TS. Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Nhận thấy việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngày 3/6/2013 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Tiếp đó, ngày 23/1/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-TQ/TW mà một trong những Kế hoạch hành động cốt lõi là “Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bộ TN&MT đã chủ động xây dựng và đề xuất Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020 và được phê duyệt tại Quyết định 172/QĐ-BKHCN năm 2016 của Bộ trưởng Bộ KH&CN, với 3 mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong ứng phó với BĐKH; đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm.
Thứ hai, cung cấp luận chứng khoa học cho việc đánh giá tiềm năng, giá trị của một số tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hải đảo, đề xuất các định hướng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên.
Thứ ba, làm rõ quan hệ và lượng giá BĐKH - tài nguyên - môi trường - hệ sinh thái, theo đó đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, quản lý tổng hợp tại một số vùng trọng điểm.
Phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH. Ảnh: MH |
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chương trình có 3 nội dung chủ yếu gồm: KH&CN phục vụ ứng phó với BĐKH; KH&CN phục vụ quản lý tài nguyên và môi trường; Nghiên cứu cơ sở khoa học những vấn đề tổng hợp, liên ngành, liên vùng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường và chuyển giao kết quả nghiên cứu.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình được triển khai với 43 đề tài nghiên cứu, bao gồm: i) Về ứng phó BĐKH có 20 đề tài (46,5%); ii) Về quản lý tài nguyên và môi trường có 16 đề tài (37,2%); iii) Nghiên cứu cơ sở khoa học đối với vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường và lựa chọn, chuyển giao kết quả nghiên cứu có 7 đề tài (16,3%).
Các đề tài được triển khai đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đóng góp cho việc xây dựng Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW.
Thông qua kết quả nghiên cứu, Chương trình đã đóng góp cho việc xây dựng Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Một số đề tài cũng đã cũng cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đóng góp trong việc xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai về quy hoạch sử dụng đất, tập trung tích tụ đất đai và kinh tế đất đai, phục vụ sửa đổi Luật Đất đai.
Chương trình đã chuyển giao các kết quả nghiên của các đề tài cho các bên liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình nói riêng và KH&CN nói chung phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Chương trình đã giới thiệu các kết quả, sản phẩm của đề tài rộng rãi trong nước và quốc tế thông qua công bố 77 bài báo quốc tế có chỉ số ISI hoặc Scopus; 156 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước; xuất bản 12 sách chuyên khảo, tạo cơ hội phát triển hợp tác trong và ngoài nước.
Kết quả của Chương trình đã góp phần phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH ở nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, quản lý tài nguyên và môi trường thông qua đào tạo 99 thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo 48 tiến sĩ; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thông qua thực hiện các đề tài thuộc Chương trình với sự tham gia của 1.844 thạc sỹ, 980 tiến sĩ, 186 phó giáo sư, 38 giáo sư. Chương trình cũng đã hoàn thành được các mục tiêu và nội dung đề ra, nhiều kết quả nghiên cứu đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn.
Để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả áp dụng các kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia trong thực tế, Chương trình có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, đối với các nhà nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ: Cần chuyển hoá, hướng dẫn sử dụng các kết quả, sản phẩm của các đề tài một cách đơn giản, thuận tiện, dễ dàng sử dụng đối với các bên liên quan. Tiếp tục hoàn thiện các kết quả, sản phẩm của các đề tài theo hướng thương mại hoá, chuyển giao để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính hữu dụng, khả thi của các kết quả, sản phẩm KH&CN...
Hai là, đối với tổ chức, cá nhân sử dụng, ứng dụng: Phải xác định ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường dựa vào KH&CN là nhu cầu tự thân, nội tại và thực sự muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả của công việc này dựa vào KH&CN. Nâng cao năng lực sẵn sàng công nghệ (Technological readiness) để triển khai các kết quả, sản phẩm của các đề tài, chương trình KH&CN... Chủ động đề xuất nhu cầu, yêu cầu của mình về các giải pháp KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường.
Ba là, đối với chính sách của Nhà nước: Cần có chính sách khuyến khích, yêu cầu sử dụng các kết quả, sản phẩm khoa học, công nghệ trong công tác ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Hỗ trợ kinh phí phát triển các các kết quả, sản phẩm KH&CN của các đề tài thành thương phẩm để chuyển giao. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, tính đến đầy đủ và hài hoà lợi ích của các bên liên quan trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường...
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; đề nghị Bộ KH&CN phê duyệt Chương trình KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, ứng phó BĐKH và phát triển bền vững kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 cùng với Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra.