Doanh nghiệp - doanh nhân

Chính sách nào ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ?

Mai Chi 06/06/2024 18:10

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Do vậy, công nghiệp hỗ trợ là "xương sống" cho rất nhiều ngành công nghiệp khác. Thời gian qua, với các chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ, Bộ Công Thương, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã có những bước tiến đáng kể.

Để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, ngày 3 tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT. Ban hành kèm theo Nghị định là Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, bao gồm 7 loại sản phẩm của ngành Dệt may; 7 loại sản phẩm của ngành Da giày; 9 loại sản phẩm của ngành Điện tử; 16 loại sản phẩm của ngành Sản xuất lắp ráp ô tô; 8 loại sản phẩm của ngành Ccơ khí chế tạo; 8 loại sản phẩm CNHT cho Công nghiệp công nghệ cao. Cùng một số chính sách hỗ trợ phát triển CNHT, cụ thể: Nghiên cứu và phát triển; Ứng dụng và chuyển giao; Phát triển nguồn nhân lực, Hỗ trợ và phát triển thị trường.

1-3.jpg
Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp CNHT

Theo đó các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi, hỗ trợ từ Chương trình phát triển CNHT, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo; được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí và phát triển từ Chương trình phát triển CNHT đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển CNHT có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; được nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT. Đặc biệt, với dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNHT được nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng ưu đãi sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được hỗ trợ xem xét tối đa 50% kinh phí trang thiết bị nghiên cứu từ chương trình phát triển CNHT…

Năm 2020 Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Bên cạnh đưa ra những mục tiêu tổng quát, cụ thể cho lĩnh vực CNHT Việt Nam đến năm 2025 và 2030, Nghị quyết 115/NQ-CP cũng đưa ra những ưu đãi đối với doanh nghiệp CNHT. Cụ thể là giải pháp về tài chính, tín dụng: Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT) thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.

Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 1/1/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm CNHT theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án này chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.

Mới đây, ngày 17/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Từ đây, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý mới, công nghệ mới, xây dựng tiêu chuẩn, qui chuẩn kiểm soát chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực…

Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT. Các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập.... Hiện Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

Cùng với rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào CNHT, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công thương cũng hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung cấp cho các tập đoàn này tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài; Liên kết, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT; Triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vận hành hiệu quả Chương trình phát triển CNHT; Triển khai xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật (trên cơ sở tham khảo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị, đáp ứng yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với những chính sách, định hướng đúng đắn, CNHT của Việt Nam đã có những khởi sắc. Lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí, đã khẳng định được vai trò “đầu tàu” cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hoá được nâng cao trong nhiều ngành, như dệt may, da giày đạt tới 50%, cơ khí đạt tới hơn 30%. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia tham gia vào lợi ích sản xuất, cung ứng toàn cầu. Sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thu hút được các tập đoàn lớn của thế giới, mở rộng nhà máy và hình thành các trung tâm R&D ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách nào ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO