“Điệp khúc” ô nhiễm
Theo Ban quản lý âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, khu vực Thọ Quang hiện có hơn 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động, cùng với chợ đầu mối Thọ Quang. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản có hành vi xả thải ra môi trường.
Tính từ đầu năm 2012 đến nay, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý khoảng 20 trường hợp có hành vi xả thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Bên cạnh đó, lượng tàu thuyền vào nhiều, ngư dân xả rác xuống âu thuyền… khiến nguồn nước âu thuyền bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, các nhà máy chế biến đá, cơ sở đóng tàu cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xả rác thải xuống âu thuyền.
Tại khu vực bờ Tây âu thuyền, các cơ sở đóng, sửa chữa tàu bè trong quá trình hoạt động thải ra rất nhiều rác thải sinh hoạt: hà, dăm gỗ, xốp, dẻ lau, sơn,.. Một số doanh nghiệp lại cố tình không kí hợp đồng thu gom rác với công ty vệ sinh môi trường, tự ý xả rác thải ra khu vực xung quanh.
Sau mỗi đợt mưa lũ, ban quản lý phải tiến hành thu gom 2 - 3 ngày mới hoàn thành. Từ năm 2015 đến nay, việc thu gom rác thải thuộc trách nhiệm của công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, tuy nhiên công tác này không mang lại nhiều hiệu quả do ý thức tự giác của các chủ tàu thuyền còn kém.
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản có hành vi xả thải ra môi trường |
Hầu hết các tàu cá chưa có nhà vệ sinh, thường phóng uế bừa bãi xuống cảng. Địa bàn âu thuyền rộng, tàu thuyền hoạt động ban đêm khó kiểm soát. Trong khi, từ trước đến nay, ban quản lý không tổ chức thu tiền dịch vụ thu gom rác thải đối với các tàu cá neo đậu do việc triển khai ngoài sông nước khó khăn, nhiều tàu cá trốn tránh.
Một yếu tố gây đau đầu các nhà quản lý bởi nó là nguyên nhân chính gây nên mùi hôi nồng nặc của khu vực âu thuyền nhưng lại khó xử lý là vấn đề nước thải. Hiện nay, ở khu vực âu thuyền đã vận hành 2 trạm xử lý nước thải nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng nước sau khi xử lý. Việc nạo vét bùn lưu cữu chưa được xử lý thường xuyên. Các mức hình phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn còn nhẹ, bỏ sót.
Rà soát lại toàn bộ hệ thống XLNT
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát việc xử lý chất lượng nước thải sau xử lý của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tại 8 cửa xả trước khi đổ vào âu thuyền Thọ Quang.
Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đấu nối, thu gom nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và yêu cầu các đơn vị làm đúng theo thỏa thuận đấu nối, thiết kế ban đầu đã phê duyệt, nghiêm cấm việc tự ý chỉnh sửa, xây dựng không đúng thiết kế (trường hợp có nhu cầu chỉnh sửa, đơn vị phải có văn bản báo cáo và được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền); yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp có trách nhiệm xử lý cục bộ nước thải của đơn vị, bảo đảm xử lý đạt yêu cầu trước khi đưa nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát việc xử lý chất lượng nước thải sau xử lý của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tại 8 cửa xả trước khi đổ vào âu thuyền Thọ Quang |
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước thải đầu ra tại hố ga của các doanh nghiệp bảo đảm theo yêu cầu về môi trường và xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm đúng quy định.
Đối với chợ đầu mối Thọ Quang, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu ngành thủy sản tăng cường các biện pháp xử lý ô nhiễm, hạn chế thấp nhất mùi hôi. Đối với các cơ sở đóng tàu gây ô nhiễm, giao quận Sơn Trà có trách nhiệm để xử lý.
Bài & ảnh: Xuân Lam