Chủ động trước diễn biến bão phức tạp

31/07/2019 16:45

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã gửi công điện tới Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng, khu vực Bắc Bộ và các Bộ liên quan.

ảnh đường đi và vị trí cơn bão
Đường đi của bão số 3

Công điện yêu cầu các cơ quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và chủ động các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ. 

Theo TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, các phân tích và dự báo hiện nay cho thấy, khả năng cao nhất là bão số 3 di chuyển về bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó xuống khu vực Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên và đổ bộ vào khu vực các tỉnh Bắc Bộ. Song vẫn có khả năng bão di chuyển dọc biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như men theo khu vực ven biển di chuyển xuống đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Dù có nhiều kịch bản khác nhau về cường độ và quỹ đạo, tuy nhiên có thể khẳng định, bão số 3 sẽ gây một đợt mưa to đến rất to cho các tỉnh Bắc Bộ, trước tiên ở Đông Bắc, sau đó mở rộng ra khu vực Việt Bắc, Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, cùng với một phần Thanh Hóa đến Nghệ An.

Mưa to nhất xảy ra trong khoảng đêm ngày 2 sang ngày 3/8. Mưa với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn có thể gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là Tây Bắc và khu vực dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra, mưa to cũng có thể gây ngập úng ở vùng trũng và các khu vực đô thị.


Ở trên biển, cần tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả tàu vận tải và du lịch). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ở nơi tránh trú, cũng như khách du lịch trên các đảo. Tùy tình hình cụ thể mà địa phương thực hiện cấm biển.

Khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, khu vực khai khoáng, sông, suối. Thực hiện dự trữ lượng thực, nhu yếu phẩm, nước sạch và thuốc men theo phương châm 4 tại chỗ; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, tàu vượt biển để đảm bảo an toàn trong thời gian bão đổ bộ.

Các địa phương cũng kiểm tra, rà soát và sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản; hệ thống đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu, bị sự cố hay đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu và khắc phục kịp thời sự cố.

Khu vực miền núi và trung du tập trung rà soát các khu dân cư có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân, đặc biệt là những khu vực có mưa to thời gian qua. Kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu đang thi công sửa chữa và việc vận hành các thủy điện nhỏ. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Các địa phương cũng sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn công trình phòng chống lũ theo cấp báo động, đồng thời, tổ chức tuần tra, canh gác theo quy định…

Thường trực BCĐ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời đôn đốc các BCH các Bộ, ngành, địa phương phù hợp với diễn biến bão. Các Bộ triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo đúng yêu cầu của BCĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động trước diễn biến bão phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO