Thái Nguyên là tỉnh sớm triển khai các Đề án Bảo vệ rừng, đề án bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đề án bảo vệ môi trường sông Cầu… Đồng thời, tích cực thắt chặt quản lý các nguồn thải đổ ra môi trường sông suối chảy ra sông Cầu. Trước đây, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép diễn ra ồ ạt trên sông Cầu đã làm thay đổi lưu vực dòng chảy, sạt lở soi bãi, bờ sông, làm mất trật tự an ninh địa phương, thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, tác động trực tiếp đến đời sống người dân khiến nhân dân bức xúc.
Trước tình hình đó, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai đề án quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản bằng hình thức rà soát, lựa chọn cấp Giấy phép khai thác mỏ cho các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, giao đất và yêu cầu quản lý chặt phạm vi được cấp phép. Việc làm này đã mang lại hiệu quả ngay tức thì đó là quản lý được hoạt động khai thác, bảo vệ được nguồn tài nguyên khoáng sản, điều chỉnh được kế hoạch sử dụng nguồn khoáng sản và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tạo tâm lý yên tâm cho người dân sử dụng nguồn nước sông Cầu.
Song hành với đó là tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, xả thải của các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, xử lý trách nhiệm, xử phạt rất nặng đối với hành vi cố ý khai thác khoáng sản trái phép, xả thải trái phép ra sông Cầu.
Ngoài ra, tỉnh còn tích cực kêu gọi đầu tư, trích ngân sách xây dựng các trạm quan trắc nước tự động đặt nhiều điểm tại các khu vực nhạy cảm như cửa xả nước thải ra môi trường sông, suối chảy ra sông Cầu. Yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết bảo vệ môi trường, theo dõi phân tích kết quả nước thải thông qua hệ thống truyền tải thông tin dữ liệu quan trắc tự động để có biện pháp kịp thời ngăn chặn mọi hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường nước sông Cầu.
Một đoạn kè được đầu tư xây dựng gần 100 tỷ đồng chống sạt lở bờ sông Cầu, đoạn chảy qua địa phận huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên |
Đồng thời giám sát chặt chẽ nguồn nước thải ra của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo và các khu công nghiệp… Các đơn vị nhà máy, xí nghiệp đã không để xảy ra tình trạng nước thải không đạt tiêu chuẩn đã xả ra môi trường. Nhân dân sống quanh các khu nhà máy lớn cũng không còn khiếu kiện, tập trung đông người, giảm bức xúc của nhân dân vì ô nhiễm môi trường. Đối với các nguồn thải do chăn nuôi lớn và nguồn nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, dân cư đông đúc, tỉnh đã từng bước xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt để đảm bảo nguồn nước thoát ra sông Cầu ít bị ô nhiễm…
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Nguyên cho biết, hàng năm, tỉnh đã trích hơn 5 tỷ đồng chi phí cho vận hành các trạm quan trắc nước mặt tự động trên các dòng sông Cầu và sông Công. Kết quả truyền trực tiếp về sở cho thấy chất lượng nước trên các sông đều tốt. Thời gian tới, để duy trì công tác bảo vệ môi trường sông Cầu được tốt nhất, Sở nỗ lực hết sức mình nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các chính sách về môi trường của Bộ TN&MT.
Học tập kinh nghiệm của tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Cạn đã đẩy mạnh mọi biện pháp, giải pháp tích cực bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nguồn nước ở thượng nguồn sông Cầu. Nổi bật trong các kết quả đạt được đó là diện tích rừng của tỉnh đã ngày càng được nâng cao rõ rệt. Hàng năm, độ che phủ rừng luôn đạt trên 72% góp phần quan trọng tạo nguồn sinh thủy dồi dào, điều hòa không khí, chống xói mòn, lưu giữ ổn định nguồn nước ở đầu nguồn sông Cầu.
Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn cho biết: Tỉnh sẽ đẩy mạnh quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản và tăng cường kiểm tra rà soát hoạt động sản xuất công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân đồng bào các dân tộc Bắc Cạn tích cực trồng rừng, phát triển kinh tế dựa vào rừng để tăng độ che phủ bảo vệ môi trường, sinh thủy đầu nguồn sông Cầu ngày càng phong phú hơn.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường tại 147 điểm. Trong đó, nước mặt trên lưu vực sông Cầu là 61 điểm. Điển hình là các trạm quan trắc nước mặt động đặt tại khu vực cầu Ba Đa, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên và trạm quan trắc nước mặt Hồ Núi Cốc để quan trắc, phân tích nguồn nước mặt trên các dòng sông.