Thực hiện Nghị quyết số 36, ngày 25/6/2021 của BTV Tỉnh ủy về phát triển thương mại, dịch vụ tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 45, ngày 1/9/2021 của BTV Tỉnh ủy về phát triển Công nghiệp (CN) tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 03 ngày 6/1/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 1/9/2021 của BTV Tỉnh ủy Lạng Sơn, huyện Chi Lăng đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện các giải pháp thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác, phát triển CN, thương mại, dịch vụ. Qua đó lĩnh vực Công Thương của huyện có nhiều chuyển biến tích cực và tiếp tục tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước.
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT&HT) huyện Chi Lăng, trên địa bàn huyện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa chủ yếu qua hệ thống chợ truyền thống. Các mặt hàng chủ yếu là các sản phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được huyện thực hiện có hiệu quả. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 1.134 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 7-8%/năm.
Đối với hoạt động xuất khẩu, huyện đã có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của địa phương. Hướng xuất khẩu ra các thị trường ngoài nước tiếp tục được huyện quan tâm triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp cận các thị trường nước ngoài, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao giá trị xuất khẩu của địa phương.
Về hoạt động xúc tiến thương mại, huyện đã tham gia gian hàng giới thiệu Na và các sản phẩm OCOP của huyện tại Hội chợ thương mại kết hợp OCOP TP. Lạng Sơn 2022. Tổ chức thực hiện Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các nông sản đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số với thông điệp “Na Chi Lăng - Ngọt ngào hương vị Xứ Lạng” để người tiêu dùng cả nước được biết đến đặc sản Na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP của huyện Chi Lăng để nâng cao giá trị tăng thu nhập cho người dân.
Để phát triển thương mại, dịch vụ, huyện đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại. Công tác quy hoạch các hạng mục hạ tầng thương mại, dịch vụ tại khu vực trung tâm huyện, các xã, thị trấn tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Công tác thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào địa bàn, như là đầu tư vào chợ, cửa hàng xăng dầu tại thị trấn Đồng Mỏ, khu chăn nuôi Bò sữa tại xã Vân Thuỷ, thực hiện các chương trình xây dựng mới trụ sở. Ngoài ra, các siêu thị mini, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện cũng tiếp tục có xu hướng phát triển...
Bên cạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, tình hình sản xuất CN, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, phương thức sản xuất kinh doanh từng bước được đổi mới, thị trường liên kết ngày càng được mở rộng. Các doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Hiện nay trên địa bàn huyện có 65 cơ sở sản xuất CN, tiểu thủ CN, sản phẩm chủ yếu là đá các loại, sản phẩm CN chế biến, điện thương phẩm, nước, xi măng. Tổng giá trị sản xuất CN, tiểu thủ CN năm 2022 ước đạt 2.346,2 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, Phòng KT&HT huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thực hiện thủ tục về quy hoạch, thành lập và thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện như: Dự án CCN phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ, CCN Chi Lăng, CCN Đồng Mỏ...
Hiện nay huyện tiếp tục lập bổ sung phát triển thêm 2 CCN trên địa bàn (CCN Chi Lăng: 24.55 ha; CCN Đồng Mỏ: 66.46 ha) và đã phối hợp với các Sở, ngành chức năng của tỉnh để tích hợp vào quy hoạch phát triển CN của tỉnh thời kỳ 2021-2030, xét đến năm 2050, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Huyện cũng đang đề xuất và phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh điều chỉnh cập nhật bổ sung CCN Chi Lăng và CCN Đồng Mỏ vào quy hoạch phát triển CN của tỉnh thời kỳ 2021-2030, xét đến năm 2050.
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Chi Lăng đề ra mục tiêu: Tốc độ tăng thêm bình quân giá trị ngành CN đạt từ 9-10%/năm; đến năm 2025 tỷ trọng ngành CN trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 32-33%, số lao động hoạt động trong lĩnh vực CN đạt trên 1.650 lao động, tăng 46,8% so với năm 2020. Giai đoạn 2026 – 2030 huyện phấn đấu, tốc độ tăng thêm bình quân giá trị ngành CN đạt từ 12-14%/năm. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN đã được quy hoạch trên địa bàn, phấn đấu đầu tư hoàn thành ít nhất 1 CCN đi vào hoạt động. Đến năm 2030 tỷ lệ lấp đầy mỗi cụm cơ bản đạt trên 50%.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, huyện Chi Lăng xác định sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham gia của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trong phát triển CN. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển CN. Đồng thời, tạo lập môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi cho phát triển CN, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển CN…