Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: Phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

25/05/2018 11:25

(TN&MT) – Thời gian qua, Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh có nhiều mô hình đột phá trong nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Địa phương này đã thu hút mạnh các...

 

 

(TN&MT) – Thời gian qua, Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh có nhiều mô hình đột phá trong nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Địa phương này đã thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển một cách hiệu quả và bền vững.
 

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2018 sắp diễn ra tại 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước. Nhân dịp này, phóng viên (PV) Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ môi trường biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 

H1
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung


PV: Xin ông giới thiệu một số thông tin cơ bản về biển Bạc Liêu?
 

Ông Dương Thành Trung: Bạc Liêu là tỉnh đồng bằng ven biển thuộc bán đảo Cà Mau, có chiều dài bờ biển 56km, với 16.000 ha bãi bồi ven biển, là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng các loài thủy sản. Bên cạnh đó, biển Bạc Liêu có ngư trường rộng lớn gần 40.000 km2 với trữ lượng hải sản, đa dạng phong phú về chủng loại, hoạt động khai thác thủy sản diễn ra quanh năm, là nơi có khả năng phát triển hậu cần nghề cá, có 04 cửa sông lớn thông ra biển. Hàng năm, sự bồi lấn biển ở Bạc Liêu ngày một tăng là điều kiện lý tưởng phát triển thêm quỹ đất; đồng thời, là yếu tố quan trọng đưa kinh tế biển của Bạc Liêu phát triển, mở rộng hợp tác quốc tế, bảo vệ quốc phòng an ninh.
 

Bạc Liêu có khí hậu tương đối ôn hòa, đất đai bằng phẳng, ít bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt... Vùng ven biển có lượng gió mạnh và khá ổn định, có nắng và gió hầu như quanh năm, cường độ bức xạ mặt trời bình quân hơn 5,0 kWh/m²/ngày, có rất nhiều tiềm năng để đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió với công suất lắp đặt đến năm 2020 là 401MW và đến năm 2030 là hơn 1.500MW.
 

Bên cạnh đó, tỉnh còn có tiềm năng phát triển du lịch biển bằng việc phát triển các công trình dự án như khu du lịch biển nhân tạo, khu du lịch tâm linh Quán âm Phật đài đã và đang phát triển hoàn thiện để thu hút khách du lịch.
 

H2
Nhà máy điện gió Bạc Liêu nằm trên vùng bãi bồi ven biển, tạo ra năng lượng sạch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương


PV: Trong thời gian qua, công tác quản lý biển trên địa bàn tỉnh Bạch Liêu có những thuận lợi, thách thức và khó khăn như thế nào, thưa ông?
 

Ông Dương Thành Trung: Về mặt thuận lợi: Trong thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và đơn vị chức năng có liên quan, cùng UBND huyện, thành phố vùng ven biển trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Biển và Hải đảo trên địa bàn tỉnh.
 

Đồng thời, Bạc Liêu là tỉnh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu mát mẻ quanh năm, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, bão. Có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên vùng biển, hệ sinh thái mặn lợ, hệ sinh thái nước ngọt, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đa dạng và thân thiện với môi trường. Nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ được chuyển giao cho ngư dân một cách kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân.
 

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, Bạc Liêu vẫn còn nhiều mặt khó khăn như: Tỉnh chưa có quy hoạch riêng về phát triển kinh tế - xã hội vùng biển; việc phân định ranh giới giữa kinh tế biển và kinh tế nội địa chưa rõ ràng, nên khi hoạch định các chính sách gặp nhiều khó khăn.
 

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển. Các vùng cửa sông, ven biển của tỉnh đang chịu ảnh hưởng của quá trình xói lở theo mùa, đặc biệt quá trình xói lở cửa sông ven biển thị trấn Gành Hào, khu du lịch Nhà Mát diễn ra khá mạnh. Các công trình dưới đê (các trục kênh thông ra biển) chưa được khép kín nên không đảm bảo ngăn chặn nước biển dâng khi có bão đổ bộ kết hợp với nước dâng. Một số khu vực đã và đang bị sạt lở nhưng vẫn chưa có công trình phòng chống sạt lở, do kinh phí quá cao trong khi ngân sách tỉnh không đáp ứng được.
 

Việc xây dựng khu kinh tế Gành Hào được chỉ đạo, triển khai tích cực; tỉnh đã chủ động xây dựng đề án, tuy nhiên đến nay tỉnh chỉ được Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương cho tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án, công trình thuộc khu kinh tế nhưng chưa được bổ sung vào quy hoạch khu kinh tế của Quốc gia. 
 

Mặc khác, công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên và môi trường biển liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều Bộ, ngành nhưng chưa có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện.
 

H3
Thu hoạch tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại Bạc Liêu


PV: Như vậy, tỉnh Bạc Liêu sẽ định hướng phát triển kinh tế biển trong những năm tới ra sao để vừa bảo đảm phát triển kinh tế biển bền vững, vừa bảo vệ môi trường biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?
 

Ông Dương Thành Trung: Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km, có 03 đơn vị hành chính ven biển, đó là huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải và TP. Bạc Liêu. Phía trong đất liền tại các huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, TP. Bạc Liêu chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, phát triển năng lượng điện mặt trời. Phía ngoài bãi bồi là phát triển năng lượng điện gió. Phía ngoài biển khơi phát triển du lịch biển.
 

Tỉnh Bạc Liêu định hướng phát triển kinh tế biển trong những năm tới tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột đó là: Nông nghiệp (trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), Công nghiệp (năng lượng tái tạo; điện gió, điện khí, điện mặt trời), Du lịch biển.
 

Về Nông nghiệp: Tập trung phát triển kinh tế biển và vùng Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu. Chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả. Xây dựng khu, vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi siêu thâm canh theo quy hoạch. Nâng cao vai trò của các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
 

Đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và Đề án“Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” nhằm làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020. Hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hạn chế tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt. Đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, tích cực góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh.
 

Đầu tư hoàn thiện tuyến đê biển Đông, các dự án thuộc Chương trình 667, các công trình kè chống sạt lở; hệ thống công trình ngăn triều, chống ngập; các dự án trồng rừng, gây bồi tạo bãi; kho dự trữ muối Quốc gia tại xã Điền Hải; Dự án khu dân cư tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu; khu neo đậu kết hợp cảng cá Nhà Mát, Cái Cùng; khu neo đậu tránh trú bão tại đảo Hòn Trứng.
 

H5
Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh có nhiều mô hình đột phá trong nuôi trồng và khai thác thủy hải sản


Về Công nghiệp: Chú trọng và ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo điện khí, điện gió, điện mặt trời. Tích cực mời gọi đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực ven biển và các khu đất kém hiệu quả, gần lưới truyền tải cao thế. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mở rộng Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III và các dự án điện gió, điện mặt trời vùng ven biển. Ngoài ra, gần đây có nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Energy Capital (Hoa Kỳ) tiếp cận, đề xuất dự án Nhà máy sản xuất điện khí LNG tại Bạc Liêu.
 

Về Du lịch: Tỉnh Bạc Liêu chủ trương mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt là phát triển tuyến du lịch biển từ thành phố Bạc Liêu đi Hòn Trứng đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).
 

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản. Tăng cường kiểm soát các hoạt động trên đất liền cũng như các hoạt động trên biển gây ô nhiễm và suy thoái môi trường tài nguyên biển. Nghiêm cấm triệt để việc đánh bắt hải sản ảnh hưởng môi sinh của sinh vật biển bằng các biện pháp hủy diệt.
 

Gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh. Chủ động quan hệ với các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và hoạt động khai thác, đánh bắt, mua bán thủy sản trên biển...
 

Có kế hoạch tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ biển để phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và các lực lượng khác làm tốt công tác tuần tra trên biển, khi tình hình phức tạp xảy ra cùng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên biển.
 

H4
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những định hướng phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu


PV: Nhân dịp Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2018 sắp diễn ra, ông có thể cho biết về các hoạt động thiết thực tại địa phương Bạc Liêu?
 

Ông Dương Thành Trung: Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hướng dẫn tố chức thực hiện các hoạt động “Tháng hành động vì môi trường”, hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 05/6, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và ngày Đại dương thế giới 08/6 trên địa bàn tỉnh với các nội dung thiết thực.   
 

Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược, tầm quan trọng của biển, đảo, việc khai thác bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường biển; cũng như công cuộc bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
 

Tổ chức mít tinh và ra quân hưởng ứng ở hai cấp tỉnh và huyện. Đối với cấp tỉnh, tổ chức Lễ mít tinh tại Khu du lịch Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu vào ngày 30/5/2018 với khoảng 1.000 người tham dự. Sau lễ mít tinh, tiến hành ra quân trồng cây xanh rừng ngập mặn ven biển, khơi thông dòng chảy, thu gom rác, làm vệ sinh, phát hoang bụi rậm tại nơi công cộng, thả tôm giống về biển để cải tạo và khôi phục nguồn lợi thủy sản.
 

Riêng ở cấp huyện, đồng loạt tổ chức mít tinh, ra quân làm sạch đường phố, thu gom và vớt rác trên các sông, kênh rạch, vùng cửa sông ven biển và ven biển. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, ra quân làm vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh nơi công cộng, địa bàn khu vực dân cư.
 

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thả động vật hoang dã về rừng, trồng cây xanh trên các trục giao thông chính, trên các bờ kênh thủy lợi, trường học, bệnh viện, trồng rừng ven biển…
 

Qua các hoạt động hưởng ứng đợt này, chúng tôi khẳng định rằng sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, cho toàn xã hội và từng người dân về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nói chung và của tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

                                                                       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: Phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO