Vận tải đường bộ các bon thấp
Theo Vụ Môi trường, Bộ GTVT, năm 2020, dự báo lượng khí CO2 phát thải trong ngành GTVT là 47, 68 triệu tấn. Đến năm 2025, con số này tăng lên hơn 65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 89 triệu tấn. Mức tăng đến năm 2030 xấp xỉ 2 - 2,5, trong đó, tiểu lĩnh vực vận tải đường bộ chiếm 85% tổng lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường; theo sau là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020 - 2030; đường hàng không chiếm 5%, đường biển chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong GTVT tại Việt Nam nhận định, mức tăng thu nhập cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu đi lại của người dân là động lực tăng tiêu thụ nhiên liệu và lượng phát thải ra môi trường. Quá trình cơ giới hóa của Việt Nam dẫn tới việc phương tiện phát thải thấp hơn (xe máy và xe chở hàng nhẹ) được thay thế bằng phương tiện phát thải cao hơn (ô tô con và xe chở hàng nặng), từ đó, tăng lượng phát thải trên đầu người.
Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí. Ngoài ra, sự phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ phụ thuộc nhiều vào chất lượng các loại xe. Đối với ô tô, xe máy qua nhiều năm sử dụng có chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại, bụi trong khí xả cao… là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Vận tải hàng hóa đường bộ có quan hệ mật thiết với chi phí logistics và phát thải khí nhà kính. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa với tỷ lệ thương mại trên GDP tăng gần 200% trong năm 2018. Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam phụ thuộc vào việc tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa và thương mại. Là phương thức vận chuyển hàng hóa chủ yếu ở Việt Nam, vận tải đường bộ chiếm đến 77% lưu lượng hàng hóa vận chuyển nội địa, trong khi đó, chi phí logistics chiếm khoảng 21% GDP, tỷ lệ khá cao so với thế giới. Do đó, để giảm chi phí logistics và phát thải khí nhà kính, Việt Nam cần hiểu rõ và củng cố khu vực vận tải hàng hóa đường bộ của mình.
Các chuyên gia WB khuyến nghị, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả nhất đến năm 2030 là việc thực hiện các tiêu chuẩn hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho ô tô và xe máy mới. Hoạt động này sẽ góp phần giảm 15,8 triệu tấn phát thải CO2 so với kịch bản thông thường trong giai đoạn 2014 - 2030.
Tái cơ cấu loại hình vận tải
Theo ông Vũ Hải Lưu, đại diện Vụ Môi trường (Bộ GTVT), nhằm thực hiện các chiến lược, kế hoạch ứng phó BĐKH, Bộ GTVT đặt mục tiêu chủ động phát triển GTVT theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, việc tái cơ cấu vận tải sẽ tập trung theo hướng tăng thị phần vận tải hàng hóa đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển; tăng thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị.
Để thu hút vận tải trong các lĩnh vực này, Bộ chủ trương tăng cường đầu tư hệ thống đường quốc lộ, đường bộ cao tốc, mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải và hàng không, gắn với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, hiệu quả kinh tế môi trường; đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cạn đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa; tăng cường năng lực thông quan cho các cảng biển… Bên cạnh việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và phương tiện, thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, hệ thống GTVT sẽ được phát triển có trọng điểm, kết nối các trung tâm hàng hóa quy mô lớn với công nghệ và kỹ thuật hiện đại.
Bộ GTVT dự kiến, đưa những giải pháp này vào bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định, là một trong những định hướng giảm phát thải của ngành đến 2030 và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025.