Tham dự buổi sinh hoạt, có Diễn giả - Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và khách mời - Nhà báo Hoàng Văn Chiên của Báo Nông thôn Ngày nay, Báo Điện tử Dân Việt. Về phía Báo TN&MT, có Ban Biên tập, Ban Thư ký Chi hội cùng các Hội viên đang sinh hoạt trong Chi hội và tất cả các biên tập viên, phóng viên của Báo.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Phó Tổng Biên tập Lê Xuân Dũng, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo TN&MT cho biết: Lao động nghiệp vụ báo chí và học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao bản lĩnh nghiệp vụ là hai phạm trù, hai hoạt động có mối liên quan mật thiết với nhau để tạo nên sức mạnh cho một cơ quan báo chí và đặc biệt là cho mỗi cá nhân người làm báo.
Vì vậy, đã thành truyền thống, Báo TN&MT, Chi hội Nhà báo Báo TN&MT, bên cạnh việc thường xuyên cử phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các Bộ, ngành khác tổ chức, hàng năm Chi hội đều tổ chức các buổi sinh hoạt nghiệp vụ, tổ chức các buổi thực tế để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo của Báo TN&MT.
Được biết, Nhà báo, Diễn giả Đỗ Doãn Hoàng và khách mời Hoàng Chiên là tác giả của những thiên phóng sự nhiều khám phá độc đáo, giàu sức chiến đấu bảo vệ công lý và giàu giá trị nhân văn… được đăng tải trong suốt hơn 2 thập kỷ qua trên các tờ báo hàng đầu của Việt Nam như: Lao Động, Nông thôn Ngày nay, Công an Nhân dân, An ninh thế giới, Thanh Niên…
Trong bộ sưu tập tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng cao quý của Báo chí Việt Nam cũng như Quốc tế, Nhà báo Doãn Hoàng cùng Nhà báo Hoàng Chiên và đồng nghiệp đã có rất nhiều tác phẩm liên quan đến công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ thiên nhiên môi trường như: Nạn tàn sát chim hoang dã, chim di cư ở Việt Nam (năm 2020); Buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam, Lào; Loạt phóng sự điều tra đoạt giải Nhất cuộc thi "Toàn cảnh cuộc khủng hoảng hoang dã" năm 2020: "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia"; Tái chế rác thải y tế thành dụng cụ ăn uống và bảo quản thực phẩm; Nhiều tuyến bài điều tra xuyên biên giới về nạn săn bắn giết hại, buôn bán và sử dụng sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam; Tàn sát rừng nghiến cổ thụ ở Vườn Quốc gia Du Già bị tàn phá với quy mô chưa từng có…
Ông Lê Xuân Dũng mong rằng, những kiến thức, kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ, “chất lửa” trong mỗi lần dấn thân của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và Nhà báo Hoàng Văn Chiên sẽ là nguồn kiến thức vô cùng quý báu để các phóng viên, biên tập viên có thêm kiến thức nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp báo chí của mình.
Tại buổi tập huấn, các Hội viên Chi hội Nhà báo Báo TN&MT đã được học hỏi, giao lưu, chia sẻ nghiệp vụ với Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Trả lời câu hỏi của hội viên về việc làm thế nào để có thể thực hiện các phóng sự điều tra có quy mô, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, yếu tố quan trọng là nhà báo phải hết lòng, đủ đam mê với 1 đề tài độc đáo, mới lạ, có tính phát hiện và không ngừng được đào tạo bài bản, trau dồi và nâng cao kỹ năng tác nghiệp.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng chia sẻ kinh nghiệm giữ an toàn khi thực hiện các phóng sự điều tra. Ông cho rằng, cần làm việc theo nhóm, nuôi quan hệ một thời gian dài với đối tượng điều tra để nắm được những thông tin quan trọng của đối tượng đó. Đặc biệt là việc sử dụng thiết bị thông minh khi tiến hành các loạt phóng sự điều tra.
Phát biểu kết luận buổi sinh hoạt nghiệp vụ của Chi hội Nhà báo Báo TN&MT, ông Hoàng Mạnh Hà, Bí thư Đảng uỷ, Tổng Biên tập Báo TN&MT khẳng định Đảng uỷ, Ban Biên tập luôn đồng hành, sát cánh hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong quá trình tác nghiệp cho các Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang sinh hoạt tại Chi hội Nhà báo Báo TN&MT. Đảng uỷ, Ban Biên tập Báo TN&MT luôn sẵn sàng đầu tư về mọi mặt cho các nhà báo, phóng viên của Báo TN&MT xây dựng đề tài và triển khai thành công các tác phẩm báo chí có chất lượng cao, đặc biệt là thể loại phóng sự điều tra, để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung của tờ báo; đồng thời cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu tham gia và đạt giải tại các giải thưởng báo chí của quốc gia.