Chống rác thải nhựa không thể đơn lẻ: Tạo sức lan tỏa lớn

27/04/2019 19:57

(TN&MT) - Sức lan tỏa của Phong trào “Chống rác thải nhựa” rất lớn, chỉ trong thời gian ngắn, đã tác động đến nhận thức của người dân và biến nó thành hành động.

12 (1)
Bộ TN&MT đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo. Ảnh: Hoàng Minh


Thay đổi từ Bộ, ngành, địa phương

Đi tiên phong trong chống rác thải nhựa, Bộ TN&MT đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các hội nghị, hội thảo. Hầu hết các cơ quan trọng Bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động hàng ngày. Bộ TN&MT đã hướng dẫn các đơn vị, đối tác, người hưởng lợi từ hoạt động dự án… không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ban hành Văn bản số 4907/BTNMT-TĐKTTT phát động Phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông” thúc đẩy cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong ngành vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần. Những tập thể, cá nhân làm tốt sẽ được khen thưởng.

Bộ KH&CN đã thay thế chai nước khoáng nhựa bằng các bình inox dùng nhiều lần, để giảm bớt phần nào rác thải công sở.

UBND các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Đà Nẵng, Khánh Hòa… đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; rà soát hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa tại các văn phòng, qua đó, thay đổi cách thức hoạt động của văn phòng để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa; huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.

Đặc biệt, Sở TN&MT Thái Nguyên còn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Cuộc thi “Tái chế nhựa phế liệu”. Cuộc thi đã nhận được sự tham gia đông đảo của các em học sinh, sinh viên, công nhân viên các công ty trên địa bàn tỉnh, đã lựa chọn được 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải…

… Đến các doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cũng ký bản cam kết chống rác thải nhựa như: Công ty CP dịch vụ thương mại Tổng hợp Vincommerce - VINMART, Công ty AEON Việt Nam, Tập đoàn Central Group Việt triển khai nhiều hành động thiết thực để hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phát động. BigC, Công ty TNHH Lavie, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty TNHH Sam Sung Electronics Thái Nguyên, Công ty Le Bros, Tập đoàn An Phát Holdings, Tập đoàn VIDEC Group, Công ty New Cater Software, Quỹ Tree Chain Network…

Các đơn vị này đã triển khai nhiều hành động thiết thực để hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa. “Đơn cử, Siêu thị Co.opmart, Big C… đã gói thực phẩm bằng lá chuối thay cho túi ni lông; sử dụng túi phân hủy sinh học làm từ ngô. Tháng 5 tới hệ thống Saigon Co.op sẽ ngừng bán ống hút nhựa tại hơn 600 siêu thị. Ngoài ra, còn chủ động loại bỏ các loại ống hút nhựa đính kèm cùng các sản phẩm hàng nhãn riêng yêu cầu các gian hàng thuê mặt bằng trong khu tự doanh hạn chế tối đa sử dụng ống hút nhựa. Đây là hệ thống bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam đưa ra quyết định táo bạo, nhằm hướng đến chiến dịch bảo vệ môi trường mới thông qua hành vi tiêu dùng trên kênh bán lẻ hiện đại trên cả nước.

Tại Việt Nam, ngày 9/9 hàng năm là “Ngày Không túi ni lông - The Nature Day". Hoạt động này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 9/9/2009 tại Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, với mục đích giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch cho thế hệ sau.


Lan tỏa tới người dân

Người tiêu dùng đã bước đầu nhận thấy tác hại của rác thải nhựa và dần dần thay đổi nhận thức. Điều này được thể hiện thông qua những việc làm cụ thể như tại các quán ăn người dân dùng ống hút bằng giấy, bằng tre để thay thế ống hút nhựa; nhiều người đi chợ đã mang theo làn đựng đồ để hạn chế sử dụng túi ni lông.

Ở các chợ cóc hiện nay hình ảnh các bà, các cô… sử dụng làn để đựng đồ trở nên quen thuộc. Có mặt tại chợ Hương Ngải (huyện Thạch Thất) vào một buổi sáng, nhận thấy trên tay ai nấy đều xách chiếc làn đứng chọn mua hàng. Được biết, từ đầu năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch Thất đã chủ động triển khai mô hình “làn nhựa đi chợ” và trao tặng trao 1.698 làn nhựa cho hội viên phụ nữ thực hiện mô hình tại các Chi hội. Sau gần một năm triển khai, hiện mô hình đã nhân rộng ra gần khắp các chi hội phụ nữ cơ sở. Nhờ thực hiện mô hình này, trung bình mỗi ngày, mỗi hội viên phụ nữ giảm được 5 chiếc túi ni lông vứt ra môi trường.

Tương tự ở phường Bến Thủy (TP. Vinh), ở Hội An, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đâu đâu cũng thấy làn nhựa và những chiếc túi sử dụng nhiều lần. Không những thế, chị em còn sáng kiến dùng thêm hộp nhựa để đựng riêng các loại thực phẩm, khá tiện lợi và tiết kiệm.

Với các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trên khắp cả nước, những phong trào tự phát qua mạng xã hội. Những ngày này, trên nhiều tỉnh thành Việt Nam; từ Bắc vào Nam, những người trẻ cùng nhau dọn dẹp và thu gom rác thải. Bắt đầu có những chuyển dịch tích cực về nhận thức trong giới trẻ Việt Nam.

… Đi vào trong trường học

 Gần một năm nay, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ đặt ra nguyên tắc: “Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa”, khuyến khích học sinh và giáo viên nhà trường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhà trường không cấm mà vận động mọi người hưởng ứng "3 không" - Không ly nhựa, không hộp xốp, không túi ni lông. Đi đầu là các thầy cô, các thầy cô trong trường luôn có bên mình bình giữ nhiệt đựng nước uống, không dùng ống hút nhựa, thậm chí, cơm mua bên ngoài cũng mang hộp từ nhà theo mua để làm gương cho học sinh.

Không còn là phong trào mang tính tự phát, ĐH Mở TP. HCM đã ra quyết định không sử dụng ước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa, các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa trong tất cả các cuộc họp tại trường. Để thực hiện hiệu quả quy định này, trường tặng bình nước uống sử dụng được nhiều lần cho cán bộ, viên chức, giảng viên. Yêu cầu từ ngày 15/5, tất cả phòng học ngưng phục vụ nước uống đóng chai nhựa cho giảng viên. Giảng viên dùng bình nước cá nhân hoặc bình do trường cấp để lấy nước uống tại phòng giáo viên hoặc phòng trực giảng đường.

Để lan tỏa thông điệp “Giảm chai nhựa - lựa sống xanh”, gần 2.000 học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và các cán bộ nhân viên của trường Phổ thông liên cấp Olympia cũng tham gia Ngày hội đi bộ “The Green WALKATHON”. Xuyên suốt sự kiện, chủ đề “Giảm chai nhựa - lựa sống xanh” được hiện thực hóa qua các hoạt động, trò chơi, thử thách như: tái chế chai nhựa bỏ đi thành chậu trồng cây, gạch sinh thái ecobrick…

Không dừng ở việc tuyên truyền, mới đây, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đưa vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa và ni lông vào quá trình học tập thực tế của sinh viên bằng những dự án vì cộng đồng. Sinh viên trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã nghiên cứu hàng loạt đề tài thiết thực như “Người dân sử dụng quá nhiều túi nhựa (túi ni lông) và thải ra gây ô nhiễm môi trường ở các chợ quận Bình Thạnh", "Chiến dịch tuyên truyền sử dụng túi môi trường tại chợ Thị Nghè", "Người dân Bình Thạnh sử dụng quá nhiều chai dầu ăn bằng nhựa và vứt bừa bãi", "Giảm thiểu rác thải nhựa trong các sinh hoạt hàng ngày",... các sinh viên đã thể hiện được sức sáng tạo, góc nhìn đa chiều về thực trạng môi trường sống cũng như trách nhiệm vì cộng đồng của thế hệ trẻ…

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

13 1


Hiện, không có quy định nào bắt buộc người dân phải sử dụng chai kim loại hay ngừng dùng túi ni lông, nên việc tìm vật liệu thay thế là điều rất quan trọng, để thay đổi thói quen của toàn xã hội. Giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải nhựa ra môi trường mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng chính là tái sử dụng, tái chế nhựa. Việc tái chế nhựa tiêu thụ ít hơn 88% năng lượng so với làm mới. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Bộ TN&MT đã tiếp thu những kiến nghị của Hiệp hội Nhựa Việt Nam trong việc đề xuất và hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhựa trong sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực tái chế nhựa.

Rác thải nhựa là vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt và chưa có phương án xử lý ổn thỏa. Do đó, trước mắt chúng ta phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa đại dương. …

Ông Kamal Malhotra - Đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam

13 2


Để đối phó với rác thải nhựa cần có sự vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Các hành động đơn lẻ không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Việt Nam cần tiến hành các hành động chưa bao giờ thực hiện, cũng như suy nghĩ lại và đề xuất các chiến lược để thiết kế, sản xuất, giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa dùng một lần; ban hành và thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp thay thế và sản xuất bền vững. Các chính sách mạnh mẽ phải được ban hành để ngăn chặn việc sản xuất và sử dụng nhựa dùng một lần không cần thiết. Khối tư nhân phải sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh để giảm thiểu tác động của các sản phẩm đó đối với vùng hạ nguồn. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm cho vấn đề ô nhiễm mà các phẩm của họ đang gây ra ngày hôm nay và phải đầu tư vào các thiết kế sản phẩm bền vững. Người dân cần phải thay đổi tập quán, hành vi liên quan đến rác thải nhựa, áp dụng các thói quen tiêu dùng phù hợp, đồng thời, thực hành quyền mua đó là việc từ chối sử dụng nhựa dùng một lần.

Ông Nguyễn Nhơn Quý - Trưởng phòng trách nhiệm xã hội của AEON

13 3


Hiện nay, ý thức của người dân sử dụng túi ni lông còn hạn chế bởi chúng ta chưa có chính sách tuyên truyền về tác hại khi sử dụng nó. Chúng ta mới đi từ hình thức phong trào chưa có sự kết hợp rộng rãi từ Nhà nước đến các hiệp hội tiêu dùng, các tổ chức phi Chính phủ, trung tâm, các nhà sản xuất và các đơn vị trung tâm thương mại bán lẻ. Cần có kế hoạch hoạt động cụ thể và kết hợp giữa các đối tác với nhau thành một chiến lược rõ ràng hơn. Như vậy, mới có ý nghĩa tạo nên tác động lớn tới xã hội.

Riêng với AEON, chúng tôi luôn tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi ni lông cũng như tác hại của túi ni lông, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại túi thân thiện với môi trường hay còn gọi là túi Ecopark. Việc này đã được áp dụng từ rất lâu (hơn 20 năm nay). Đồng thời, thường xuyên có những poster để người phổ biến cho người dùng hạn chế dùng túi ni lông. Bên cạnh đó, tại các store của AEON trên toàn quốc có chương trình phân rác tại nguồn.

Mai Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống rác thải nhựa không thể đơn lẻ: Tạo sức lan tỏa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO