Chính sách đất đai vùng đồng bào DTTS&MN: Cần xác định rõ nguồn lực thực hiện

Nguyễn Nga| 23/03/2023 20:20

(TN&MT) - Ngày 23/3, Hội đồng dân tộc của Quốc hội phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo Góp ý về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Đất đai đã mở rộng chính sách đất đai nói chung và với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có những đặc thù, khó khăn hơn các vùng khác về điều kiện tự nhiên, KT-XH, việc áp dụng các chính sách có sự khác nhau, tùy thuộc nhận thức, tập quán, khả năng nguồn lực thực hiện chính sách, dẫn đến kết quả thực hiện rất hạn chế.

a1.jpg

Quang cảnh Hội thảo.

Trong tổng số 236 Điều của Dự thảo Luật, có 17 nội dung quy định về chính sách đất đai với đồng bào DTTS. Bao gồm 4 quy định riêng cho DTTS, 4 quy định cho một số đối tượng có DTTS, 9 quy định chung nhưng có nhiều liên quan đến DTTS. Ngoài ra, có 4 nội dung quy định cho vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh đặc biệt quan tâm góp ý đến khoản 2 Điều 89 “Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”. Dự thảo Luật quy định “…bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

a3.jpg

Phỏ Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu tham gia ý kiến tại Hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu, đây là vấn đề định tính, không có định lượng, gây khó khăn trong thực hiện, khi người dân có thể cho rằng nơi ở mới không bằng nơi ở cũ, không buôn bán, kinh doanh được. Dẫn đến công tác GPMB có thể bị kéo dài, do không được nhân dân đồng thuận. Sơn La đề xuất bỏ khoản 2 Điều 89 hoặc phải quy định cụ thể, chi tiết hơn về tiêu chí.

Với khoản 3 Điều 89, Chính phủ cần quy định rõ về phương thức bồi thường, có thể quy định về giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi so với giá trị quyền sử dụng đất của loại đất khác tại nơi bố trí bồi thường. Do có nhiều trường hợp chỉ bị thu hồi với diện tích nhỏ, loại đất nông nghiệp có giá trị quyền sử dụng đất thấp, nếu cũng được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích có giá trị lớn hơn sẽ khó thực hiện.

Khoản 2 Điều 94, đảm bảo cho người bị thu hồi có chỗ ở để ổn định đời sống. Song, trên địa bàn các tỉnh miền núi, tập quán người dân khi trưởng thành, bố mẹ chia cho thửa đất nông nghiệp đã được  cấp GCN hoặc chưa được cấp để làm nhà, sản xuất nông nghiệp. Như vậy, thửa đất có nhà ở đó đủ kiều kiện được bồi thường về loại đất khác thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản này không? Do đó, cần quy định cụ thể, chi tiết điều kiện được bố trí tái định cư, giá đất tính thu tiền sử dụng đất với trường hợp này.

a8.jpg

Hội thảo đã ghi nhận nhiều tham luận tâm huyết của đại diện các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình; các chuyên gia… về chính sách đất đai vùng đồng bào DTTS.

Đồng quan điểm, theo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, quy định hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất cần trong phạm vi cụ thể, tránh trục lợi chính sách, quy định cụ thể cụm từ “không có chỗ ở nào khác”.

Tinh Hòa Bình cũng đề nghị Chính phủ bổ sung thêm quy định về hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho các hộ đồng bào DTTS, nhằm khuyến khích đồng bào ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp, nhận giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất, hạn chế tình trạng di dân thứ cấp.

Tiếp tục triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào

TS Lê Xuân Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Song, vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nơi ở không ổn định, có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững. 

a9.jpg

TS Lê Xuân Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Giai đoạn 2017-2020, có 46 tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho hơn 9.500 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 3.900 hộ. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 21.200 hộ.

Theo Kết quả điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2019, vẫn có tới 17,2% hộ DTTS không có đất sản xuất, 1,3% số hộ DTTS không có đất ở. Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2085/QĐ-TTG, mới chỉ đạt 16,4% chỉ tiêu hỗ trợ đất ở và 5,7% chỉ tiêu hỗ trợ đất sản xuất. Nguồn vốn cấp để thực hiện chính sách không kịp thời, dãn đến hiệu quả chưa cao.

Trong khi, các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN chủ yếu là các tỉnh nghèo, ngân sách địa phương hạn chế, khó bố trí, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Nhiều địa phương không còn quỹ đất để bố trí cho người dân.

Do đó, Ủy ban Dân tộc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý khoản 1 Điều 17 thành: “Có chính sách giao đất, hỗ trợ về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế từng vùng”.

Đặc biệt, hiện nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành, tổ chức thực hiện với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào DTTS.

Do đó, trong Luật cần cụ thể hóa vấn đề nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc. Bổ sung các quy định nhằm quản lý đất đã được Nhà nước hỗ trợ cho người dân, tránh sau khi đất được hỗ trợ lại rao bán, tiếp tục trở thành người không có đất sản xuất.

Với các tỉnh Tây Bắc là những địa phương có diện tích đất ruộng ít, manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là đất lâm nghiệp, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, giao thông khó khăn, cần chủ động lựa chọn đối tượng, phương thức phát triển phù hợp điều kiện cụ thể. Thực hiện tốt giải pháp chuyển đổi nghề với đồng bào thiếu đất sản xuất.

a2(1).jpg

Ông Quàng Văn Hương - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã đánh giá cao các ý kiến tham luận tại Hội thảo. Đây là những ý kiến tâm huyết, thiết thực, gắn với thực tiễn tại các địa phương nơi có đông đồng bào DTTS&MN.

Theo ông Quàng Văn Hương, triển khai các hoạt động nghiên cứu, phục vụ xây dựng Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Hội đồng dân tộc đã gửi văn bản đến 37 UBND tỉnh vùng DTTS&MN có tỷ lệ người DTTS trên 5% tổng dân số. Tham gia 6 hội nghị, hội thảo do Chính phủ, một số bộ ngành tổ chức để nắm bắt các nội dung liên quan đến chính sách đất đai với đồng bào DTTS. 

Trên cơ sở các tham luận tại Hội thảo hôm nay, Hội đồng dân tộc của Quốc hội sẽ ghi nhận, tổng hợp để tiếp tục góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…

Hội thảo đã ghi nhận nhiều tham luận tâm huyết của đại diện các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và một số huyện, sở, ngành tỉnh Sơn La về: Công tác giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS, khó khăn vướng mắc và những vấn đề đặt ra; Kết quả rà soát đất có nguồn gốc nông, lâm trường giao lại cho địa phương quản lý và giao cho các hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất;

Thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất rừng giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; Hoạt động trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực đất đai với đồng bào DTTS; Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng giá đất; Việc ổn định đời sống của các hộ tái định cư sau khi thu hồi đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách đất đai vùng đồng bào DTTS&MN: Cần xác định rõ nguồn lực thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO