Chủ động ứng phó lũ quét và trượt lở

05/10/2017 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, sạt lở đất và lũ quét trở thành nỗi ám ảnh của người dân vùng núi phía Bắc bởi sự gia tăng cả về tần suất xuất hiện và mức độ tàn phá. Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 47 người chết do loại hình thiên tai này.

Qua thống kê giai đoạn từ năm 1979 – 1999 ở nước ta, số trận lũ quét chỉ dừng ở mức trên dưới 10 trận trong 1 thập kỉ. Tuy vậy, từ năm 2000 trở lại đây, đã có hơn 150 trận lũ quét xảy ra. Đặc biệt, năm 2014 và 2016, số lượng tăng đột biến lên khoảng 30 trận/năm.

Hơn 36 nghìn hộ dân nằm trong khu vực kém an toàn

Thiệt hại từ trượt lở, lũ quét chủ yếu do hội tụ các nguyên nhân như mưa có cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn ở những khu vực có độ dốc cao, địa hình kém ổn định, tốc độ dòng chảy mạnh với sức công phá lớn. Ngoài ra, hoạt động khai thác dưới lưu vực, chặt phá rừng, xây dựng các hồ thủy điện, cắt xẻ, san gặt sườn đồi, núi… dẫn đến tàn phá thảm thực vật, thay đổi mực nước ngầm, mất ổn định sườn dốc, làm yếu đi độ lien kết đất đá và tăng hiện tượng xói mòn. Người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thường làm nhà, tụ tập làng, bản ở các khu vực sông suối nhỏ nên rất dễ gặp bất trắc khi lũ quét bất ngờ.

Qua triển khai đánh giá nhanh về chỗ ở an toàn khu vực miền núi, thống kê sơ bộ các địa phương gửi về Tổng cục Phòng chống thiên tai cho thấy, còn hơn 36 nghìn hộ dân nằm trong khu vực kém an toàn. Khoảng 1.700 hộ cần phải di dời khẩn cấp. Các địa phương bước đầu đã bố trí đất ở mới cho các hộ dân nhưng quỹ đất đất eo hẹp, người dân vẫn chưa có sinh kế ổn định tại nơi ở mới.

Triển khai chương trình phòng chống thiên tai tổng thể

Theo ông Trần Xuân Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), định hướng công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới là xây dựng và triển khai Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh, tập trung vào lũ quét và sạt lở đất tại 18 tỉnh.

Chương trình sẽ từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, các địa phương sẽ đề xuất và triển khai các giải pháp công trình tại vùng có nguy cơ cao. Cụ thể là thực hiện di dân, tái định cư theo Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống dân cư của Thủ tướng Chính phủ. Kết hợp di dân vùng thiên tai với việc đánh giá về điều kiện đảm bảo an toàn trước thiên tai, vấn đề sinh kế bền vững cho người dân tại nơi ở mới. Một số biện pháp công trình phòng chống lũ quét, sạt lở đất sẽ được xây dựng thí điểm tại các khu vực trọng điểm không có điều kiện di dời dân cư vì các lý do kinh tế - xã hội, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng…

Bên cạnh đó, các giải pháp phi công trình cũng được tính đến. Thời gian tới, các cơ quan có liên quan sẽ cùng phối hợp với các địa phương tăng cường truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Chú trọng công tác nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; tăng cường hệ thống quan trắc, đo mưa chuyên dùng. Xây dựng và chuyển giao các bản đồ phân vùng nguy cơ sạt trượt đất đá, nguy cơ lũ quét (tỉ lệ lớn và chi tiết đến cấp xã). Tổ chức đánh giá, phân loại nhà an toàn làm cơ sở thực hiện di dân và hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai. Thiết lập hệ thống cảnh báo và sơ tán dân phòng tránh lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cộng đồng an toàn gắn với thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn đối với thiên tai trong xây dựng nông thông mới.

Để thực hiện thành công chương trình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT Hoằng Văn Thắng khẳng định, việc này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương. Cần có cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Dân tộc, Ban chỉ đạo Tây Bắc trong phòng chống thiên tai, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu.

Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 49 người thiệt mạng do lũ quét và sạt lở (cả năm 2016 có 31 người). Chỉ tính riêng 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, cơn lũ lịch sử hồi đầu tháng 8/2017 đã làm 42 người thiệt mạng và mất tích; làm đổ sập và cuốn trôi 239 ngôi nhà, gần 400 hộ phải di dời, tổng thiệt hại lên tới 1.400 tỷ đồng. Nghiêm trọng nhất là bản Nặm Păm (Sơn La) và thị trấn Mù Căng Chải (Yên Bái).

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó lũ quét và trượt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO