Chú trọng tác động của quy trình vận hành liên hồ chứa trong xây dựng cấp báo động lũ

31/05/2019 12:06

(TN&MT) - Nhiều thành viên Ban soạn thảo xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước có ý kiến như vậy trong cuộc họp sáng 31/05/2019, tại Hà Nội. Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), Thành viên Ban soạn thảo kiêm Tổ phó Tổ Biên tập chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ, để ứng phó với thiên tai, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về phòng chống thiên tai, cảnh báo dự báo thiên tai; trong đó bao gồm lũ, ngập lụt. Việc triển khai các chính sách đã góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai nói chung; lũ, ngập lụt nói riêng gây ra. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 632/QĐ-TTg về việc quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông chính thuộc phạm vi cả nước là căn cứ quan trọng để triển khai, tổ chức công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của lũ, ngập lụt.

ông Hải
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Thành viên Ban soạn thảo kiêm Tổ phó Tổ Biên tập chủ trì cuộc họp

Việc thực hiện quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ đã phần nào phục vụ tốt công tác phòng chống lũ, lụt góp phần chủ động trong việc tính toán quy hoạch, thiết kế kỹ thuật và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông; đặc biệt là những công trình được xây dựng tại những địa điểm chịu tác động lớn của mưa lũ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua Quyết định số 632/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ vẫn mang tính cá biệt, giá trị pháp lý chưa cao. Trong khi đó, việc xây dựng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy trên một số sông dẫn đến cấp báo động lũ quy định tại Quyết định trên không còn phù hợp; một số trạm thủy văn đã thay đổi vị trí/ không còn hoạt động hoặc bị ảnh hưởng nhiều của hồ chứa dẫn đến mức báo động lũ không còn phù hợp.

bà đẶNG tHANH mAI
Bà Đặng Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Dự báo, Tổng cục KTTV báo cáo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên phạm vi cả nước

Mặt khác, nhiều vị trí mới tại các khu vực trọng điểm cũng cần có các quy định cấp báo động lũ để đảm bảo trong công tác phòng chống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; một số tỉnh, thành nằm ở khu vực đồng bằng và ven biển, có vị trí và vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế khu vực cũng như cả nước nhưng chưa có quy định mực nước tương ứng cấp báo động lũ; nhu cầu cảnh báo theo các cấp mực nước lũ kết hợp thủy triều ở khu vực Nam Bộ ngày càng gia tăng.

Do vậy, việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phòng chống thiên tai. Các cấp báo động lũ được quy định sát thực tế giúp các cơ quan quản lý, các Bộ, các cấp chính quyền trong chỉ đạo phòng chống lũ, ngập lụt và người dân chủ động trong phòng, tránh lũ, ngập lụt nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai lũ gây ra.

BÀ hƯƠNG
Bà Huỳnh Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, thành viên Ban soạn thảo trình bày cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng cấp báo động lũ

Bà Huỳnh Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, thành viên Ban soạn thảo cho biết, việc xác định mức báo động về tình trạng lũ lụt ở các sông được xem là một biện pháp phi công trình rất hữu hiệu trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai lũ, lụt. Vì thế, các mức báo động lũ cần được xác định sao cho vừa đảm bảo tính hiệu quả tốt đối với công tác phục vụ như: cung cấp thông tin về tình hình lũ lụt, dự báo, cảnh báo lũ lụt; đồng thời phục vụ một cách đắc lực, có hiệu quả cho công tác chỉ đạo phòng chống lũ lụt.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá tác động của quy trình vận hành liên hồ chứa, ảnh hưởng của các hồ chứa đến việc xây dựng quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ.  

Theo bà Nguyễn Thị Thu Linh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, hiện nay, Cục đang tiến hành sửa đổi 5 quy trình vận hành liên hồ chứa. Việc bỏ ra, đưa vào hay thay đổi rất ảnh hưởng đến việc soạn thảo và ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa này.

TOÀN CẢNH 2
Toàn cảnh buổi làm việc

Nhấn mạnh tầm quan trọng của cấp báo động lũ đối với quy trình vận hành liên hồ chứa, bà Nguyễn Thị Thu Linh cho rằng, cần những luận giải rõ ràng cho các lưu vực sông khác nhau

Về vấn đề này, bà Huỳnh Lan Hương cho hay, kết quả rà soát, đánh giá lũ lụt và cấp báo động lũ đã nêu rõ. Chẳng hạn như, ở các tỉnh phía Bắc, lũ được kiểm soát tốt hơn bởi các hồ chứa và hệ thống đê, trong nhiều năm nay mực nước lũ ở mức thấp đến khoảng BĐI.

“Đối với các tỉnh từ Trung Trung Bộ đến vùng Nam Trung Bộ, lũ chủ yếu được kiểm soát bởi các hệ thống hồ chứa, nhưng rất hạn chế vì hầu hết các hộ không được thiết kế có dung tích phòng lũ, vùng không có hệ thống đê bảo vệ.  Hay như các tỉnh vùng Tây Nguyên, hệ thống hồ chứa lớn đã được xây dựng hoàn chỉnh phục vụ cắt giảm lũ nhanh trên sông chính”, Bà Hương chỉ rõ.

Tiếp thu tất cả các ý kiến của Ban soạn thảo, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Thành viên Ban soạn thảo kiêm Tổ phó Tổ Biên tập đánh giá, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước là một trong những quyết định quan trọng được lãnh đạo Bộ TN&MT giao Tổng cục KTTV phối hợp với các đơn vị liên quan sớm xây dựng và trình Chính phủ.

Ông Lê Thanh Hải cho hay, Tổ biên tập sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến về nội dung dự thảo, danh sách các trạm quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ và các văn bản thuộc hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ; cũng như việc lấy ý kiến góp ý của Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng tác động của quy trình vận hành liên hồ chứa trong xây dựng cấp báo động lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO