Chuyện của người nghệ sỹ đá quý

Lê Khanh| 24/12/2019 19:57

(TN&MT) - 35 năm lăn lộn khắp rừng sâu, núi cao, anh không kể xiết bàn chân bao lần toạc máu, đi bao ngọn núi, đến bao cánh rừng già khắp mọi miền đất nước để tìm “máu của mẹ đất”, nhưng điều thúc giục nhất trong trái tim khiến anh chưa bao giờ chùn bước trong hành trình tìm kiếm sưu tầm đá quý là giữ gìn, bảo tồn bảo vật quốc gia, dẫu vẫn hiểu phía sau những viên đá quí cả trăm ngàn đô la là những giọt mồ hôi, gian khổ, thiệt thòi. Người dân ở đây gọi anh là “nghệ sĩ đá quý”.

Bỏ dầu khí lên rừng tìm đá quí

Bây giờ “nghệ sĩ đá quý” Mai Văn Hân sở hữu hơn 30 tấn đá quý tại gia đình riêng và trở thành người giàu có trong giới đá quý ở xứ Thanh, nhưng ít ai biết 35 năm trước anh là một thanh niên quê nghèo nhưng có máu làm giàu, đi lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.

“Chú cũng biết đấy, ở quê mình những năm 1980 nghèo lắm. Kiếm cơm ăn cũng là mơ ước nói gì đến làm giàu. Thời bao cấp ai biết buôn bán gọi là người có “máu mặt”. Ai biết đá ru bi, đá đỏ là gì đâu”, anh Hân chia sẻ.

Bên bộ bàn đá hình rễ cây do chính tay anh mài dũa, khắc chạm, anh Hân kể cho tôi nghe những ngày đầu tiên anh bỏ lên rừng tìm đá quý, mặc dù lúc đó anh đã có việc làm trong ngành dầu khí ở Vũng Tàu.

“Sau khi đi Liên Xô về với tấm bằng chuyên viên nghiên cứu mỏ địa chất, mình xin vào nghành dầu khí làm việc. Mà lúc đó lương thấp chứ đâu cao như bây giờ. Mình không chịu nổi lương “ba cọc ba đồng”, trong khi đó tấm bằng chuyên viên vứt xó. Bao kiến thức học bên Liên xô về không sử dụng, nghĩ tiếc quá nên đánh liều. Vậy là bỏ ngành dầu khí lên rừng tìm đá quí. Đó là cuộc hành trình đầu tiên của mình. Gian khổ lắm”, anh Hân kể lại.

Trở về Việt Nam sau hơn 3 năm học tập tại Liên xô ngành chuyên viên nghiên cứu mỏ địa chất, anh Hân đem kiến thức vào áp dụng nơi mình làm việc, nhưng bị “lệch pha”. Bởi nơi anh làm việc là dầu mỏ từ lòng đại dương, còn kiến thức anh chuyên sâu về tầng địa chất, đá quí trong lòng đồi núi.

Không thể để trí tuệ lãng phí vô ích, anh Hân xin bỏ ngành dầu khí bắt đầu cuộc hành trình tìm đá quý mà những người trong nghề như anh gọi là “máu của mẹ đất”.

Tài sản giá trị nhất của anh lúc đó là chiếc xe đạp mi-ăng, hai cái bàn là đem về từ Liên Xô. Anh bán rẻ chưa đầy trăm ngàn. Ngày tạm biệt vợ, chị Hà khóc can ngăn, nhưng anh đã quyết “không thành công thì cũng tìm cho biết viên đá quí là gì”.

Chàng trai cao ngồng giống người Nga tóc xoăn xách ba lô bắt tàu hỏa ngược theo hướng Bắc ra đi. Sau hơn 2 ngày đường, anh dừng chân ở Lục Yên (Hoàng Liên Sơn, nay là tỉnh Yên Bái). Xác định đây là địa danh có vỉa đá hồng ngọc quí chìm sâu trong lòng núi và có nhiều đá cám (đá viên nhỏ) lộ thiên tự nhiên ở khe núi, lòng suối.

Công việc đầu tiên là thuê người Mông sinh sống tại đây đi nhặt đá về bán lại cho mình. Sau khi anh đưa mẫu đá và ra giá mua theo cân, 6 người phụ nữ Mông cùng con của họ vào rừng, lên đồi tìm kiếm.

“Lúc đó ở Lục Yên đá saphia, đá tự nhiên màu lục lộ thiên tự nhiên khá nhiều ở khe đá, rìa suối. Người dân chẳng biết đá quí là gì. Họ chỉ biết được thuê, trả tiền công lấy tiền mua gạo là sướng rồi. Đúng hẹn, sau gần ba ngày, họ đem đến hai sọt đá rất nhiều chủng loại. Có cả loại đá saphia hồng, cam tự nhiên.

Đường rừng đem về bằng cách nào đây khi lượng đá gần hai lưng ba lô. Tiếc đứt ruột nhưng cuối cùng tôi đành đổ xuống suối một nửa. Đó là hành trình đầu tiên tôi đi tìm máu của mẹ đất. Bây giờ nghĩ lại quá gian truân”, anh Hân kể lại.

Thợ mài đá hàng ngày tại gia đình

Tìm kiếm thị trường trên đất Chăm-pa

Có đá trong tay, cứ ngỡ về miền xuôi bán dễ, ai dè chẳng ai mua. Những viên đá xanh đỏ thấm đẫm mồ hôi, anh Hân để lăn lóc góc nhà, xó tủ. Biết không bán được đá quí ở xứ Thanh và các tỉnh lân cận khi thị trường Việt Nam lúc đó bó hẹp trong “vòng vây cơ chế bao cấp”.

Anh Hân chia sẻ “Mình không biết làm cách nào để bán những viên đá ấy đi. Thị trường đá quí ở Việt Nam những năm 1980 mờ nhạt lắm, mà có bán ra cũng chẳng ai mua, hoặc bị công an bắt ngay. Người dân biết đá qúy là gì đâu. Nhìn sọt đá quí mà rơi nước mắt”.

Lần theo địa chỉ và thông tin thị trường từ những người bạn, cuộc hành trình tìm kiếm thị trường bắt đầu. Anh Hân sang Cămpuchia tìm người mua đá quý. Dù đã từng sống bên Liên Xô, có kinh nghiệm trong thương trường, nhưng kiếm người tin cậy, hiểu, và mua đá quý ở xứ Chăm Pa thì không hề dễ.

“Sau những ngày tìm kiếm người mua không thành, quá thất vọng, tôi đem ra chợ bán, nhưng chẳng ai thèm ngó ngang gì. Lúc đó bụng tôi nghĩ, chết đói, bỏ mạng ở Cămpuchia là cái chắc, vì không có người thân thích, không biết tiếng Cămpuchia, tiền rỗng túi thì sao sống được”, anh Hân kể lại.

Trong ngõ cụt lại thấy niềm hi vọng. Đúng lúc Hân rã rời, phần vì đói rét, phần vì thất vọng không biết trở về Việt Nam bằng cách nào khi không một xu dính túi thì bỗng nhiên có một đôi vợ chồng đi ngang qua sọt đá quý. Cô vợ nói “anh ơi chờ em”. Hân ngẩng đầu lên nhìn họ run run. Qua ngôn ngữ chị vợ nói, biết họ là người Việt Nam sinh sống ở đất bạn Cămpuchia.

Anh đổ sọt đá vào ba lô bám theo đôi vợ chồng kia, trời cũng chạng vạng tối. “Biết họ ở ngôi biệt thự, nhưng tiếp cận bằng cách nào. Tôi đánh liều vào bấm chuông. Người giúp việc ra mở cửa, sau đó là chị vợ lúc gặp ở chợ. Tôi nói liền “Em là người Việt Nam. Em đói quá. Xin cho em bữa cơm. Người chồng từ trong nhà đi ra nhìn tôi từ đầu tới chân. Ông khoát tay, “cho nó vào”. Tôi lúc đó như chết đuối vớ phải cọc. Trong bụng nghĩ, được gặp đồng hương, vậy là sống rồi”, anh Hân hồi tưởng.

Sau khi được vợ chồng nọ cho ăn cơm, Hân mạnh dạn trình bày sang Cămpuchia ban đá quí mà không ai mua và ngỏ lời xin giúp đỡ. Người đàn ông nọ bảo lấy đá ra cho ông ta xem rồi nói: Chú cứ ở đây. Ngày mai anh cho địa chỉ, chú đem tới đó mà bán. Nếu bán không được, về đây anh mua cho chú. Và ông “định giá” cho mỗi viên trong 10 viên đá sẽ đem đi bán.

Sáng hôm sau, anh đem 10 viên đá ra 5 tiệm đá quý rao bán. Tại đây, họ trả anh viên nhỏ 200 đô la, viên lớn 1.000 đô la nhưng cũng không cao bằng giá bằng ông chủ nhà mua. Anh Hân quyết định đem về bán cho ông chủ. “Chú biết không, đó là lần đầu tiên tôi tìm kiếm thị trường đá quí từ nước ngoài”, anh Hân cho biết.

Lưu giữ bảo vật quí hiếm

Anh Hân dẫn tôi tới “không gian đá quý” trên tầng lầu, nơi anh trưng dựng hàng trăm loại đá với nhiều hình thù, kích thước khác nhau. Mỗi viên đá là một tác phẩm nghệ thuật do chính tay anh mài dũa, điêu khắc, hoặc hình thù có sẵn tự nhiên từ lòng đất.

Chỉ tay vào tác phẩm có tên “tàu Ti-ta-níc”, anh bảo: “Đây là tác phẩm con tàu Ti-ta-níc. Nó gắn liền với tôi những ngày đầu tiên vào nghề. Đặt nó là con tàu Ti-ta-níc vì hình thù của phiến đá tự nhiên giống con tàu”. Cạnh đó là tác phẩm “Tổ ấm tình yêu” bằng đá thạch anh màu bạc. Đó là hai phiến đá tự nhiên hình giáng đôi bồ câu mớm nhau trên tổ ấm.

Trong hơn 30 tấn với 20 loại đá quý khác nhau, có một phiến đá hình rồng nguyên thủy được anh Hân đào lên ở độ sâu 50 mét trong lòng đất ở Đăk Gềnh, Đăk Nông năm 1997. Anh đặt tên cho phiến đá này là “Long phụng hợp nhất” nó có hình dáng như con rồng trên mái đình.

Điều đặc biệt trên phiến đá này là có các thớ đá tạo thành hình con rồng đang bay trên mây sóng. “Đây là bảo vật còn duy nhất hình dáng nguyên thủy tự nhiên có mặt ở Việt Nam, không hề có bàn tay nghệ nhân mài dũa. Nó là gỗ hóa ngọc”- anh Hân cho biết. Tôi hỏi, giá phiến đá này bao tiền? anh Hân trả lời “Hơn một tỷ đồng Việt Nam, nhưng tôi không bán vì đây là bảo vật linh thiêng. Tôi muốn lưu giữ, bảo tồn nó- một trong những báu vật quốc gia còn sót lại”.

Năm 1991, anh Hân được Liên doanh Việt Nga Vietsopetro Vũng Tàu mời trở lại tiếp tục làm việc tại Liên doanh với công việc của một chuyên viên mỏ với mức lương 60 triệu đồng/tháng. Số tiền đó đủ anh và vợ con hưởng một cuộc sống sung túc, dư thừa; song nghệ nhân xếp thứ 23 trong 146 nghệ nhân đá quí ở Việt Nam này vẫn lặn lội khắp rừng già, núi cao để tìm “máu của mẹ đất” sau những ngày lênh đênh trên biển Vũng Tàu. Bởi anh hiểu việc anh làm không chỉ là niềm đam mê máu thịt, mà còn là ý thức bảo vệ, sưu tầm lưu giữ những báu vật quí hiếm còn sót lại.

Hơn 30 tấn với 20 loại đá quí các loại hiện đang trưng bày tại gia đình, anh Hân có khối tài sản khá “độc”, “khủng”, nhưng anh không tự hào về khối tài sản của mình, mà điều anh hãnh diện trân trọng hơn là góp phần lưu giữ bảo tồn những viên đá quí cho đời sau. Chỉ cần nhìn là anh biết nó là loại đá nào, bao năm tuổi. Vì lý do này mà những người trong làng đá quí gọi anh là “dị nhân”.

“Tất cả các loại đá hóa thạch, hoặc gỗ hóa thạch đều có niên sử 500 năm đến nhiều triệu năm. Có loại còn quí hơn ngọc. Ngoài giá trị về mặt trang sức, thì đá quí đem lại cho con người nhiều lợi ích về sức khỏe. Đá hồng ngọc (ru bi) vẫn là đỉnh cao về giá trị. Một viên đá bằng hạt đỗ giá trị hơn một tỷ đồng. Đá ngọc nhũ có tác dụng trục độc từ cơ thể, làm cho không khí trong nhà lúc nào cũng mát mẻ, khử độc tuyệt đối, đem lại sự may mắn”, anh Hân cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện của người nghệ sỹ đá quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO