Ngày 28/3 giờ địa phương (chiều cùng ngày giờ Việt Nam), tại Trụ sở Quốc hội, Thủ đô Rabat, Chủ tịch Hạ viện Morocco Habib El Malki và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiến hành hội đàm sau lễ đón chính thức. Hai Chủ tịch cũng đã gặp gỡ báo chí sau hội đàm. Hai Chủ tịch bày tỏ hài lòng và đánh giá cao những bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Morocco.
Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki nêu rõ, vị trí địa chính trị của Việt Nam hết sức quan trọng đối với Morocco bởi đây là một cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á và châu Á. Trong khi đó, vị trí địa chính trị của Morocco cũng đã làm cho Morocco trở thành một cánh cửa vào châu Phi. Điều này đã làm cho hai nước có những điểm hết sức tương đồng. Chủ tịch Hạ viện hy vọng, với sự tương đồng như vậy, Việt Nam và Maroc sẽ có điều kiện để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương; đề nghị, hai bên phải cùng nhau xem xét tất cả các cơ hội, tất cả các khả năng để có thể phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Thông báo với Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki một số nét về Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tình hình chính trị, xã hội tiếp tục giữ ổn định. Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%. Việt Nam đã ký kết, thực thi 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiện đang đàm phán 4 FTA đa phương và song phương. Việt Nam cũng sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA vào năm 2020 và đang ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi, trong đó Morocco là một đối tác ưu tiên tại khu vực Bắc Phi và mong muốn hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao. "Việt Nam rất mong được đón Quốc vương Morocco thăm Việt Nam trong thời gian tới nhằm thảo luận về hợp tác song phương; đồng thời tăng cường tình đoàn kết và sự hiểu biết giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước", Chủ tịch Quốc hội nói.
Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình Morocco và vui mừng về những thành tựu quan trọng mà nhân dân Morocco đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế trong thời gian qua. Tăng trưởng GDP đạt mức 3,6% năm 2018 đã giúp Morocco phát triển kinh tế năng động ở khu vực và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khách du lịch quốc tế.
Việt Nam đánh giá cao vai trò của Morocco trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; chúc mừng Morocco hoàn thành tốt vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 72 (9/2017-9/2018), nổi bật là việc chủ trì Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển, tạo đà cho việc thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên - văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư.
Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn sự phối hợp, ủng hộ của Maroc dành cho Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương như: Ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế Xã hội, công nhận kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam; khẳng định, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Morocco tại các diễn đàn quốc tế như ủng hộ Maroc tham gia Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Luật pháp quốc tế, Hội đồng điều hành Liên minh Bưu chính thế giới…
Với tư cách là thành viên Liên minh châu Phi (AU), Chủ tịch Quốc hội hy vọng Morocco sẽ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và AU, giúp sớm tiến hành thiết lập quan hệ chính thức trong thời gian tới. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối trong quan hệ giữa Morocco với các nước ASEAN.
Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cho biết, vô cùng vui mừng về sự hợp tác giữa hai nước trên trường quốc tế. "Chúng ta luôn có sự tham vấn, trao đổi quan điểm với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đây là điều vô cùng quan trọng để có thể có lập trường, quan điểm chung về những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm", Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki nhấn mạnh. Nhân dịp này, Chủ tịch Hạ viện cũng đề nghị Việt Nam ủng hộ Morocco trở thành quan sát viên của ASEAN.
Hai Chủ tịch đánh giá cao việc hai bên đã thiết lập cơ chế Ủy ban hỗn hợp và tham vấn chính trị giữa hai nước; nhất trí, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ LHQ, Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết; phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban Hỗn hợp và các cơ chế tham vấn chính trị giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường trao đổi Đoàn các cấp, nhất là đoàn Lãnh đạo cấp cao, thúc đẩy các chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Morocco, chuyến thăm Morocco của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam; thúc đẩy hợp tác địa phương, hướng tới việc xây dựng mối quan hệ hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh – Casablanca, Đà Nẵng – Tangier, Nha Trang – Agadir.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp chủ quyền cũng như lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); cảm ơn và mong muốn Maroc tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chính phủ và Nghị viện Morocco đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Morocco ổn định cuộc sống, hòa nhập với xã hội sở tại; khẳng định, cộng đồng người Việt Nam tại Morocco đã và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước.
Về hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Thúc đẩy, hỗ trợ kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt giữa các hiệp hội kinh doanh, trong lĩnh vực tiềm năng như thương mại, du lịch, tài chính, hướng tới thành lập một Hội đồng kinh doanh chung giữa hai nước; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường gặp gỡ, tổ chức hội thảo, diễn đàn, hội chợ quốc tế tại mỗi nước, trong các lĩnh vực hai Bên có nhiều tiềm năng hợp tác như nông nghiệp, khai khoáng, vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may, giầy dép, chế biến thực phẩm.
Hai Bên cũng cần thúc đẩy ký kết MOU giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số Morocco về việc thành lập Ủy ban hợp tác về thương mại, công nghiệp. Đánh giá cao hệ thống tài chính của Morocco với sự phát triển của Casablanca là trung tâm tài chính lớn thứ hai châu Phi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai bên thúc đẩy hợp tác ngân hàng, hệ thống thanh toán trực tiếp giữa ngân hàng thương mại hai nước và thông qua mạng lưới ngân hàng của Morocco tại châu Phi để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và làm cầu nối thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở châu Phi.
Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cho biết, rất ủng hộ và mong muốn các thỏa thuận hợp tác này sớm được ký kết. Với vai trò của mình, Hạ viện Morocco sẽ trực tiếp quan tâm đến vấn đề này để khi các thỏa thuận được ký kết sẽ được thực thi hiệu quả trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cũng nêu rõ, 4 văn bản hợp tác được các bộ và địa phương của hai nước ký trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tác động rất tích cực lên mối quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch Hạ viện đề nghị, cần phát huy vai trò của các Hiệp hội, Hội Hữu nghị Morocco–Việt Nam... để góp phần làm phong phú thêm nội hàm hợp tác giữa hai nước.
Hai Chủ tịch khẳng định, hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ Việt Nam-Morocco, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Trên tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao, các ủy ban, nhóm Nghị sĩ hữu nghị và nghị sĩ nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; phối hợp rà soát, giám sát việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết giữa Chính phủ và các bộ ngành hai nước; tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như IPU, APPF, APF và các tổ chức liên nghị viện khác.
Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki đề xuất, nên duy trì cơ chế thăm nhau cứ hai năm một lần của lãnh đạo Quốc hội hai nước, mỗi lần sẽ tổ chức hội thảo về một chủ đề cụ thể để có những nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm thực sự hữu ích giữa hai cơ quan lập pháp. Chủ tịch Hạ viện cũng cho rằng, hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị sẽ là một phương thức quan trọng để có thể tạo nên những nội dung làm phong phú hợp tác nghị viện. Bên cạnh đó, cần thiết lập các hội hữu nghị trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục để phát huy tính tương đồng về mặt lịch sử, phát huy được tầm quan trọng của địa chính trị giữa hai nước.
* Trước đó, tại Thủ đô Rabat, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta đã đến đặt vòng hoa và viếng Lăng Vua Mohammaed V.