Chung ý chí bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy

Tống Minh| 03/12/2019 12:09

(TN&MT) - Chung một dòng sông nghĩa là chung nguồn mạch của sự sống, chung khởi nguyên văn hóa, các địa phương thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy cũng ý thức rõ hơn hết về sự liên kết bảo vệ môi trường nguồn nước.

Phối hợp giải quyết ô nhiễm liên tỉnh

Thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường Lưu vực sông Nhuệ - Đáy nhiệm kỳ 5, năm 2019, nhiều vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh đã được các đơn vị giải quyết. Tỉnh Hòa Bình đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ môi trường với lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy với TP. Hà Nội; ký quy chế bảo vệ môi trường sông Mã, sông Bưởi và vùng giáp ranh với các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa.

Bàn giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho Chủ tịch UBND TP.Hà Nội

Hà Nội cũng vận hành có hiệu quả đối với trạm bơm tiêu nước vào Sông Nhuệ, sông Châu Giang (Hà Nam), đập điều tiết nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của nước thải của thành phố xả từ sông Tô Lịch qua đập Thanh Liệt xuống khu vực hạ lưu thuộc tỉnh Hà Nam. Thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp với Đoàn thanh tra (do Bộ TN&MT chủ trì) thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo theo ý kiến của công dân đối với Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam) gây ô nhiễm ảnh hưởng đến dân cư thôn Lễ Thượng (Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội).

UBND tỉnh Hà Nam đã ký quy chế phối hợp quản lý địa giới hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến sông giáp ranh giữa 3 tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Hưng Yên.

Về phía Bộ TN&MT, Bộ đã soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/8/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, quy định cụ thể hơn một số các nội dung đối với quản lý chất thải, đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bào vệ môi trường, quản lý phế liệu, đồng thời, cũng điều chỉnh một số nội dung bất cập trong thực tế triển khai tại các cơ sở sản suất... Điều này góp phần quản lý chặt chẽ, giảm thiểu phát thải ô nhiễm vào lưu vực sông.

Kiên quyết với vi phạm

Ngăn ngừa xả thải gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, trong năm 2019, các địa phương thuộc lưu vực đã tiến hành thanh kiểm tra tổng số 889 cơ sở, đơn vị, trong đó, có 183 cơ sở vi phạm về môi trường.

Riêng tại TP.Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, Sở TN&MT cùng các ngành, địa phương thanh kiểm tra 775 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 165 cơ sở, đơn vị với tổng số tiền xử phạt gần 4,3 tỷ đồng. TạiHà Nam,tính đến hết tháng 10/2019, thanh tra, kiểm tra 60 đơn vị, xử phạt 19 đơn vị với tổng số tiền xử phạt trên 348 triệu đồng.

“Các khu công nghiệp không có công trình xử lý nước thải, chất thải, kiên quyết không được hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp làng nghề phải tiệm cận xử lý nước thải. Năm 2020, tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm”.

Ông Võ Tuấn Nhân Thứ trưởng Bộ TN&MT

Tại Hòa Bình, 9 tháng năm 2019, tổng số lượng các đối tượng xả thải vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy được thanh tra, kiểm tra là 19 cơ sở, doanh nghiệp, trong đó, xử phạt 7 cơ sở, đơn vị với tổng số tiền xử phạt 201 triệu đồng. Tại Nam Định, Sở TN&MT tỉnh đã kiểm tra bảo vệ môi trường tại 23 cơ sở. Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nam Định, trong 8 tháng, kiểm tra 10 cơ sở và cả 10 cơ sở này đều có vi phạm về môi trường, tổng số tiền xử phạt là 239 triệu đồng. Còn ởNinh Bình, Sở TN&MT thanh kiểm tra 25 cơ sở, lập biên bản và trình cấp có thẩm quyền xử phạt với tổng số tiền trên 1,85 tỷ đồng.

Năm 2019, Tổng cục Môi trường tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV Hapaco Đông Bắc tại tỉnh Hoà Bình, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của Công ty với tổng số tiền phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trốn nộp trên 1,22 tỷ đồng.

Bước sang năm 2020, theo kế hoạch đặt ra, sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên; chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra môi trường, bảo đảm không chồng chéo, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Môi trường
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung ý chí bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO