Môi trường

Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thuỷ văn: Những nền móng vững chắc

Mai Đan (thực hiện) 21/11/2023 - 12:29

(TN&MT) - Trải qua gần hai năm Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Chiến lược) được phê duyệt theo Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ và hơn một năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 1083/QĐ-BTNMT ngày 23/5/2022 thực hiện Chiến lược, ngành khí tượng thủy văn (KTTV) đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc triển khai Chiến lược.

Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV về những nội dung xoay quanh Chiến lược này.

8bcuong.jpg
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV

PV: Thưa ông, qua hơn một năm thực hiện Chiến lược, đến nay, ngành KTTV đã thu được những kết quả bước đầu như thế nào?

Ông Hoàng Đức Cường: Tổng cục KTTV đã tích cực triển khai thực hiện việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong công tác KTTV, gắn kết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng cục đã từng bước triển khai việc hướng dẫn và bước đầu thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện khai thác, sử dụng, lồng ghép thông tin, dữ liệu KTTV, giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương.

Ngành KTTV đã tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia thời kỳ 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với Luật Quy hoạch và theo yêu cầu hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV theo hướng tự động hoàn toàn và thực tế của công tác dự báo, cảnh báo KTTV, phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện Quy hoạch đang hoàn thiện theo ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bên cạnh đó, đã lập và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt một số đề án, dự án trọng điểm để hiện đại hóa, tự động hóa mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia, hệ thống thu nhận thông tin và công nghệ dự báo; tiếp tục duy trì, vận hành hoạt động của mạng lưới trạm KTTV quốc gia hiện có; quản lý, phối hợp với chính quyền địa phương nơi có trạm KTTV thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia đảm bảo hành lang an toàn kỹ thuật các công trình KTTV theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, sạt lở đất nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời với độ tin cậy chính xác cao, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng KTTV nguy hiểm, bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.

Ngoài ra, Tổng cục KTTV còn đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV, biến đổi khí hậu; tăng cường trao đổi thông tin dữ liệu KTTV với các bộ, ngành, địa phương; phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia trong hoạt động quan trắc KTTV...

8c.jpg
Tổng cục KTTV tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm

PV: Quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, Tổng cục đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Ngành luôn nhận được quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự giúp đỡ của các bộ, ban ngành và địa phương, đồng thời ngành đã kế thừa được kết quả của Chiến lược thời kỳ trước cũng như kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước; các văn bản Quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về hoạt động KTTV đã tường minh và cụ thể hơn.

Công nghệ quan trắc, thông tin, dự báo ngày càng phát triển, đặc biệt là trong công nghệ thông tin. Qua đó, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện phát triển và hiện đại hóa ngành KTTV.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng cao, tần suất xuất hiện các hiện tượng KTTV nguy hiểm ngày càng nhiều và khắc nhiệt hơn, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ngành ngày càng phát triển và phải sát thực tế hơn trong khi mạng lưới quan trắc KTTV, hệ thống thu nhận thông tin, công nghệ dự báo chưa đủ điều kiện để theo kịp.

Mặt khác, ngành gặp nhiều khó khăn trong việc lồng ghép với các mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường hoặc với các mạng lưới quốc gia khác; kinh phí cấp cho nhiệm vụ phát triển, hiện đại ngành KTTV thời gian qua còn hạn chế.

PV: Như ông chia sẻ, thời gian qua, ngành KTTV đã tăng cường dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV, đặc biệt là những hiện tượng KTTV nguy hiểm. Theo ông, ngành cần có những giải pháp gì đối với công tác này trong thời gian tới trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt?

Ông Hoàng Đức Cường: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 phê duyệt Đề án "Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030" và Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Với các Quyết định đó, ngành KTTV cần xây dựng và triển khai đề án điều tra, khảo sát, đánh giá thiệt hại và hậu quả do thiên tai gây ra trên toàn quốc, phục vụ đánh giá tổng thể rủi ro thiên tai, đa thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngành cũng cần cập nhật, hoàn thiện hệ thống các quy định, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo KTTV; xây dựng hệ thống chuyên dụng phân tích và dự báo bão, áp thấp nhiệt đới; phát triển hệ thống dự báo mô hình số trị trong dự báo nghiệp vụ, trong đó, tập trung kiểm soát và đánh giá chất lượng dữ liệu đầu vào, sản phẩm dự báo đầu ra, đồng hóa số liệu, dự báo định lượng mưa ở các thời hạn dự báo từ cực ngắn đến dự báo dài; đánh giá kỹ năng dự báo điểm.

Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du trên toàn quốc, chi tiết đến cấp huyện; công nghệ dự báo, cảnh báo sạt lở đất thời gian thực cho khu vực cụ thể có nguy cơ cao sạt lở đất. Xây dựng công nghệ cảnh báo ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trọng điểm, ưu tiên cho khu vực đô thị lớn; xây dựng công cụ cảnh báo, dự báo chi tiết phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập lụt vùng hạ lưu các lưu vực sông và hạ lưu các hồ chứa.

Đồng thời, tiếp tục ứng dụ̣ng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong dự báo, cảnh báo KTTV. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong KTTV; nghiên cứu, ứng dụng các nội dung của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ hiện đại (công nghệ thông tin, GIS, viễn thám...) trong công tác dự báo cảnh báo thiên tai, thời tiết cực đoan, điều tra, đánh giá tài nguyên KTTV và giám sát biến đổi khí hậu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thuỷ văn: Những nền móng vững chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO