Chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH ở tỉnh Quảng Nam

12/09/2014 00:00

(TN&MT) - Sáng 12/9, tại tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH.


(TN&MT) - Sáng 12/9, tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Đan Mạch và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH ở tỉnh Quảng Nam.
   
  Gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, lãnh đạo 8 tỉnh, thành khu vực Nam Trung Bộ tham dự Hội thảo.
   
Quang cảnh Hội thảo
   
  Quảng Nam chịu tác động nặng nề của BĐKH, theo kịch bản đến năm đến năm 2020, tình trạng ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp, với tổng diện tích bị ngập khoảng hơn 306 km2; trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là thành phố Hội An với hơn 27% diện tích bị ngập; tiếp theo là các huyện Điện Bàn 26%, huyện Duy Xuyên gần 16% và huyện Núi Thành 15% diện tích bị ngập…. Các trận lũ lụt và bão xảy ra thường xuyên gây thiệt hại nặng nề đến đời sống dân sinh.
   
   Được sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch để triển khai một số chương trình, dự án thích ứng với BĐKH giai đoạn 2010 – 2015, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được nhiều công trình giúp ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng; xây dựng được một số mô hình canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu; phát triển diện tích rừng ngập mặn; nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ các cấp và nhân dân về ảnh hưởng, nguy cơ của biến đổi khí hậu, cũng như khả năng thích ứng. Đến nay, Quảng Nam xây dựng được 10 mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực dễ bị tổn thương do thiên tai là các công trình kè chống sạt lở khu vực bờ sông, cửa biển; nhà sinh hoạt đa năng phòng tránh bão kết hợp với trạm y tế, đảm bảo trú ẩn an toàn cho hơn 1.000 người dân các huyện Thăng Bình, Điện Bàn; mô hình trồng rừng ngập mặn ven biển ở huyện Núi Thành; đường tránh lũ tại huyện Đại Lộc… với tổng kinh phí hơn 61 tỷ đồng, dự kiến sẽ có khoảng 27.792 người dân được hưởng lợi.
   
Rừng ngập mặn Cẩm Thanh (Hội An)- một trong các dự án BĐKH của Quảng Nam
   
  Ông Trương Đức Trí - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đánh giá cao những kết quả mà Quảng Nam đã đạt được trong công tác xây dựng các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH, nhất là việc vào cuộc tích cực của người dân và chính quyền dịa phương. Đặc biệt, trong các mô hình, công trình liên quan đến thủy lợi, giao thông, người dân ngoài tham gia giám sát công trình còn hiến đất, hiến cây cối, tài sản… Đây cũng là những kinh nghiệm quý cần được các địa phơng khác nhân rộng. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam cần xem xét lại mô hình tái định cư vì có những nội dung chưa phù hợp với hiệp định giữa Đan Mạch và Việt Nam.
   
  Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH cũng như hiệu quả nhân rộng ra nhiều địa phương.
   
  Quảng Nam và Bến Tre là hai địa phương tại Việt Nam được Chính phủ Đan Mạch lựa chọn tài trợ xây dựng các mô hình thích ứng với BĐKH . Theo kế hoạch giai đoạn từ 2010 - 2015, Đan Mạch sẽ hỗ trợ triển khai xây dựng 20 dự án thích ứng BĐKH tại Quảng Nam với tổng nguồn vốn gần 151 tỷ đồng. 
   
Tin và ảnh: Lan Anh – Quỳnh Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH ở tỉnh Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO