ Đáp. Tuyến QL31 thuộc địa phận thôn Cầu Chét, xã Phì Điền, khu vực thôn Đồng Man, xã Biển Động bị ngập sâu gây chia cắt. Riêng huyện Sơn Động, mưa lũ dâng rất cao nên hầu như cả huyện bị ngập lụt, cô lập.

Theo ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, sau bão số 3, người dân không nên chủ quan bởi vì bây giờ vẫn là thời điểm nguy hiểm, do mưa của hoàn lưu bão. Ông khuyến cáo người dân, nhất là những người sống trong khu vực được dự báo, cảnh báo có tiềm năng về sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá v.v. được chính quyền trung ương và địa phương thông báo, cảnh báo trên các phương thông tin đại chúng như như điện đàm, hỏa tốc, khẩn, loa đài, mạng xã hội, điện đàm v.v. về các hiện tượng như lượng mưa, thời gian mưa... Người dân cần chấp hành các khuyến cáo, thông báo về thời gian không ra đường, thời gian lưu thông trong các khu vực nói trên.

Cụ thể, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, khi thấy dấu hiệu của sạt lở đất, chẳng hạn như mặt đất phồng lên, rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất; vết nứt nền nhà, tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông suối chuyển màu đục…, người dân cần thông tin cảnh báo ngay các hiện tượng cho chính quyền địa phương và những người xung quanh để thực hiện ngay các phương án phòng tránh. Đồng thời, chính quyền địa phương theo dõi và nhanh chóng tiến hành di dời người dân trong khu vực nếu có nguy cơ lớn, cần ưu tiên bảo vệ tính mạng.

Bên cạnh đó, người dân phải hết sức cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất, nhất là khi có mưa lớn kéo dài; tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất như triền núi, khu vực giáp sông suối…; tránh xa khu vực nguy hiểm và di chuyển đến khu vực an toàn do chính quyền địa phương quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia địa chất khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn sau mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO