Bất động sản

Chủ tịch Quảng Nam: Doanh nghiệp BĐS cần bình tĩnh, địa phương tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn

Lan Anh 25/02/2024 - 20:35

Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phản ánh đang gặp rất nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, doanh nghiệp cần bình tĩnh, cùng với việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, địa phương sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn để BĐS có cơ hội bứt phá.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực BĐS, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị,... để bàn loạt vấn đề nóng để tháo gỡ khó khăn.

Khó chồng khó

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận trong thời gian qua các hoạt động kinh tế của địa phương trong có có lĩnh vực BĐS gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều khó khăn xuất phát từ hệ thống pháp luật, tỉnh có muốn cũng làm không được hoặc không thể làm nhanh được để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp.

qnam.jpg
Quảng Nam tổ chức đối thoại với doanh nghiệp BĐS nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng lĩnh vực BĐS nói chung đang gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc kéo dài nhưng chưa thể giải quyết. Chủ yếu, các khó khăn xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, gia hạn tiến độ, thuế, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...

Theo ông Trần Xuân Đính, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt cho biết, hiện nay, trong Luật còn quá nhiều bất cập, nếu cứ áp dụng máy móc thì doanh nghiệp sẽ không bao giờ làm được. Nếu như giải phóng mặt bằng (GPMB) 100% mới cho làm sổ - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp không bao giờ làm được, vì như vậy doanh nghiệp sẽ không có đủ kinh phí để làm tiếp các giai đoạn của dự án.

qnam1.jpg
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS

Ngoài ra, ông Đính cũng đề cập đến vấn đề thủ tục, hồ sơ đã trình tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã nộp hồ sơ từ rất lâu nhưng không thể điều chỉnh dự án. Đây cũng là một nguyên nhân gây tắc cho dự án, ngoài ra còn có kiểm toán quy hoạch cũng gây tốn rất nhiều thời gian.

Cùng trao đổi, ông Lê Tự Tâm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thị xã Điện Bàn thông tin những khó khăn đã kéo dài từ giai đoạn Covid-19 đến nay chưa thể khắc phục và vẫn tiếp diễn thì lại tiếp tục đối mặt với áp lực từ thanh tra, kiểm tra. Nói về khó khăn, ông Tâm cho hay việc gia hạn tiến độ dự án đến nay vẫn chưa được cởi mở hơn với doanh nghiệp.

Theo đó, nếu tỉnh không có chủ trương gia hạn tiến độ thì các ngân hàng sẽ không cho vay. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trước đây đã vay tiền ngân hàng đóng vào ngân sách tỉnh rất nhiều, đến nay ngân hàng không cho vay nữa thì doanh nghiệp không có tiền trả lãi khiến ngân hàng đưa doanh nghiệp vào nhóm nợ vốn.

“Tỉnh Quảng Nam cần có cơ chế với các ngành, huyện đổi mới thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Công tác GPMB là vướng nhất, đề nghị từ cấp xã lên huyện thành lập Hội đồng đôn đốc GPMB để theo dõi bám sát công tác này. Với công tác GPMB, thanh tra kiểm tra nhiều cũng khiến cán bộ nản, làm ì ạch gây kéo dài”, ông Tâm nói.

Vị này cũng đề cập để việc áp giá bồi thường cũng gây ra khó khăn vì yêu cầu của người dân ngày càng thay đổi, cần hỗ trợ ban GPMB trong áp giá đền bù với dân. Thời gian qua người dân không chấp nhận kiểm đếm, đền bù, còn cưỡng chế thì rất chậm nên việc này không thể làm được.

qnam3.jpg
Các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phản ánh đang gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, ông Tâm đề nghị tỉnh Quảng Nam cho phép các dự án BĐS được phân kỳ đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt ban đầu. Cùng với đó, nhiều dự án sau khi được gia hạn tiến độ xong đã hết thời gian triển khai phải trở lại xin gia hạn, như vậy tạo ra vướng mắc.

Về vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nhiều doanh nghiệp đấu thầu trúng dự án nhưng chưa có chứng nhận nhà đầu tư, cần sớm có chứng nhận để hỗ trợ nhà đầu tư.

Tại buổi gặp mặt, ông Phan Minh Dũng, Bí thư Thị ủy Điện Bàn cho rằng đã có nhiều nguyên nhân liên quan đến cơ chế chính sách, nhất là công tác quản lý nhà nước. vẫn chưa có phương án cụ thể để tháo gỡ vấn đề này khiến doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn. Chỉ riêng vấn đề gia hạn tiến độ, ông Dũng cho rằng nhìn bề ngoài thì tổng thể đều cần nhưng mỗi dự án lại khác nhau, trong đó có vấn đề giữa người đầu tư và người không đầu tư.

“Quyền lợi của người dân và cơ chế chính sách phải gặp nhau chung một điểm. Nếu có phương án, sự phối hợp của doanh nghiệp, cơ quan ban ngành của địa phương cùng đồng lòng thì vướng mắc có thể tháo gỡ. Có thể thấy, công tác GPMB khi triển khai có ký Hợp đồng và khi làm có kế hoạch cụ thể trong điều kiện bình thường. Thế nhưng, đã có nhiều dự án triển khai suốt nhiều năm vẫn còn báo cáo gặp khó khăn do GPMB. Địa phương nhận trách nhiệm về vấn đề này, bởi GPMB là giải pháp đột phá để phát triển địa phương, nhưng sự nhiệt tình vẫn chưa có”, ông Dũng nói.

Luật đất đai 2024 sẽ giúp địa phương tháo gỡ khó khăn

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp BĐS đã được biết từ năm 2023 và địa phương đã tìm cách để tháo gỡ nhưng vẫn rất lúng túng, rất vướng. Theo ông Thanh, bức tranh triển khai đầu tư BĐS và vướng mắc chưa tháo gỡ được vì tính lịch sử, từ trước những năm 2000, Quảng Nam là một tỉnh lẻ, hạ tầng thiếu thốn, giao thông chưa kết nối.

Quảng Nam lúc ấy chưa phải mảnh đất màu mỡ để có thể thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp lớn đến với thị trường bất động sản. Vì vậy, tỉnh phải mời những doanh nghiệp nhỏ và vừa vào đầu tư các dự án bất động sản. Có dự án 10 hecta, 15 hecta, cũng có dự án chỉ có 2 hecta. Lắp ghép dần để hình thành đô thị. Hàng trăm doanh nghiệp, hàng trăm dự án được đầu tư thì có độ vênh. Từ đó xảy ra nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện.

Giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, tỉnh phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhiều lần cho các dự án, vì không điều chỉnh thì không triển khai được. Có giai đoạn tỉnh phải giải quyết chạy theo như vậy.

quangnam1.jpg
Quảng Nam tìm cách tháo gỡ khó khăn cho BĐS với hy vọng bứt phá trong năm nay

Ông Lê Trí Thanh cho biết, các cuộc thanh, kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều điều không đúng quy định, áp dụng pháp luật nhiều cái không đúng quy định tại tỉnh Quảng Nam. Phải xử lý kỷ luật cán bộ, yêu cầu phải khắc phục, đã được công bố công khai.

Ông Thanh cũng cho biết hiện nay Quảng Nam đang tập trung khắc phục mà Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra, cùng với đó là chờ Kết luận từ Thanh tra Chính phủ. Về kế hoạch, vị này cho hay các dự án không vướng mắc sẽ tiếp tục triển khai, còn lại những dự án vướng sẽ đưa vào kế hoạch để tập trung tháo gỡ.

“Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/1/2025 sẽ tháo gỡ các vướng mắc của Luật cũ, vì vậy các vướng mắc của Luật sau sẽ tháo gỡ vào năm sau, còn những vướng mắc làm được trong năm nay thì địa phương sẽ làm. Nếu tỉnh tháo gỡ được đúng thẩm quyền thì sẽ tháo gỡ, còn vượt thẩm quyền thì sẽ xin ý kiến cấp thẩm quyền.

Các doanh nghiệp cần bình tĩnh, chính quyền Quảng Nam bằng mọi cách có thể được, để có thể mỗi người một tay, một việc tháo gỡ khó khăn hiện nay, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam nói chung và BĐS nói riêng có cơ hội, hy vọng bứt phá trong năm nay”, Chủ tịch Quảng Nam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quảng Nam: Doanh nghiệp BĐS cần bình tĩnh, địa phương tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO