Chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước: Thúc đẩy tuần hoàn, tái sử dụng
(TN&MT) - Chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy tuần hoàn, tái sử dụng nước thải là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam.
Quản lý tài nguyên nước theo nguyên tắc tuần hoàn
Trên thế giới, trong hơn thập kỷ trở lại đây, các chính sách, chương trình, sáng kiến về tái sử dụng nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đã được triển khai, tăng cường để giải quyết vấn đề thiếu nước, giảm áp lực về tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước tại nhiều quốc gia.
Một số quốc gia (Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Israel…) hướng đến chính sách “không xả thải” (tái sử dụng, tuần hoàn hoàn toàn), lồng ghép tái sử dụng nước thải trong quy hoạch quản lý nguồn nước hoặc quy định rõ việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước trong hoạt động xây dựng và sản xuất. Nhiều quốc gia (Australia, EU, Mỹ, Singapore, Nhật Bản...) đã quy định và triển khai việc dán nhãn hiệu quả sử dụng nước để thúc đẩy việc sử dụng nước tiết kiệm…
Tại Việt Nam, quá trình đô thị nhanh chóng là một trong các nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Tuy nhiên, các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải công nghiệp và chỉ khoảng 12,5% nước thải đô thị.
Mặc dù ý tưởng về mô hình kinh tế tuần hoàn là rất khả thi và hiệu quả, nhưng việc áp dụng trên thực tế tại Việt Nam còn chưa nhiều. Trước thực tế đó, để bảo đảm cấp nước bền vững và bảo vệ hệ sinh thái nước, việc xây dựng một chiến lược tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững với đa mục tiêu: bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bước đầu đưa ra nội dung về tuần hoàn tài nguyên nước. Cụ thể, tại Điều 58, một trong những biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là “cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa để sử dụng”.
Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định: “Tại khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước phải có giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước thải trong giai đoạn thiết kế dự án” hay “Trong các hoạt động bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ, có việc sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải; thu gom sử dụng nước mưa; sử dụng nước được khử muối từ nước lợ, nước mặn; đầu tư thiết bị công nghệ tiết kiệm nước”.
Quy định rõ hơn về tuần hoàn, tái sử dụng nước
Những ngày qua, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi trên nghị trường Quốc hội. Nhiều ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm được đưa ra, thể hiện sự quan tâm, lo lắng và mong muốn xây dựng Luật hoàn chỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước, đồng thời đưa nước đến đúng vị trí, tầm quan trọng của nó trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các đại biểu rất quan tâm đến việc tuần hoàn, tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn nhằm quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Góp ý về nội dung sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, tuần hoàn tài nguyên nói chung, tài nguyên nước nói riêng là chính sách đã được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn, góp phần bảo đảm việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy tuần hoàn, tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam và khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xử lý nước thải.
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về tái sử dụng nước trong Dự thảo Luật, trong đó tại Điều 3 Chương I cần đưa ra định nghĩa về các khái niệm như tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên nước. Đồng thời, tại Mục 2 Chương IV từ Điều 42 đến Điều 54 trong quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đại biểu kiến nghị bổ sung nội dung tuần hoàn nước; tương tự đối với các quy định cho sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và sử dụng mục đích khác cũng cần có nội dung khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và có cơ chế ưu đãi.
Đồng tình với Đại biểu Thạch Phước Bình, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) tán thành với việc Dự thảo Luật đã bổ sung quy định Nhà nước có cơ chế khuyến khích để tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, đây là chính sách rất cần thiết và trên thế giới việc tái sử dụng nước đã được sử dụng khá phổ biến cho nhiều mục đích khác nhau, từ công nghiệp, nông nghiệp và đô thị. Tại Việt Nam, hiện nay nguồn nước ngọt có thể còn tương đối nhiều, tuy nhiên tình trạng giảm mực nước tại một số dòng sông, việc suy kiệt nguồn nước ngầm, tình trạng hạn hán ở miền Trung, nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… đang đặt ra việc phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, sử dụng nước tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn, đa dạng các nguồn nước là việc hết sức cần thiết.
Nhấn mạnh đến giải pháp để quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo bổ sung nhiệm vụ của Bộ TN&MT trong việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn tái sử dụng nguồn nước; tiêu chuẩn, quy chuẩn tích trữ nước, tiết kiệm nước, đồng thời, bổ sung nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải trong ban hành các tiêu chuẩn, định mức về hệ thống thoát nước đối với các công trình giao thông.