Chủ động với thiên tai bất thường

21/07/2016 00:00

(TN&MT) - Nửa đầu năm 2016, thời tiết diễn biến có nhiều bất thường. Chủ động theo dõi, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo là cách mà toàn bộ hệ thống các cơ quan thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thực hiện để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời tiết bất thường

Theo tổng kết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, thủy văn trên cả nước có nhiều bất thường, tình trạng khô hạn, thiếu nước đã xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2, cấp 3; tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng Nam Bộ diễn ra gay gắt với độ mặn phổ biến ở mức lớn hơn so với cùng thời kỳ năm 2015 và trung bình nhiều năm (TBNN) gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong khi Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ hạn hán, lũ trái mùa lại xuất hiện trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình vào tháng 4/2016. Ngoài ra, còn 7 đợt mưa lớn trên diện rộng đã xảy ra.

Nửa đầu năm 2016, có 12 đợt không khí lạnh, 5 đợt rét đậm, rét hại, trong đó, đợt rét hại kỷ lục vào cuối tháng 1/2016 đã làm nhiệt độ ở nhiều nơi xuống dưới 0oC.

Đối lập với rét đậm, rét hại, năm nay, nắng nóng tuy xuất hiện muộn, nhưng đã ghi nhận 8 đợt nắng nóng gay gắt diện rộng, kéo dài và tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bắc Bộ trở vào đến Phú Yên, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Nắng nóng sẽ còn tiếp tục diễn ra trong các tháng tới với cường độ gay gắt hơn. Điều này được cho là một biểu hiện của biến đổi khí hậu. Cũng do biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp và bất thường, chỉ trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6), trên địa bàn cả nước, đã xảy ra hơn 100 trận dông, tố lốc và mưa đá.

Chủ động theo dõi, dự báo

Với yêu cầu ngày càng cao đối với công tác dự báo, các cơ quan thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tăng cường công tác này, để kết quả cảnh báo, dự báo thời tiết khí hậu trở thành cơ sở quan trọng cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài việc thông tin thời tiết thường kỳ, Trung tâm còn theo dõi chặt chẽ và xây dựng báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; dự báo phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp, Quốc hội khóa XIV và các ngày lễ lớn của đất nước; duy trì các bản tin cảnh báo dông sét; ra các bản tin phục vụ vận hành các hồ thủy điện từ đầu tháng 5/2016.

Để đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai hàng loạt các dự án liên quan. Đó là: Dự án “Xây dựng công nghệ cảnh báo úng ngập thời gian thực cho nội thành Hà Nội”; Dự án WB5 “Tăng cường hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo sớm”; Dự án “Tăng cường năng lực đối phó thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra”; Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, bão và giông, sét của Trung tâm KTTV Quốc gia”; Dự án “Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai tại Đài KTTV khu vực Đông Bắc”; Dự án “Tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo lũ lụt ở Việt Nam”.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam triển khai thử nghiệm hợp tác truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai bằng tin nhắn cho các thuê bao di động trên địa bàn Hà Nội.

Nâng chất lượng điều tra cơ bản

Yếu tố làm nên kết quả dự báo chính xác, kịp thời là những số liệu ghi nhận được từ mạng lưới trạm trên toàn quốc. Mạng lưới trạm với mật độ dày, ghi được nhiều số liệu thời gian thực, công nghệ đo hiện đại sẽ làm nên những số liệu nền tốt.

Thế nhưng thực tế hiện nay, mạng lưới trạm quan trắc một số vùng còn rất thưa; quan trắc thủ công, không đồng bộ; chế độ dòng chảy tại các trạm thủy văn bị ảnh hưởng của hồ chứa thay đổi nên việc quan trắc gặp nhiều khó khăn. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh nên tình hình vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật trạm KTTV trên phạm vi cả nước vẫn còn diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng công trình nên nhiều công trình trạm KTTV bị xuống cấp, hư hỏng.

Dần khắc phục những hạn chế của mạng lưới trạm, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã nỗ lực duy trì mạng lưới trạm hoạt động ổn định trên cả nước.

6 tháng qua, đã có thêm 5 trạm KTTV thành lập mới, nâng cấp vào hoạt động chính thức là Trạm Thủy văn Đầu Đẳng, Cầu Phà, Vĩnh Tuy, Quảng Cư và Trạm Khí tượng Việt Trì. Chất lượng điều tra cơ bản được đảm bảo; sổ sách, báo biểu tại các trạm được cập nhật đầy đủ, đúng quy định. Mạng lưới trạm thám không vô tuyến, đo gió trên cao và đo tổng lượng ozon-bức xạ cực tím quan trắc liên tục, đạt các chỉ tiêu kế hoạch. Mạng lưới ra đa thời tiết hoạt động tương đối ổn định, đáp ứng yêu cầu quan trắc phục vụ dự báo KTTV.

Trung tâm đang thực hiện nhiều dự án đầu tư từ các nguồn kinh phí trong và ngoài nước để ken dầy mạng lưới trạm KTTV theo hướng tự động hóa và tăng cường trang thiết bị, hiện đại hóa công nghệ dự báo, nâng cao chất lượng dự báo KTTV.

Theo một báo cáo mới nhất của tổ chức Health and Environment International Trust thuộc Liên Hợp Quốc, có đến 43 quốc gia, đặc biệt là những nước ở Châu Á sẽ suy giảm về kinh tế do nắng nóng và thay đổi khí hậu. Với Việt Nam, nắng nóng có thể khiến GDP mất khoảng gần 6%, trong khi những thiên tai khác khiến GDP mất gần 11% tính đến năm 2030.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động với thiên tai bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO