Dự cuộc họp có Tổng thư ký Hội KTTV Việt Nam Lê Thanh Hải; các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng.
Dự giao ban trực tuyến có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT: Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước... cùng các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở Trung ương.
Tham dự cuộc họp trực tuyến từ các đầu cầu có các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và Đài KTTV các tỉnh: Đắc Lắc, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Bình Định, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Phó trưởng Ban Chỉ đạo PCTT Bộ TN&MT phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV quan ngại việc hiện nay một số trang mạng xã hội trích dẫn và đăng tải thông tin diễn biến cơn bão số 6 không đúng với bản tin chính thức của ngành KTTV. Điều này có thể ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai của các Bộ, ngành, địa phương.
Chính vì vậy, ông Thái đề nghị hệ thống dự báo quốc gia chủ động cập nhật, cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và các đơn vị truyền thông; đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai đạt hiệu quả. Tránh trường trường hợp hiểu sai, hiểu chưa đúng về bản chất thực tế của bản tin dự báo khí tượng thủy văn.
Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội ở các khu vực có thể chịu tác động của bão, tránh tạo tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát biểu tại cuộc họp |
Về điều này, ông Thái cũng đề nghị trong các bản tin dự báo cần nêu rõ cơn bão tạm thời giữ cấp đổ bộ là cấp 9,10; nhưng phải nhấn mạnh thêm vùng biển đặc biệt nguy hiểm có thể đạt cấp 12, giật cấp 14-15. Đồng thời, nêu rõ thông tin “khi bão đổ bộ vào bờ sẽ còn nhiều biến động” trong các bản tin và tiếp tục bám sát diễn biến tình hình cơn bão.
Ông Thái cũng lưu ý một điểm quan trọng, mới một tuần trôi qua sau cơn bão số 5, các tỉnh trực tiếp chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5 cũng là những địa phương trọng điểm chịu tác động của cơn bão lần này. Các đơn vị cần cảnh giác vấn đề này và truyền tải thông tin đến Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh một cách rõ ràng nhất.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến, các chuyên gia dự báo đã phân tích diễn biến đường đi, hướng di chuyển, tình hình mưa, vùng tác động của bão số 6... Các chuyên gia thống nhất dự báo, đến 16 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 170km về phía Bắc Tây Bắc, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 430km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Đường đi và vị trí bão số 6 cập nhật tại bản tin lúc 17h của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. |
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 10,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông.
Đến 16 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Theo các chuyên gia dự báo, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 15. Sóng biển cao từ 7-8m; biển động dữ dội. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Với những phân tích trên, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, khoảng đêm ngày 10/11 bão sẽ đi vào đất liền, trọng tâm ở khu vực Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định với cường độ mạnh cấp 9, 10, giật cấp 12.
Toàn cảnh cuộc họp |
Theo ông Khiêm, có thể từ chiều tối ngày mai (09/11), mưa bắt đầu xuất hiện ở khu vực ven biển và kéo dài đến trưa chiều ngày 11/11 với lượng mưa phổ biến từ 200-350 mm, cục bộ một số nơi có thể lớn hơn; trọng tâm mưa là các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Do hoàn lưu bão lớn nên mưa có thể mở rộng ra đến Thừa Thiên Huế, phía bắc Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên với lượng mưa phổ biến 100-150mm.
Ông Khiêm lưu ý thêm, sau khi bão đi qua, do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông nên có thể xuất hiện đợt mưa ở khu vực Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Với kịch bản như vậy, các chuyên gia dự báo tính toán lũ có thể lên BĐ 2, BĐ 3 ở khu vực các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, phía bắc Khánh Hòa. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào tình hình mưa, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sẽ cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Với những nhận định trên, ông Khiêm đề nghị các Đài KTTV Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ nếu bão số 6 có diễn biến phức tạp, ngoài bản tin thông thường thì làm thêm các bản tin riêng biệt, bản tin chuyên đề về diễn biến gió mạnh, sóng, vùng tác động để các địa phương chịu tác động trực tiếp có phương án ứng phó kịp thời.