Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường.
Còn ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo kết quả phân tích số liệu điều tra của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trong điều tra, khảo sát hiệu quả quản trị hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam cho thấy, trong 8 chỉ số khảo sát, chỉ số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở thuộc nhóm 2 có điểm đánh giá thấp nhất, chỉ cao hơn chỉ số quản trị điện tử ở hầu hết tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy, còn quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú, năm cao nhất chỉ có 20% số người được hỏi biết đến thông tin này. Trong khi đó, năm thấp nhất có chưa đến 12% số người được hỏi trả lời là biết thông tin trên. Tỷ lệ số người được hỏi cho biết đã có dịp tham gia góp ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ cư trú còn quá thấp. Năm cao nhất cũng chỉ có 7% số người được hỏi cho biết họ đã từng đóng góp ý kiến, năm thấp nhất tỷ lệ này là 2,8%. Các văn bản quy phạm pháp luật về lập quy hoạch đều yêu cầu cơ quan lập quy hoạch phải tiếp thu, giải trình lý do không tiếp thu ý kiến của người dân.
Trong khi đó, “về tỷ lệ người dân biết chính quyền đã tiếp thu ý kiến đóng góp của họ cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương thật sự rất đáng mừng, thấp nhất là 70,4% năm 2015 và cao nhất là 89,8% năm 2019. Điều này cho thấy, chính quyền đã thực sự lắng nghe ý kiến người dân và cũng cho thấy, tính xác đáng hay chất lượng ý kiến của người dân khi đóng góp ý kiến cho chính quyền”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nói.
Về nguyên nhân thực trạng trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, Chương III Nghị định 37 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch quy định việc lấy ý kiến của người dân về quy hoạch, gồm có 4 Điều, từ Điều 29 đến Điều 32. Tuy nhiên, quy định như vậy vẫn chưa thể được xem là sự tham gia của cộng đồng đúng nghĩa. Chưa có tiêu chí hay, hệ thống các giá trị để giúp người dân tham gia đóng góp ý kiến đánh giá cho các đồ án quy hoạch. Những quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng còn khá chung chung. Vai trò của cộng đồng chưa được quy định rõ.
“Có đến 4 chủ thể liên quan đến quy hoạch là Nhà nước, tư vấn, chủ đầu tư và người dân, nhưng luật vẫn chưa quy định rõ biện pháp chế tài nào, nếu ai sai thì bị xử lý ra sao, mức độ xử lý đến đâu. Bên cạnh đó, luật cũng chưa quy định được cơ chế thương thuyết và giải quyết các vướng mắc của người dân nếu người dân chưa hài lòng với cách giải quyết của chính quyền”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho biết.
Về cơ chế giám sát, việc lấy ý kiến của cộng đồng, cơ chế phản hồi và giải trình trước sự tham gia của cộng đồng cũng cần phải được thể chế hóa. Bên cạnh đó, cũng cần đề xuất các yêu cầu, tiêu chí đặt ra đối với kiến thức, kỹ năng của nhà tư vấn, nhà quản lý khi áp dụng thực hiện các quy trình có sự tham gia của cộng đồng.
Dẫn lời Aprodixio: "Bản quy hoạch tốt nhất là bản quy hoạch thể hiện được sự mong muốn của người dân", đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, một bản quy hoạch có tính linh hoạt, đáp ứng những yêu cầu mà người dân cho là cần thiết để việc thực hiện lấy ý kiến của người dân được tốt hơn. Chính quyền các cấp, đội ngũ công chức cần thật sự coi phục vụ người dân là mục tiêu chính trong hoạt động của mình. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập quy hoạch không chỉ làm đúng theo đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin, lấy ý kiến người dân mà còn tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm, phân bố dân cư để có biện pháp đưa thông tin đến người dân một cách phù hợp nhất. Cùng một nội dung nhưng cần có kế hoạch tổ chức thông tin, lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm dân cư.
“Việc nghiên cứu phương pháp có sự tham gia của cộng đồng vào công tác quy hoạch là rất cần thiết, góp phần phát triển xã hội theo hướng công bằng, dân chủ và bền vững”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh.
Tính liên kết và đồng bộ giữa các quy hoạch chưa rõ
Bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng công tác quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, bất cập.
Từ thực tiễn tại TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng, tồn tại, hạn chế đầu tiên là về công tác rà soát các quy hoạch. Theo đó, đến nay, các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành chưa được các Bộ, ngành Trung ương ban hành, ngoại trừ hệ thống cửa hàng xăng dầu. Do đó, dẫn đến khó khăn của địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể thuộc phạm vi của các quy hoạch đã hết hiệu lực theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch.
Tồn tại, hạn chế thứ hai là giữa các quy hoạch, tính liên kết và đồng bộ chưa được thể hiện rõ. Cụ thể là các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Việc đảm bảo kinh phí cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn, chưa có hướng dẫn cụ thể về các nội dung chi cũng như thẩm quyền thực hiện thu, chi kinh phí thẩm định.
Hệ thống quy hoạch sử dụng đất bị chia cắt, có quy hoạch sử dụng đất của cả nước thì không còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện được coi như là một quy hoạch có yếu tố kỹ thuật nhưng chưa có quy định cụ thể. Quy hoạch sử dụng đất của quốc phòng, đất an ninh được coi như là quy hoạch ngành. Việc này ảnh hưởng đến tính thống nhất trong thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
Đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng, để đảm bảo quy hoạch đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 phù hợp với quy hoạch của địa phương theo Luật Quy hoạch năm 2017 thì đồ án quy hoạch chung, quy hoạch đô thị đang được lập phải phù hợp với phương án quy hoạch hệ thống đô thị trong quy hoạch của thành phố, bao gồm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đã được xác định. Do đó, các cơ quan trung ương cần có hướng dẫn về nội dung này để bảo đảm cho sự phù hợp giữa các quy hoạch quy hoạch, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị.
Về đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng, hiện nay thời hạn lập các loại quy hoạch này có khác nhau. Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt dựa trên số liệu quy hoạch đô thị cũ, do đó kiến nghị lập quy hoạch đô thị cần căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố; quy hoạch sử dụng đất khi lập sẽ dựa trên cơ sở hoạch đô thị để đảm bảo sự đồng bộ.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn nội dung mang tính chất khung của quy hoạch cấp trên để quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp tỉnh tuân thủ. Đồng thời, có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế việc chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định các Bộ, ngành đối với quy hoạch.
Với Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng, Bộ cần đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện. Hạn chế tối đa gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch. Bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng đối với các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch mới đã có, cần quy định đặc thù cho đô thị đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh.
“Đề nghị Bộ Xây dựng sớm triển khai danh mục chương trình dự án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2025 và hướng dẫn thực hiện để các tỉnh, thành có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.