Chi bộ Vụ Địa chất: Công tác tham mưu nâng cao hiệu quả điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản

Mai Đan| 13/07/2020 18:28

(TN&MT) - Trong những năm qua, công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều thành tựu mới. Những thành tựu đó khẳng định sự định hướng, chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Trong đó có vai trò của Chi bộ Vụ Địa chất trong chức năng tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Tiến hành đồng bộ công tác điều tra khoáng sản

Theo thống kê của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đến nay, Tổng cục đã hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản các tỉ lệ 1:500.000, tỉ lệ 1:200.000 phần đất liền; đã và đang đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỉ lệ 1:50.000 với 23.860 km2 đã hoàn thành (đạt gần 70% diện tích phần đất liền). Cùng với công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất, công tác điều tra khoáng sản được tiến hành đồng bộ từ công tác tìm kiếm phát hiện đến đánh giá sơ bộ và chi tiết hóa.

Về đánh giá tiềm năng khoáng sản, trước năm 1990, các đơn vị địa chất đã tìm kiếm, thăm dò nhiều vùng mỏ, điểm khoáng sản kim loại như quặng sắt, đồng, thiếc, chì-kẽm, bauxite, đất hiếm…

Từ năm 1990, các đơn vị địa chất của nhà nước chỉ thực hiện các nhiệm vụ điều tra lập bản đồ địa chất khoáng sản, nghiên cứu chuyên đề, đánh giá tiềm năng khoáng sản. Đến nay đã hoàn thành trên 350 báo cáo điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản trên các vùng quặng, điểm quặng với đa dạng các loại khoáng sản. Hiện tại đã có khoảng 60 loại khoáng sản đã được điều tra đánh giá tiềm năng trên mặt và một số loại đã và đang đánh giá tiềm năng phần dưới sâu.

Trong những năm qua, công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh minh họa

Như vậy, công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản của Việt Nam đã được triển khai khá đồng bộ, mức độ chi tiết về điều tra, đánh giá trên mặt và phần nông rất cao so với hầu hết các nước trên thế giới.

Những thành tựu trên làm cơ sở quan trọng, là điều kiện thuận lợi cơ bản trong việc hoạch định quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản hiện tại.

Tuy nhiên, do mức độ đầu tư có hạn, triển khai trong nhiều thời kỳ, công tác đánh giá tiềm năng khoáng sản chủ yếu dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trên bề mặt và ở phần nông, công tác điều tra gặp nhiều khó khăn khi tiến hành với các khoáng sản tồn tại ở độ sâu lớn hoặc các mỏ quặng bị chôn vùi, ẩn sâu. Vì vậy, điều tra, đánh giá khoáng sản dưới sâu đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều tra địa chất về khoáng sản hiện tại và trong tương lai.

Những tham mưu mang lại kết quả “nổi bật”

Theo ông Trần Mỹ Dũng – Vụ trưởng Vụ Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm đó là “Ưu tiên công tác đánh giá tiềm năng tài nguyên từng loại, nhóm khoáng sản quan trọng, đặc biệt là trong các cấu trúc địa chất có triển vọng khoáng sản đến độ sâu 500m và một số vùng đến 1000m…”.

Đối với mục tiêu đánh giá khoáng sản, trong Quy hoạch cũng nêu rõ phải “Đầu tư, phát hiện các mỏ mới trong các cấu trúc thuận lợi đến độ sâu 1000m”.

“Để có thể đạt được mục tiêu đặt ra, công tác tham mưu đã đựa trên những tổng hợp, phân tích, kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu đã tiến hành qua nhiều thời kỳ, đồng thời đã có cách nhìn đổi mới về phương pháp kỹ thuật, tư duy khoa học, lựa chọn đúng đối tượng điều tra, đánh giá tiềm năng, nắm chắc cấu trúc địa chất và sinh khoáng khu vực để tổ chức xây dựng chương trình và triển khai thực hiện các dự án trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hợp lý, hiệu quả” – ông Trần Mỹ Dũng nhấn mạnh.

Đề cập đến những tham mưu của Vụ Địa chất, ông Trần Mỹ Dũng cho biết: Những tham mưu của Vụ đã góp phần giúp cho công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản trong những năm gần đây đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều thành tựu mới.

Cụ thể, đã đánh giá tổng thể tiềm năng một số loại khoáng sản có tiềm năng lớn như titan sa khoáng trong tầng cát đỏ ở Ninh Thuận – Bình Thuận – Bắc Bà Rịa – Vũng Tàu; bauxite, sắt laterit ở Tây Nguyên; đá hoa trắng ở Bắc Bộ; cát thủy tinh ven biển Trung Bộ; urani tại một số khu vực và phần dưới sâu bồn trũng Nông Sơn tại tỉnh Quảng Nam.

Riêng đối với than nâu ở phần đất liền, bể sông Hồng đã kết hợp công tác đánh giá tiềm năng với nghiên cứu, xác lập các thông số kỹ thuật cơ bản để áp dụng công nghệ khí hóa than trong tương lai.

Ông Trần Mỹ Dũng cũng chỉ ra những thành công trong đánh giá tiềm năng quặng chì, kẽm ở phần sâu tại các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang; quặng wolfram (sheelit) trên mặt và ẩn sâu, đới Sông Chảy, tỉnh Hà Giang và tỉnh Lào Cai; quặng đồng trên mặt và ẩn sâu khu vực Kon Rá, tỉnh Kon Tum…

Kết quả của công tác điều tra cơ bản về khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên của nhiều diện tích có quy mô về tài nguyên, trữ lượng chuyển giao quản lý hoạt động khoáng sản để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Vụ trưởng Vụ Địa chất hy vọng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện công tác tham mưu nâng cao hiệu quả công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản, nhất là khoáng sản ẩn sâu của Chi bộ Vụ Địa chất sẽ giúp cho việc định hướng, triển khai công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hiêu quả, nhằm xây dựng ngành địa chất và khoáng sản ngày càng ổn định và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi bộ Vụ Địa chất: Công tác tham mưu nâng cao hiệu quả điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO