Chiến thắng Buôn Ma Thuột: Chuyện những người lính “quả cảm”

Phạm Hoài| 29/04/2021 23:22

(TN&MT) - Trận đánh Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 là trận mở màn cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dù 46 năm đã trôi qua nhưng với những người lính trực tiếp tham gia trận đánh, mỗi lần nhắc lại vẫn không giấu được bồi hồi, xúc động xen lẫn tự hào vì đã đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng tạo nên sức mạnh đánh đuổi kẻ thù, mang lại thống nhất cho đất nước.

Vẹn nguyên cảm xúc

Cũng như nhiều năm trước, cứ mỗi dịp tháng 3 đến tháng 4, những người lính năm xưa nay với mái tóc điểm nhiều sợi bạc cùng tụ họp lại để ôn lại những ký ức hào hùng năm xưa với những trận đánh “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Xen lẫn trong những tiếng nói có phần chậm rãi vì tuổi tác là những nụ cười rạng rỡ mỗi lần có ai đó kể lại hình ảnh chiến thắng tại trận đánh Buôn Ma Thuột.

Cũng như nhiều người lính khác, bà Nguyễn Thị Minh Trinh, nguyên Phó đoàn công tác chính trị như sống lại những ngày tháng hừng hực khí thế tiến công, khát khao giải phóng của mùa xuân năm 1975. Khi đó, thắt lòng gửi con nhỏ mới 2 tuổi cho cơ quan tiền phương, bà xâm nhập vào nội thành Buôn Ma Thuột, móc nối, xây dựng các cơ sở phục vụ cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Minh Trinh, nguyên Phó đoàn công tác chính trị

Trong ký ức của bà Trinh, các cơ sở cách mạng nội đô họ rất nhiệt huyết, đối với cách mạng khi có thời cơ là họ tham gia. “Nhờ đó tôi nắm được tình hình địch, và phân công từng bộ phận cơ sở kết hợp với đoàn, một là vận động binh lính ra ngũ, thứ hai là tham gia diệt ác phá kềm, thứ ba là đưa quần chúng nổi dậy. Trong tình hình đó, chúng tôi chọn một vài tên ác ôn khét tiếng mà diệt trừ, từ đó phá được kềm và tạo cho quần chúng nổi dậy” - bà Trinh chia sẻ.

Mùa Xuân năm ấy, cựu chiến binh Trịnh Ngọc Bổ tham gia Đội binh vận tại H11, khu vực phía Đông tỉnh Đắk Lắk. 21 tuổi, 4 năm chiến đấu, 4 lần bị thương, nhưng ký ức ấn tượng nhất của ông là trận đánh không nổ phát súng nào mà vẫn chiến thắng, bắt 28 tù binh, thu trên 50 vũ khí các loại, giải phóng xã Krông Pách, quận Phước An (bây giờ là xã Ea Kly, huyện Krông Pắk).

Ông Trịnh Ngọc Bổ hào hứng nhớ lại, đêm 28/2, đội công tác của ông gồm có 9 tay súng, làm thí điểm giải phóng một xã trong lúc quận Phước An chưa giải phóng, Buôn Ma Thuột chưa giải phóng: “Chúng tôi dùng loa kêu gọi anh em binh sĩ và chính quyền hãy mau chóng ra đầu hàng, quân giải phóng đã bao vây, nếu anh em nào chống trả sẽ bị tiêu diệt. Trong khoảng hơn 10 phút, bằng uy lực và sự phân tích thấu đáo qua lời kêu gọi, địch đã đầu hàng”.

Một trong những người lính trực tiếp tham gia trận chiến giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, cựu chiến binh Hồ Quảng Trị, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 25 bồi hồi nhớ lại: đơn vị của ông có nhiệm vụ tấn công Tổng kho Mai Hắc Đế. Yếu tố bất ngờ cùng với sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng, Buôn Ma Thuột đã được giải phóng sau hơn 30 giờ nổ súng, trong niềm vui mong chờ của người dân.

“Ngày 10/3 đánh ở đây là mình cũng dứt điểm 85 - 90% rồi, còn lại số ít chống cự, sau đó xe tăng mình ào vô nữa, cuối ngày 11 là giải phóng hết luôn. Ngay ngày 10/3 đánh vô thành phố Buôn Ma Thuột thì nhân dân đã treo cờ rộ rồi, cờ giải phóng treo lên rồi, nhân dân quá phấn khởi” - cựu chiến binh Hồ Quảng Trị nhớ lại.

May cờ chờ chiến thắng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, một trong hai người may cờ trong những năm kháng chiến ở khu căn cứ H4 - Đắk Lắk kể lại: Ngày đó, Tổ may vá có 3 người vừa làm nhiệm vụ may cờ Tổ quốc, vừa đảm nhiệm công tác hậu cần. Do nguồn nguyên liệu vải rất khan hiếm, họ phải thường xuyên về cơ sở trong dân để liên hệ mua. Điểm tập kết chính là Đồn điền Rosi (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ ngày nay). Khi cơ sở báo ra, nếu địa điểm được an toàn, không có lính ngụy mai phục thì mới bí mật đi lấy hàng về. Để có được chiếc máy may và vải là một thành công lớn của tổ công tác. Đây là khâu khó nhất, bởi đi đâu cũng có tai mắt của địch, mua nhiều là bị chú ý, xét hỏi, đặc biệt lại là vải màu đỏ và vàng dùng để may cờ.

Cũng theo bà Lan, tháng 2/1975, tổ công tác được lệnh phải may cờ đỏ sao vàng liên tục, lúc này mọi người chưa nghĩ là có chiến dịch lớn sẽ diễn ra trên địa bàn. Ba người trong tổ may suốt ngày đêm, cứ tầm từ 3 - 4 ngày thì may được khoảng 100 lá cờ. Làm được bao nhiêu thì có người trong đội công tác của tỉnh đến mang đi. “Đêm ngày 10/3/1975, khi nghe tin trên rađio về Chiến thắng Buôn Ma Thuột, các chị em trong Tổ may vá đều vỡ òa trong niềm sung sướng. Những lá cờ mà chúng tôi vẫn may trong bao năm đã tung bay trong ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột và ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” - bà Lan tự hào và xúc động nói.

 

Kể lại chiến thắng Tây Nguyên trong đại thắng mùa Xuân năm 1975, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột hào hứng nói, trong cuộc tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, bộ đội chủ lực tiêu diệt địch tới đâu thì Ủy ban Quân quản tiếp quản toàn bộ kho hậu cần, cơ sở y tế, tài chính, giáo dục, hậu cứ... Ủy ban Quân quản còn cùng lực lượng quần chúng truy quét tàn quân ngụy đang cải trang, trà trộn, lẩn trốn trong dân, kêu gọi ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước; nhanh chóng ổn định tình hình đời sống cho nhân dân trong thị xã.

Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, quân chủ lực tiến về Sài Gòn, còn các lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch. Đến ngày 24/3/1975, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn toàn được giải phóng. Ủy ban Quân quản Buôn Ma Thuột tập trung lực lượng vãn hồi trật tự trị an, khôi phục cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là giải quyết nạn đói. Quân và dân đã đoàn kết một lòng góp phần làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tiến tới đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” - ông Quyết nhớ lại.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là sự nỗ lực của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết một lòng, quả cảm kiên cường, vùng lên chiến đấu, giải phóng quê hương, làm nên thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra sự “đột biến” về chiến lược, tạo ra thế và lực mới để ta giành thắng lợi từ bộ phận đến giành thắng lợi hoàn toàn, xuất hiện thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam nhanh hơn, chín muồi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng Buôn Ma Thuột: Chuyện những người lính “quả cảm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO