Chỗ dựa tin cậy cho nhà nông
Diễn biến phức tạp của thị trường cùng ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, thời tiết đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của người nông dân. Khó khăn bủa vây, không ít hộ gia đình lâm vào tình cảnh mất trắng. Nguồn vốn cùng những ưu đãi tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lúc này đã “tiếp sức” cho người nông dân đứng dậy, bước qua giai đoạn khó khăn.
Những nỗi lo trắng tay…
Đêm 28 và ngày 29/6/2023, thôn Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang, Hà Giang) xảy ra mưa to kèm theo lũ ống. Sau trận lũ quét, những trại cá hồi, cá tầm tại Hà Giang chỉ còn đất đá, hiện trường khiến cho gia đình anh Phạm Văn Nhiêu phải ứa nước mắt. Trong chớp mắt, hàng trăm tấn cá tầm của gia đình anh bị dòng nước dữ cuốn trôi phăng, bị ngạt nước bùn đất, chết nổi trắng mặt đất. Taluy dương sạt khiến đất, đá trượt xuống mương dẫn nước làm nước tràn vào 65 bể ương cá giống, 10 bể nuôi cá thương phẩm, trong đó, 30 bể bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn; ước thiệt hại trên 36.000 cá giống và cá thương phẩm. Trên tổng diện tích 0,22 ha nuôi thủy sản, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nhiêu phút chốc tan hoang.
Dù sự việc qua đi đã nửa năm nhưng anh Phạm Văn Nhiêu (trú tại thôn Đông Ninh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) chưa hết bàng hoàng. Anh cho biết, năm 1991 sau khi lập gia đình, anh đã vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn (Agribank) Tiên Lãng, số tiền 10 triệu đồng, toàn bộ “gia tài” đó gia đình anh dồn vào mua cá giống, bắt đầu chặng đường khởi nghiệp không ít gian nan. Để thử nghiệm thổ nhưỡng, khí hậu nuôi cá phù hợp và có được kinh nghiệm, mối hàng, đầu ra cho sản phẩm anh Nhiêu đã bôn ba từ Bắc vào Nam để xây dựng lên cơ ngơi gần 130 lồng cá tầm với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.
Có được kết quả đó anh cũng trải qua không ít lần phải “làm lại từ đầu”, gần đây nhất là năm 2023, anh mở rộng sản xuất, đầu tư thêm các trang trại nuôi cá tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Hà Giang. Lứa cá đang phát triển thuận lợi, chờ ngày thu hoạch thì trận lũ quét đột ngột tại Bắc Quang làm anh không kịp trở tay. Các ao cá tầm, cá hồi bị phá vỡ hoàn toàn, cá thương phẩm và cá giống bị cuốn trôi không thể thu hồi, tính riêng trang trại này, anh đã thiệt hại gần 30 tỷ đồng.
Cũng giống như anh Nhiêu, gia đình anh Hoàng Văn Thuấn (Hợp tác xã Thuấn Lanh ở thôn Kim Đới, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) cũng điêu đứng bởi hơn 50 trại gà giá xuống dốc kỷ lục. Từ cuối năm 2022 đến tháng 8/2023, giá trị lượng thịt gà nhập khẩu tăng, bất chấp nguồn cung trong nước vốn đã dư thừa, trong khi giá gà giảm kỷ lục thì hợp tác xã của anh Thuấn vẫn phải đối diện với chi phí chăn nuôi cũng tăng cao.
Thời điểm đó, giá gà giảm và dao động ở mốc 32.000-38.000đ/kg, chưa biết khi nào chạm đáy, khả năng sẽ còn giảm tiếp và điều khiến anh lo lắng là giá gà rất rẻ rồi mà vẫn không thể xuất bán. Cuối cùng, không thể giữ gà chờ giá, anh cho xuất chuồng đàn gà mỡ màng, con nào con nấy đều tăm tắp, với trên 43.000 con, hợp tác xã của anh Thuấn thua lỗ gần 13 tỷ đồng.
Khi người nông dân cần là có vốn
Đồng hành cùng bà con nông dân nhiều năm, Agribank Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng luôn chia sẻ với khó khăn của khách hàng. Trăn trở về cơ chế chính sách cho bà con, sau khi biết được tình hình kinh doanh của các hộ nông dân trong hợp tác xã Thuấn Lanh cũng như gia đình anh Phạm Văn Nhiêu, Agribank Tiên Lãng đã tiếp tục thể hiện vai trò đồng hành, là người bạn tin cậy của bà con nông dân. Agribank chi nhánh Tiên Lãng đã chủ động nắm bắt thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ bằng cách vận dụng nhiều cơ chế linh hoạt như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho vay để hỗ trợ khách hàng, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng quy định. Cùng với đó, các cán bộ tín dụng luôn theo sát diễn biến giá gà, giá cá, giá nông sản để kịp thời tư vấn tháo gỡ, liên kết, giới thiệu sản phẩm đầu ra cho người nông dân để họ có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn, từng bước ổn định lại đời sống và phát triển sản xuất.
Anh Hoàng Văn Thuấn cho hay, nguồn vốn của Agribank Tiên Lãng lúc này rất thiết thực đối với gia đình anh. Nhờ phần lãi suất được giảm bớt và nguồn vốn tín dụng được bổ sung từ ngân hàng, hợp tác xã của anh đến thời điểm này đã từng bước hồi phục sản xuất kinh doanh. Giá gà dần bình ổn, bà con trong hợp tác xã không những thu lại được số tiền thua lỗ đầu năm mà dần dần có lãi từ các trang trại trong hợp tác xã. Cùng với đó, anh Thuấn cùng với trên 800 hộ nông dân trong hợp tác xã đầu tư vào mô hình phát triển các nông sản gồm dưa bao tử, ớt, cà, khoai tây…Với gần 9 tỷ đồng nguồn vốn cho vay từ Agribank Tiên Lãng, mô hình nông nghiệp của anh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu mà đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Tương tự, với gia đình anh Phạm Văn Nhiêu, Agribank Tiên Lãng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới giúp gia đình anh Nhiêu có điều kiện tiếp tục sản xuất, khôi phục thiệt hại các trại cá cũ, mở rộng thêm quy mô nuôi cá tại quê nhà, tạo nguồn thu nhập trả nợ ngân hàng.
Anh Nhiêu chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Agribank Tiên Lãng, gia đình anh đã khôi phục được lại các lồng nuôi cá tầm, thoát khỏi cảnh khó khăn, có nguồn thu nhập ổn định để nuôi con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang. Sau nhiều lần vay trả, đến nay tổng dư nợ của gia đình anh Nhiêu là 12 tỷ đồng, việc được Agribank "hậu thuẫn" đã giúp cho anh không còn cảnh lo sợ thiếu vốn, nhất là vào các vụ cá giống. Được biết, gia đình anh Nhiêu còn giải quyết việc làm cho 22 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập từ 6 đến 15 triệu đồng/người. Hiện nay gia đình anh Nhiêu có 128 lồng cá, với tổng quy mô và sản lượng lên khoảng 500 tấn chủ yếu là cá tầm. Giá tốt, nhu cầu thị trường đang tăng cao, gia đình phấn khởi tin tưởng cho một cái Tết đầy thắng lợi.