Chuyển dịch năng lượng quy mô quốc gia: Đòn bẩy cho quá trình đưa phát thải ròng về “0”

Vy Huyền| 24/05/2022 10:41

(TN&MT) - Để đưa mức phát thải ròng về "0" cần phải thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp, đặc biệt trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đang phối hợp với các bộ, ngành, các đối tác phát triển xây dựng phương án tiếp cận công bằng, công lý trong thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng, phục vụ việc thực hiện các cam kết tại COP26.

Cơ hội thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, cùng với giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ hoá thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Mặc dù vậy, thách thức đặt ra cũng không nhỏ. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định, một mặt, Việt Nam cần phải chuyển đổi mạnh mẽ năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch cho phù hợp với xu thế chung toàn cầu, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển bền vững.

Mặt khác, đất nước cũng cần phải đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế; đảm bảo chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động bị ảnh hưởng, nhất là công nhân ngành than. Giá điện phải nằm trong khả năng chi trả của những người thu nhập thấp. Bên cạnh đó, đảm bảo lực lượng lao động Việt Nam được trang bị đầy đủ kỹ năng để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến ít phát thải.

dien-gio.jpg

Theo Bộ TN&MT, nhu cầu chuyển dịch quốc gia về năng lượng tập trung vào chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) trong sản xuất điện và tăng cường sử dụng NLTT trong các ngành tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Hiện nay, cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp đã thay đổi theo hướng tích cực, năng lượng sinh khối phi thương mại đã giảm nhanh, thủy điện tăng… Về tiêu thụ năng lượng, tỷ lệ tiêu thụ điện trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng liên tục, thể hiện sự chuyển đổi từ các dạng nhiên liệu khác sang điện. Cơ cấu của than trong tiêu thụ cuối cùng cũng không có nhiều biến động, xấp xỉ ở mức 23 - 24%. NLTT cũng có tốc độ tăng trưởng đáng kể ở mức 5,9%/năm. Các sản phẩm dầu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng và chưa có biến động lớn.

Cam kết tại COP26 mới là bước đi quan trọng đầu tiên. Việc thực hiện và đạt được cam kết đòi hỏi những nỗ lực xây dựng các cơ chế tài chính và chính sách phù hợp, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường

Năng lượng tái tạo phải trở thành nguồn phát điện chính

Trong Quy hoạch điện VIII vừa cập nhật, Bộ Công Thương đã lồng ghép các cam kết của Việt Nam thông qua loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than mới sau năm 2030. Công suất lắp đặt mới điện than từ nay đến 2030 còn khoảng 12 GW.

Theo ông Bùi Duy Thành - Chuyên gia trưởng về Kinh tế năng lượng Ngân hàng Phát triển châu Á, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc bắt đầu giảm mạnh phát thải từ năm 2030 hết sức quan trọng. Điện gió, điện mặt trời sẽ phải trở thành nguồn phát điện chính, chiếm hơn 50% sản lượng điện vào giữa thế kỷ này. Đối với điện than, giải pháp là chuyển đổi từ than sang sinh khối, cùng đốt với amoniac và tiến tới chấm dứt hoạt động. Điện khí thiên nhiên và LNG sẽ chuyển đổi sang nhiên liệu Hydrogen.

Giai đoạn vừa qua, điện mặt trời phát triển quá nóng cũng đã bộc lộ yếu điểm của lưới điện truyền tải. Ngành điện sẽ cần phải đầu tư đổi mới công nghệ lưới điện để đáp ứng tỷ trọng NLTT ngày càng cao. Bên cạnh đó, hệ thống lưu trữ điện (ví dụ như lưu trữ bơm thủy lực và hệ thống năng lượng pin) cần được tích hợp vào hệ thống lưới điện, nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK, trong khi duy trì nguồn cung điện với giá cả phù hợp.

Tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2020 xấp xỉ 332 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ). Trong đó, ngành điện chiếm gần một nửa, khoảng 162 triệu tấn CO2tđ. Giao thông chiếm 16%, khoảng 53 triệu tấn CO2tđ. Đây chính là hai lĩnh vực chủ yếu sẽ tham gia chuyển đổi năng lượng.

Trong ngành phát thải lớn khác là giao thông vận tải, cả 5 chuyên ngành là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đều đã có lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Theo bà Nguyễn Thị Phương Huyền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, giai đoạn từ nay đến năm 2030, các lĩnh vực GTVT đã sẵn sàng về công nghệ, thể chế, nguồn lực sẽ cùng đẩy mạnh chuyển đổi từ sử dụng xăng, dầu sang sử dụng điện, năng lượng xanh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Giai đoạn đến năm 2030, ngành GTVT sẽ phát triển hợp lý các phương tiện vận tải và chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Một giải pháp quan trọng là tăng cường vai trò của giao thông đô thị, tiến tới 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ vận tải hành khách tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Đẵng, Cần Thơ đạt từ 20 - 35%. Riêng Hà Nội đặt mục tiêu đạt 45 - 50%. Các kế hoạch, lộ trình chuyển đổi này sẽ tác động lớn đến điều chỉnh nhu cầu năng lượng của các ngành, đặc biệt là năng lượng điện, ảnh hưởng chung đến nhu cầu năng lượng quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển dịch năng lượng quy mô quốc gia: Đòn bẩy cho quá trình đưa phát thải ròng về “0”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO