Chủ động nguồn nước - an toàn hồ đập đảm bảo cho phát triển bền vững

Thanh Tùng - Khương Trung - (thực hiện)| 09/06/2022 08:31

(TN&MT) - An ninh nguồn nước là loại hình an ninh phi truyền thống, liên quan đến các yếu tố tự nhiên xuyên biên giới, có tác động đến sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhằm làm rõ thêm vấn đề an ninh nguồn nước với Việt Nam hiện nay.

PV: Thưa bà, trong bối cảnh hiện nay, an ninh nguồn nước có vai trò như thế nào đối với mỗi Quốc gia?

5-2-.jpg

An ninh nguồn nước có vai trò rất quan trọng đối với mỗi Quốc gia. Ảnh: TTXVN

Vấn đề an ninh nguồn nước cần phải xác định một cách căn cơ, phải hành động khẩn cấp. Bởi lẽ, nước và an ninh, quốc phòng, môi trường có mối quan hệ rất chặt chẽ. Sự khan hiếm về nước là cực kỳ nhạy cảm, nó rất dễ tạo ra bất ổn, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh... Cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước; khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân

Bà Nguyễn Thị Xuân: Lịch sử phát triển của nhân loại luôn gắn liền với việc sử dụng nguồn nước. Hiện nay, nước đã trở thành loại tài nguyên chiến lược nhưng đang bị suy thoái trầm trọng. Theo ước tính, đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,8 tỷ người sống ở các khu vực hoặc quốc gia khan hiếm nước, đến năm 2030 gần 50% dân số nằm trong vùng căng thẳng cao về nước.

Qua thực tiễn, tôi thấy vấn đề an ninh nguồn nước cần phải xác định một cách căn cơ, phải hành động khẩn cấp. Bởi lẽ, nước và an ninh, quốc phòng, môi trường có mối quan hệ rất chặt chẽ. Sự khan hiếm về nước là cực kỳ nhạy cảm, nó rất dễ tạo ra bất ổn, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh.

Có nhiều kiểu mất an ninh môi trường liên quan đến nước. Đó có thể là những cuộc xung đột vũ trang công khai, tuy ít xảy ra; thương thuyết, đàm phán căng thẳng giữa các Quốc gia về chia sẻ nguồn nước; tranh chấp cộng đồng về chiếm dụng nguồn nước ở nhiều nước nông nghiệp bị phê phán vì đã dùng quá nhiều nước nhưng đóng góp cho nền kinh tế lại không đáng kể; sử dụng nguồn nước như một công cụ chiến tranh, như xâm chiếm, ngăn chặn, phá hủy các nguồn nước, làm cho đối thủ dưới hạ nguồn khốn đốn.

Cuộc chiến tranh giành nước là cuộc chiến không có hồi kết. Trong trường hợp mối quan hệ với các nước trong cùng lưu vực có vấn đề thì những Quốc gia ở đầu nguồn các dòng sông có rất nhiều ưu thế trong việc hạn chế khối lượng nước cho các Quốc gia hay các vùng dưới hạ lưu. Một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nước quá cảnh hay không có ưu thế về nước quá cảnh, thì nguy cơ mất an ninh nguồn nước càng cao.

PV: Việt Nam được đánh giá là Quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào, tuy nhiên, nguồn nước lại chủ yếu được sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Trong bối cảnh đó, bà đánh giá thế nào về vấn đề an ninh nguồn nước của đất nước ta hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Xuân: An ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, cải thiện môi trường, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh. Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là yêu cầu tất yếu khách quan, là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Việt Nam may mắn là đất nước khá dồi dào về tài nguyên nước. Tuy nhiên, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia, 63% khoảng 5000 tỷ m3 trên năm được sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Trong khi tổng nhu cầu nước của nước ta lại tăng cao theo từng năm. Không những vậy, các Quốc gia thượng nguồn có xu hướng tăng cường đầu tư xây dựng các hồ chứa thủy điện, cấp nước cho sản xuất, dân sinh trong và ngoài lưu vực sông làm trầm trọng tình trạng lũ, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển và ô nhiễm, suy thoái nguồn nước ở Việt Nam.

Trong khi đó, các công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn. Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao, khoảng 25%. Công suất khai thác nước thực tế còn thấp so với năng lực thiết kế. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước cùng với tác động của phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số đô thị sẽ là thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn cấp nước. Những trận hạn hán và lũ lụt dữ dội trong những năm gần đây ở miền Trung cho thấy khả năng chủ động nguồn nước ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập.

Việt Nam có hàng trăm lưu vực sông nhỏ và 23 lưu vực sông lớn có diện tích từ trên 1000 km ở mỗi lưu vực nhưng hầu hết các dòng sông đã bị ô nhiễm do xả thải công nghiệp, khai mỏ và dư lượng hóa chất nông nghiệp. Sự thiếu tính toán khoa học trong việc xây dựng quá nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ nhiều chục năm qua cho đến nay vẫn để lại những hậu quả không mong muốn. Bên cạnh đó, hiện cả nước có 7.808 đập, hồ chứa nước với dung tích khoảng 70,5 tỷ m3 nhưng công tác bảo trì chưa được quan tâm thường xuyên nên công trình bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

PV: Trước thực trạng trên, đâu là giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước cho đất nước ta, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Xuân: Những bài học của thế giới về các xung đột môi trường liên quan đến nguồn nước đối với chúng ta chắc chắn không bao giờ cũ. Mới đây, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện đề án đang trình Bộ Chính trị. Đây là sự chủ động, tích cực, cần thiết, khách quan của Chính phủ và chúng ta đã đặt vị trí an ninh nguồn nước đúng tầm quan trọng vốn có của nó.

Tôi nhất trí với quan điểm của Bộ NN&PTNT về sự cần thiết, khách quan phải bảo đảm an toàn hồ đập, hồ chứa nước và xác định đây là vấn đề cấp bách, cần được ưu tiên quan tâm. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ sau khi các kết luận của Bộ Chính trị về đề án này cần tập trung xây dựng các giải pháp để thực hiện, trong đó có giải pháp tập trung nguồn lực để triển khai đề án sớm nhất và hiệu quả cao nhất.

Những giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước lúc này, theo tôi là cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước; khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước. Đồng thời, ngân sách Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên xây dựng công trình về nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, cần rà soát, đánh giá lại công năng, nhiệm vụ, quy trình vận hành của đập, hồ chứa nước, tăng năng lực trữ nước, ứng phó với mưa lũ cực đoan, vận hành theo thời gian thực và hướng tới phục vụ đa mục tiêu. Nâng cao hiệu quả sử dụng dung tích hồ chứa, điều tiết cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để quản lý chất lượng trong thiết kế, thi công dự án sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới đập, hồ chứa nước.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động nguồn nước - an toàn hồ đập đảm bảo cho phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO